"Uống nước nhớ nguồn": Truyền thống ngàn năm

04:07, 24/07/2009
.
(QNg) Đi suốt chiều dài lịch sử của đất nước, truyền thống của cộng đồng các dân tộc Việt Nam là lòng yêu nước. Mỗi người Việt Nam tự xem đất nước như phần máu thịt của mình. Vì thế những ai vì đất nước hy sinh đều được Tổ quốc ghi công; mọi người, mọi nhà và xã hội tôn quý, chăm lo; xem đó là nghĩa vụ đối với người đã hy sinh và kết tinh thành truyền thống quí báu "uống nước nhớ nguồn" của dân tộc.

Bí thư Tỉnh uỷ Phạm Đình Khối trao quà cho các hộ gia đình có công với cách mạng ở huyện Trà Bồng.
Bí thư Tỉnh uỷ Phạm Đình Khối trao quà cho các hộ gia đình có công với cách mạng ở huyện Trà Bồng.
Mấy ngàn năm dựng nước và giữ nước, cộng đồng các dân tộc Việt Nam luôn lo chống giặc ngoại xâm để bảo vệ bờ cõi Tổ quốc. Đời nào cũng vậy, dù thời chiến hay trong thời bình, đã là người Việt Nam thì đều cảnh giác trước mọi kẻ thù; luôn xây dựng lực lượng vũ trang hùng hậu để sẵn sàng chiến đấu vì độc lập, tự do của đất nước. Xuất phát từ nguyên nhân sâu xa này mà những ai quên mình chiến đấu hy sinh vì nước đều được dân tộc ta nhớ đến. Dù người đó là các bậc công thần, dòng dõi các vương công, tướng lĩnh, hay những người chân đất bình thường. Xét từ Bắc chí Nam, so với các đình chùa miếu mạo khác, thì nơi nào việc thờ cúng anh hùng dân tộc, các liệt sĩ chống ngoại xâm cũng chiếm số lượng lớn nhất.

Không chỉ thế, tên tuổi các vị anh hùng dân tộc còn được dân tộc ta nhớ đến bằng việc đặt tên cho các con đường, từ thành phố đến tỉnh lẻ, nơi nào cũng có. Một thể hiện nữa luôn ăn sâu trong lòng người dân đất Việt là, ai cũng biết đến anh hùng chống ngoại xâm hơn những người có công lao khác, thậm chí đó là những người khai khẩn ra vùng đất mới, có công giúp dân canh nông, phát triển nghề nghiệp, ổn định đời sống.

Cách tri ân đối với các vị anh hùng, các liệt sĩ, thương binh mỗi thời mỗi khác nhau, nhưng tựu chung vẫn là truyền thống "uống nước nhớ nguồn" của dân tộc. Chẳng hạn như thời Bà Trưng, nhân dân vùng Bắc Bộ đã lập hàng trăm ngôi đền thờ Hai Bà Trưng và các bộ tướng mãi lưu truyền cho hậu thế, việc tưởng nhớ các vị anh hùng này trở thành những lễ hội đặc sắc hằng năm.

Nhiều ý kiến cho rằng, việc thể hiện ấy một phần chứng tỏ dân tộc ta rất nặng tình, và chỉ có nặng tình mới đau đáu niềm tri ân đối với những người hy sinh thân mình cho ta sống hôm nay. Bình Định vương Lê Lợi ngày mới khởi nghĩa, bị quân Minh vây đánh, phải lui vào đất Trịnh Cao. Lúc này nếu không có Lê Lai "liều mình cứu chúa" thì Lê Lợi liệu có thoát được vòng vây lúc đó, lập được công danh ghi vào sử sách mai sau? Và, sự "liều mình" của Lê Lai lúc ấy không phải chỉ cứu Lê Lợi - linh hồn của cuộc khởi nghĩa Lam Sơn và các tướng sĩ, mà là cứu đất nước đang lâm nguy dưới ách đô hộ tàn khốc của quân Minh. Vì thế cả dân tộc ta nhớ ơn Lê Lai hy sinh vì đất nước, chứ không chỉ phải nhớ ơn Lê Lai bằng việc từng cứu Lê Lợi vào mùa Xuân năm 1418.

Đi cùng bài ca oai hùng của lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc, tỉnh Quảng Ngãi cũng có bao thế hệ gác tình riêng ra đi vì sông núi. Đi qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ; Quảng Ngãi sau ngày giải phóng bên cạnh niềm vui là nỗi đau tận cùng; hơn 37 ngàn người con ra đi vĩnh viễn không trở về, trở thành liệt sĩ, lấy da thịt để ghi danh công mình vào nền hoà bình của Tổ quốc. Còn 30 ngàn người trở về, thịt da không còn lành lặn, mang vết thương thời chiến đi hết đời mình. Đó là chưa kể hàng vạn người mất chồng, mất con, mất cha, mất anh và bao người thân khác. Rồi những di chứng sau chiến tranh đeo  bám, huỷ diệt thân thể các thế hệ đàn con, đàn cháu. Những vết thương hiển hiện trên thịt da, hiển hiện trên từng thân thể con người ấy, biết có bao giờ bù đắp được.

Vì thế, chỉ có tình người, tình cộng đồng, nhớ công ơn người vì đất nước hy sinh, cống hiến máu xương cho Tổ quốc... mà góp từng công sức mọi người để chăm lo cho họ, mới mong chữa lành được vết thương lòng. Nhiều năm qua ở tỉnh Quảng Ngãi, việc thăm hỏi, động viên, giúp đỡ thương binh, gia đình liệt sỹ, gia đình có công cách mạng  được mọi ngành, mọi cấp quan tâm thực hiện. Bất kỳ ở đâu, địa phương nào cũng giành những tình cảm, sự ưu ái nhất cho những gia đình có công cách mạng. Đảng bộ, quân và nhân dân cả tỉnh biểu hiện bằng cách, tìm và quy tập được khoảng 28 ngàn hài cốt liệt sỹ; từ năm 2007 đến nay, đã nâng cấp, sửa chữa 80 nghĩa trang liệt sĩ; xây dựng 15 đài tưởng niệm hàng chục ngàn ngôi mộ liệt sĩ; các phong trào giúp đỡ thương binh, liệt sĩ, gia đình có công vói cách mạng của các hội đoàn thể và của các em học sinh tại cơ sở... Những năm qua, mỗi khi nghe đóng góp công sức, tiền của giúp các gia đình có công cách mạng, thì chẳng mấy ai từ chối việc gì. Điển hình nhất là phong trào nuôi dưỡng các Bà mẹ Việt Nam Anh hùng được phát động từ năm 1996, đến nay đã có hơn 200 tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh nhận nuôi các Mẹ.

Một hành động thiết thực của tỉnh Quảng Ngãi mấy năm qua đối với người có công với cách mạng trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp, Mỹ nữa là phong trào xây dựng, sửa chữa nhà cho các hộ gia đình có công với cách mạng. Chỉ tiêu đưa ra xây dựng nhà cho các đối tượng này luôn được các ngành, địa phương thực hiện vượt chỉ tiêu hàng năm. Đó là nhờ phong trào đã khơi dậy được tinh thần của truyền thống ngàn đời "uống nước nhớ nguồn" ăn sâu vào tâm khảm mỗi người. Vì vậy, kể từ năm 2003 đến nay, phong trào  này đã thu hút quân, dân, cán bộ, học sinh, các tổ chức tham gia. Mỗi cán bộ, công chức đóng góp một ngày lương; mỗi doanh nghiệp xây dựng vài ngôi nhà; mỗi em học sinh nhịn quà ăn sáng... Cứ "góp gió thành bão" và hàng ngàn ngôi nhà tình nghĩa được hỗ trợ sửa chữa và xây mới bằng sự đóng góp ấy. Theo thống kê, từ 2003 - 2008, cả tỉnh đã xây dựng được 4.445 ngôi nhà tình nghĩa, với tổng mức kinh phí trên 55,4 tỷ đồng. Trong năm 2009 này, cả tỉnh sẽ phấn đấu hoàn thành hỗ trợ sửa chữa và xây mới 1.300 ngôi nhà tình nghĩa nữa.

Truyền thống "uống nước nhớ nguồn" của dân tộc Việt Nam là kho báu ngàn đời của bao thế hệ "con Rồng cháu Tiên". Từ "kho báu" đạo lý ấy, con dân đất Việt đã đứng vững  vượt qua bão táp phong ba, làm nên những chiến thắng oanh liệt trước bao kẻ thù hùng mạnh, xây dựng làm nên đất nước Việt Nam thống nhất và không ngừng lớn mạnh như ngày hôm nay.      
P.A

.