(Baoquangngai.vn)- Sáng 31/12, huyện Lý Sơn long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 30 năm Ngày thành lập huyện (1/1/1993 - 1/1/2023).
Ngày 1/1/1993, huyện Lý Sơn chính thức được thành lập theo Quyết định số 337/HĐBT ngày 21/9/1992 của Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) trên cơ sở toàn bộ diện tích và dân số 2 xã Bình Vĩnh, Bình Yến thuộc huyện Bình Sơn. Sau đó, hai xã Bình Vĩnh, Bình Yến được đổi tên thành xã Lý Vĩnh, Lý Hải.
Năm 2003, xã An Bình được thành lập với diện tích tự nhiên 69ha và 398 nhân khẩu trên cơ sở tách từ xã Lý Vĩnh, cùng lúc xã Lý Vĩnh, xã Lý Hải đổi tên thành xã An Hải và xã An Vĩnh.
Đầu năm 2020, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết 867/NQ-UBTVQH14, 3 xã An Vĩnh, An Hải, An Bình được giải thể và Lý Sơn trở thành huyện duy nhất của tỉnh Quảng Ngãi không còn cấp xã, với diện tích trên 10km2, dân số hơn 22 nghìn người.
Bí thư Huyện ủy Lý Sơn Nguyễn Minh Trí trao Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh cho các tập thể có nhiều đóng góp vào sự phát triển của huyện. |
Giai đoạn đầu mới thành lập, Lý Sơn là một huyện nghèo, đời sống của nhân dân còn nhiều khó khăn, nông, ngư nghiệp, thương mại, dịch vụ và cơ sở hạ tầng còn yếu kém, lạc hậu.
Tuy nhiên, được sự quan tâm của trung ương, của tỉnh với nhiều chủ trương, chính sách tập trung đầu tư phát triển kinh tế - xã hội đối với vùng có điều kiện kinh tế đặc biệt khó khăn, vùng biên giới, hải đảo. Nhờ vậy, những năm qua cơ sở hạ tầng trên đảo từng bước được đầu tư xây mới, nâng cấp và mở rộng.
Nổi bật là công trình Trung tâm Y tế Quân dân y, hệ thống đê chắn sóng ven đảo, Vũng neo đậu tàu thuyền, bến cảng, hồ chứa nước, Nhà máy xử lý rác thải, Quảng trường trung tâm, Vườn hoa kiến thiết đô thị, Chợ trung tâm, đặc biệt là Lý Sơn được trung ương, tỉnh quan tâm đầu tư Dự án cấp điện từ hệ thống điện Quốc gia bằng cáp ngầm xuyên biển. Điện lưới quốc gia đã tạo tiền đề cho huyện đảo chuyển mình và thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội.
Tổng giá trị sản xuất các ngành kinh tế của huyện tăng gấp 23,97 lần so với 30 năm trước, ước đạt 2.061 tỷ đồng vào năm 2022. Thu nhập bình quân đầu người tăng hơn 192 lần so với 30 năm trước, ước đạt 37,5 triệu đồng/người/năm vào năm 2022.
Giá trị ngành nông nghiệp, thủy sản đến năm 2022 đạt 945,5 tỷ đồng, tăng gấp 15,7 lần so với năm 1993, nhờ sự áp dụng khoa học vào sản xuất. Hành, tỏi là 2 cây trồng chủ lực của người dân được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH&CN) cấp Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý vào năm 2020. Hiện nay, thương hiệu tỏi Lý Sơn được quảng bá và tiêu thụ rộng rãi trên thị trường cả nước.
Đi đôi với ngành trồng trọt, kinh tế biển được xác định là ngành kinh tế mũi nhọn của huyện. Từ 193 phương tiện đánh bắt thô sơ, thì sau 30 năm, toàn huyện có 549 phương tiện được đầu tư hiện đại. Điều này, không chỉ giúp ngư dân an tâm bám biển mà còn khẳng định là cột mốt sống, góp phần bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc. Sản lượng đánh bắt, khai thác thủy sản năm 2022 đạt 28.640 tấn, tăng 13,73 lần so với năm 1993.
Hoạt động thương mại - dịch vụ và du lịch không ngừng phát triển, mở rộng về quy mô lẫn chất lượng dịch vụ. Đến nay, toàn huyện có 4 chợ, hàng chục cửa hàng, đại lý được nhân dân đầu tư, mở rộng; có 7 tàu cao tốc phục vụ tuyến Sa kỳ - Lý Sơn, 16 ca nô phục vụ tuyến đảo Lớn - đảo Bé.
Từ khi có điện, tiềm năng du lịch từng bước được khai thác và phát huy hiệu quả. Nếu năm 2010, số lượng du khách đến Lý Sơn chỉ đạt 8.800 lượt khách, thì đến năm 2019, khách du lịch đến Lý Sơn là 265 nghìn lượt khách, tăng gấp 26 lần.
Nhà hàng, khách sạn, các dịch vụ phục vụ du lịch ngày càng phát triển. Toàn huyện hiện có 135 cơ sở lưu trú, với tổng số 1.083 phòng, từng bước đáp ứng nhu cầu cho du khách. Du lịch chiếm gần 50% tổng giá trị sản xuất các ngành kinh tế của huyện.
Song song với phát triển kinh tế, lĩnh vực văn hóa - xã hội có nhiều tiến bộ; an sinh xã hội được bảo đảm, đời sống của nhân dân từng bước được cải thiện, tỷ lệ hộ nghèo giảm mạnh. Đến nay, tỷ lệ hộ nghèo còn 10,12%.
Công tác y tế và chăm sóc sức khỏe cho nhân dân từng bước được cải thiện. Hiện nay, huyện đang triển khai xây mới Trung tâm Y tế Quân Dân y huyện Lý Sơn. Công trình được kỳ vọng nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh cho nhân dân huyện đảo.
Công tác bảo tồn và phát huy các di tích lịch sử văn hóa luôn được chú trọng, hiện nay huyện có 6 di tích Quốc gia, 2 di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia và 19 di tích cấp tỉnh.
Chất lượng giáo dục-đào tạo ngày càng được nâng lên. Toàn huyện có 7/9 trường đạt chuẩn quốc gia. Đội ngũ nhà giáo đạt chuẩn và trên chuẩn. Tỷ lệ học sinh đậu vào các trường đại học, cao đẳng ngày càng cao, chiếm từ 70 - 80%.
Công tác xây dựng Đảng được chú trọng; năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng được nâng lên. Hệ thống chính trị được củng cố ngày càng vững mạnh; quốc phòng, an ninh được tăng cường, trật tự, an toàn xã hội được giữ vững.
Bên cạnh những thành tựu đạt được, Lý Sơn còn gặp nhiều khó khăn, thách thức về môi trường, nguồn nước, thiên tai; nguồn lợi thủy sản suy giảm. Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội tuy được quan tâm đầu tư nhưng chưa đồng bộ. Các lĩnh vực văn hóa - xã hội phát triển nhưng chất lượng chưa cao.
Dịp này, lãnh đạo huyện Lý Sơn đã trao Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh cho 9 tập thể và 8 cá nhân đã có nhiều đóng góp trong 30 năm xây dựng và phát triển Lý Sơn. UBND huyện Lý Sơn cũng tặng giấy khen cho 28 cá nhân và 7 tập thể có nhiều đóng góp cho sự phát triển của huyện đảo.
Tin, ảnh:
HỮU DANH