(Báo Quảng Ngãi)- Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Văn Minh đã ký Quyết định số 724/QĐ-UBND ban hành Quy chế quản lý hoạt động của văn phòng đại diện, phóng viên thường trú các cơ quan báo chí trên địa bàn tỉnh (gọi tắt là Quy chế). Trong đó có quy định hoạt động của văn phòng đại diện và phóng viên thường trú phải phù hợp với tôn chỉ, mục đích của cơ quan báo chí; thực hiện đúng nhiệm vụ, quyền hạn trách nhiệm do cơ quan báo chí giao; tuân thủ quy định của pháp luật về báo chí.
Luật Báo chí năm 2016 đã quy định về quyền tự do báo chí, quyền tự do ngôn luận trên báo chí của công dân; tổ chức và hoạt động báo chí; quyền và nghĩa vụ của cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia và có liên quan đến hoạt động báo chí. UBND tỉnh ban hành Quy chế quản lý hoạt động của văn phòng đại diện, phóng viên thường trú các cơ quan báo chí trên địa bàn Quảng Ngãi nhằm cụ thể hóa việc triển khai thực hiện Luật Báo chí năm 2016, cũng như Nghị định số 09/2017/NĐ-CP của Chính phủ (Quy định chi tiết việc phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí của các cơ quan hành chính nhà nước) trên địa bàn tỉnh.
Theo Quy chế trên, văn phòng đại diện, phóng viên thường trú chỉ được phép hoạt động trên địa bàn tỉnh khi đáp ứng đầy đủ các điều kiện, tiêu chuẩn theo quy định tại Điều 22 Luật Báo chí và được Sở TT&TT đồng ý bằng văn bản. Người đứng đầu văn phòng đại diện và phóng viên thường trú thuộc các cơ quan báo chí trung ương được cử hoạt động, tác nghiệp trên địa bàn tỉnh phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về hoạt động của mình. Quy chế cũng quy định, văn phòng đại diện ngừng hoạt động ngay sau khi cơ quan báo chí có văn phòng đại diện hoạt động trên địa bàn tỉnh bị đình chỉ hoạt động hoặc thu hồi giấy phép theo quyết định của Bộ TT&TT. Phóng viên thường trú ngừng hoạt động báo chí trên địa bàn tỉnh ngay sau khi cơ quan báo chí có phóng viên thường trú đã bị đình chỉ hoạt động hoặc thu hồi giấy phép, hoặc phóng viên thường trú bị thu hồi thẻ nhà báo theo quyết định của Bộ TT&TT.
Nhắc đến phóng viên, nhà báo là nói đến những người cầm bút. Dù tác nghiệp ở bất kỳ loại hình báo chí nào, báo giấy, báo điện tử, báo nói hay báo hình, người làm báo đều hướng đến việc chuyển tải thông tin ý nghĩa, lan toả giá trị tích cực đến độc giả, thính giả, khán giả. Người làm báo khắc họa cảm xúc xã hội, và ở chiều ngược lại, tác phẩm báo chí lại tạo ra và đôi khi định hướng cảm xúc xã hội.
Trong bối cảnh hiện nay, trước những tác động tiêu cực từ mặt trái của cơ chế thị trường và tình trạng vi phạm đạo đức nghề nghiệp trong hoạt động báo chí xảy ra ngày càng nhiều, đòi hỏi các cấp, các ngành liên quan từ trung ương đến địa phương phải siết chặt hơn nữa công tác quản lý nhà nước về báo chí. Đối với mỗi phóng viên, nhà báo cần nỗ lực tu dưỡng, rèn luyện, học tập và nâng cao hơn nữa đạo đức nghề báo của mình để góp sức xây dựng xã hội ngày càng tốt đẹp hơn. Mỗi một nhà báo, phóng viên cần phải tác nghiệp với cái “tâm sáng, lòng trong, bút sắc”, để xứng đáng là những chiến sĩ trên mặt trận văn hóa, tư tưởng, như lời Bác Hồ từng dạy.
PHẠM VINH