Cùng vượt qua đại dịch

04:04, 09/04/2020
.
(Báo Quảng Ngãi)- Đẩy lùi dịch Covid-19 hiện nay không chỉ là sự quyết liệt trong chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, sự hưởng ứng và vận hành thông suốt của cả hệ thống chính trị, sự đồng lòng của toàn dân hay sự tận hiến và hy sinh cao cả của hàng vạn thầy thuốc trên khắp mọi miền đất nước suốt hơn hai tháng qua, mà còn thể hiện ngay trong việc làm hàng ngày của mỗi người dân. Những việc làm ấy, thoạt nghe tưởng như điều nhỏ nhặt nhưng hàm chứa những điều lớn lao không đong đếm hết giữa lúc dầu sôi lửa bỏng thế này.
Đó là hình ảnh cụ bà Đào Thị Huê, 87 tuổi ở xã Bình Tân Phú (Bình Sơn) mang đến Ban Phòng, chống dịch Covid-19 của xã ủng hộ đôi bông tai 1,5 chỉ vàng và 3 triệu đồng - số tiền cụ nhịn ăn nhịn mặc cả đời dành dụm được; là cụ Nguyễn Thị Tửu, quên mình đã qua tuổi bách niên (101 tuổi), lặn lội đến Bộ CHQS tỉnh Hà Tĩnh để ủng hộ hai tấn gạo “với mong muốn đất nước vượt qua cơn đại dịch”. Cảm động hơn, mẹ liệt sĩ Nguyễn Thị Ba (87 tuổi), ở huyện Thạch Hà (Hà Tĩnh) đã mang theo 5 ký gạo đến ủng hộ cho số người đang cách ly tại đây để “các cháu có thêm bát cơm đủ sức vượt qua mùa dịch”! Năm ký gạo và hai tấn gạo, trọng lượng thì khác nhau nhưng sức nặng nghĩa tình thì đủ trĩu lòng tất cả chúng ta. Còn nhiều và rất nhiều những tấm lòng như thế trong mùa đại dịch.
 
Mấy bữa nay, ở thành phố Quảng Ngãi xuất hiện hình ảnh những phần quà gồm gạo, dầu ăn, mì gói để sẵn trong một chiếc tủ kèm với câu: “Nếu bạn khó khăn cứ lấy một phần”. Hàng trăm người nghèo đã nhận được phần cứu trợ từ những tấm lòng thơm thảo này trong những ngày qua.
 
Cái câu quen thuộc ấy cũng sẽ dễ dàng bắt gặp trên những nẻo đường xuôi về phương Nam. “Nếu khó khăn cứ lấy một phần!”- không một câu tiếng Việt nào có sức lay động hơn câu này vì nó xuất hiện đúng lúc, đúng nơi. Phần quà là gạo, mì và các nhu yếu phẩm thiết yếu hàng ngày. Cứ để ngoài đường như vậy. Không ai “quản lý” số “tài sản” ấy cả. Cũng không ai “không khó khăn” mà vơ về mình gói quà “giữa đường” này. 
 
Tất cả đều tự giác, cả người cho lẫn người nhận, miễn là đúng người, đúng việc. Rồi hàng loạt “quán cơm không đồng” mọc lên giữa lòng TP.Hồ Chí Minh, chỉ mỗi một mục đích là giúp cho những người bán vé số có một bữa cơm thật no để cầm cự trong những ngày “cách ly”. Rồi hàng trăm chủ nhà trọ tại các khu công nghiệp ở Bình Dương, Đồng Nai, không ai bảo ai, đồng loạt giảm giá 50% cho số công nhân đang mất việc vì dịch Covid-19. Không nhiều nhặn gì đâu, chỉ là 300 - 500 nghìn cho mỗi công nhân thôi, nhưng có ngọn lửa nào đủ sức để làm ấm lòng những công nhân nghèo.
 
Cách đây chừng 15 hôm, lúc hàng vạn đồng bào từ nước ngoài trở về nước để lánh dịch, đây đó xuất hiện những chuyện kém vui từ một vài người trong số này. Nhưng điều kém vui ấy đã qua nhanh, nhường chỗ cho những tấm lòng cưu mang, đùm bọc và có trách nhiệm với đất nước trong lúc khó khăn.
 
Bao giờ cũng thế, mỗi khi Tổ quốc lâm nguy, người Việt chúng ta lại siết chặt tay nhau cùng vượt qua hoạn nạn. Một dân tộc biết yêu thương, san sẻ trong khó khăn, dân tộc đó sẽ đi đến đích mà trước mắt là vượt qua cơn đại dịch này.       
    
TRẦN ĐĂNG
 

.