Đẩy mạnh phát triển kinh tế số

09:03, 02/03/2023
.
(Báo Quảng Ngãi)- Kinh tế số là một trong 3 trụ cột của công cuộc chuyển đổi số (gồm chính quyền số, xã hội số, kinh tế số). Song, đây đang là lĩnh vực còn nhiều hạn chế, cần có những giải pháp thúc đẩy phát triển trong thời gian đến.
 
[links()]
 
Nhiều tiện ích khi ứng dụng công nghệ số
 
Là một trong những doanh nghiệp (DN) hoạt động trong lĩnh vực công nghệ thông tin (CNTT), Công ty TNHH Timzi, ở thị trấn Châu Ổ (Bình Sơn) đã ra mắt ứng dụng có tên Timzi vào năm 2021. Sau khi cài đặt ứng dụng Timzi trên điện thoại thông minh, khách hàng có thể chọn mua đồ ăn, thức uống tại các cửa hàng trên ứng dụng này. Sau khi nhận được thông tin, nhân viên giao hàng sẽ đến các cửa hàng để nhận và giao tận nơi cho khách. Công ty TNHH Timzi là một trong số ít DN CNTT trên địa bàn tỉnh tự sản xuất và kinh doanh mảng phần mềm, ứng dụng. Sau hơn 2 năm ra mắt, đến nay, ứng dụng Timzi đã thu hút hơn 11 nghìn tài khoản đăng ký.
 
Ứng dụng công nghệ số trong hoạt động kinh doanh, nhiều quán bán đồ ăn, thức uống trên địa bàn tỉnh đẩy mạnh thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt.
Ứng dụng công nghệ số trong hoạt động kinh doanh, nhiều quán bán đồ ăn, thức uống trên địa bàn tỉnh đẩy mạnh thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt.
Với niềm đam mê CNTT, Giám đốc Công ty TNHH Timzi Lê Thanh Trường từng mở cửa hàng bán máy tính, điện thoại di động và các thiết bị, phụ kiện đi kèm. Việc phát triển một ứng dụng tiện lợi “made in Quảng Ngãi” đã thôi thúc anh Trường thử sức và cho ra mắt ứng dụng Timzi. “Nếu mở cửa hàng truyền thống, tôi chỉ thu hút được lượng khách hàng trong phạm vi nhất định. Còn khi phát triển ứng dụng bán hàng, giao hàng trên môi trường mạng, tôi kết nối được mạng lưới khách hàng rộng khắp. Kinh doanh số mở ra nhiều cơ hội mà kinh doanh truyền thống không làm được. Tuy nhiên, trên môi trường mạng thay đổi không ngừng, vậy nên tôi luôn trong tâm thế lường trước những rủi ro và linh hoạt thay đổi để theo kịp xu hướng của khách hàng”, anh Trường chia sẻ.
 
Bắt nhịp cùng xu hướng tự động hóa trong sản xuất, Công ty TNHH Phú Điền đã trang bị rô bốt tự động bốc xếp gạch. Tại nhà máy sản xuất gạch của công ty ở xã Hành Minh (Nghĩa Hành), mỗi lần rô bốt gắp gạch chỉ mất vài giây, với khoảng 100 viên gạch. Bình quân mỗi giờ, một rô bốt có thể đạt sản lượng bốc xếp hơn 35 nghìn viên gạch. Việc sử dụng rô bốt xếp gạch tự động thay thế nhân công giúp quy trình bốc xếp gạch được thực hiện nhanh chóng. “Kinh phí đầu tư ứng dụng công nghệ số trong sản xuất và vận hành không hề nhỏ, nhưng đổi lại, việc ứng dụng công nghệ số giúp tiết kiệm nhân công, nâng cao chất lượng sản phẩm”, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Phú Điền Trần Khắc Nguyên chia sẻ.
 
Nhà máy gạch Phú Điền, ở xã Hành Minh (Nghĩa Hành) ứng dụng rô bốt bốc xếp gạch tự động, giúp giảm chi phí nhân công.
Nhà máy gạch Phú Điền, ở xã Hành Minh (Nghĩa Hành) ứng dụng rô bốt bốc xếp gạch tự động, giúp giảm chi phí nhân công.
Nhiều hợp tác xã (HTX), hộ kinh doanh trên địa bàn tỉnh cũng đang đẩy mạnh hoạt động kinh doanh trên môi trường mạng. Tiêu biểu như HTX Chăn nuôi thỏ Quảng Ngãi, HTX Sản xuất và Kinh doanh nấm Đức Nhuận, HTX Rau sạch Mầm Việt, cơ sở sản xuất bánh mè Huy Ny, Hợp tác xã NN&DV Sơn Liên... “Những năm qua, các sản phẩm chủ lực của HTX gồm bưởi, ổi, chuối rừng, măng rừng, gạo lúa rẫy... đều được HTX tiêu thụ thông qua giới thiệu, kết nối với các khách hàng trên mạng xã hội. Môi trường mạng đã mở ra cho người dân miền núi cơ hội bán hàng không giới hạn khoảng cách”, Giám đốc HTX NN&DV Sơn Liên Phạm Thị Trầm cho biết.
 
Vẫn còn hạn chế 
 
Mang lại nhiều tiện ích khi áp dụng công nghệ số vào hoạt động sản xuất, kinh doanh, nhưng theo Giám đốc Sở TT&TT Trần Thanh Trường, kinh tế số của tỉnh phát triển còn mờ nhạt, khi tỷ lệ người dân và DN áp dụng công nghệ số vào các lĩnh vực kinh tế còn ở mức thấp.
 
Trong phát triển kinh tế số, vai trò của các DN CNTT đóng vai trò quan trọng. Song, ngoài 3 DN lớn là VNPT Quảng Ngãi, Viettel Quảng Ngãi, Mobiphone Quảng Ngãi, thì Quảng Ngãi hầu như “vắng bóng” các DN CNTT cung ứng các phần mềm, ứng dụng phục vụ chuyển đổi số. Theo khảo sát của Sở TT&TT, hầu hết các DN CNTT của tỉnh đều đang tập trung cho lĩnh vực mua bán trang thiết bị CNTT.
 
Trong lĩnh vực giao thông vận tải, số lượng DN chuyển từ cách làm truyền thống sang ứng dụng công nghệ số vẫn còn khiêm tốn. Hiện nay, chỉ có một số hãng xe như Chín Nghĩa, Tuấn Tú… thực hiện ứng dụng công nghệ số bằng cách lập website bán vé qua Internet, ứng dụng phần mềm quản lý bán vé để hiện đại hóa hoạt động kinh doanh.
 
Trong nông nghiệp, việc ứng dụng khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo phục vụ cho hoạt động chuyển đổi số vẫn còn mới mẻ, chưa được triển khai sâu rộng. Ở lĩnh vực trồng trọt, việc ứng dụng công nghệ vào sản xuất chỉ dừng lại ở vận hành hệ thống tưới tự động đối với khoảng 3.000ha lúa, cây rau màu. Đây là con số quá ít, chưa đến 5% tổng diện tích gieo trồng toàn tỉnh. Ở lĩnh vực chăn nuôi, việc ứng dụng công nghệ số chỉ dừng lại ở một số DN, hộ gia đình chăn nuôi quy mô lớn. 
 
Chẳng hạn như Công ty TNHH MTV Hà Tân, Trại chăn nuôi heo Huỳnh Cường... sử dụng công nghệ giám sát trại chăn nuôi bằng hệ thống camera từ xa. Trang trại chăn nuôi heo thịt theo hướng công nghệ sạch Phú Hiệp sử dụng công nghệ dây chuyền thức ăn công nghiệp tự động. “Một trong những rào cản khiến công nghệ số chưa áp dụng rộng rãi trong lĩnh vực nông nghiệp là trình độ của lao động trong lĩnh vực nông nghiệp còn hạn chế, chưa đủ chuyên môn để ứng dụng, sử dụng, vận hành các thiết bị tự động, thiết bị số... phục vụ sản xuất”, Giám đốc sở NN&PTNT Hồ Trọng Phương phân tích.
 
Để kinh tế số “cất cánh”
 
Theo Giám đốc Sở TT&TT Trần Thanh Trường, kinh tế số là nền kinh tế vận hành chủ yếu dựa trên công nghệ số. Kinh tế số chỉ phát triển khi công nghệ số được áp dụng rộng khắp ở mọi lĩnh vực kinh tế, từ công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ, giao thông vận tải, xây dựng…

Tại Quyết định số 906/QĐ-UBND về việc ban hành kế hoạch triển khai thực hiện Chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2022 - 2025, tỉnh đề ra mục tiêu đến năm 2025, tỷ trọng kinh tế số đạt 20% GDP, tỷ trọng kinh tế số trong từng ngành, lĩnh vực đạt tối thiểu 10%, tỷ lệ thương mại điện tử trong tổng mức bán lẻ đạt trên 80%, tỷ lệ DN nhỏ và vừa sử dụng nền tảng số đạt trên 50%...

 
Theo ông Trần Thanh Trường, để đạt mục tiêu đề ra đòi hỏi các sở, ngành, địa phương phát huy tốt vai trò dẫn dắt, định hướng DN và người dân tích cực ứng dụng công nghệ số vào đời sống, sản xuất, nhất là hỗ trợ người dân đưa sản phẩm, dịch vụ của mình lên các sàn thương mại điện tử. Cùng với đó, cần phát triển hạ tầng kết nối số, đào tạo kỹ năng số cho người dân; hỗ trợ phát triển DN công nghệ số, hỗ trợ DN nhỏ và vừa chuyển đổi số; phát triển dữ liệu trong các lĩnh vực trọng điểm như nông nghiệp, giao thông vận tải, công nghiệp và thương mại, xây dựng...
 
Gắn việc phát triển kinh tế số với trách nhiệm của các ngành, địa phương, tại Quyết định số 104/QĐ-UBND về ban hành Bộ chỉ số đánh giá chuyển đổi số tỉnh Quảng Ngãi, UBND tỉnh đã đề ra nhiều chỉ tiêu phát triển kinh tế số và lấy đó làm căn cứ để tính điểm chuyển đổi số. Theo đó, tỷ lệ nông dân/HTX ứng dụng công nghệ số vào sản xuất và cung ứng sản phẩm, tỷ lệ nông sản phân phối qua các sàn thương mại điện tử, tỷ lệ sử dụng thanh toán không dùng tiền mặt tại các trạm thu phí, tỷ lệ ứng dụng tự động hóa trong sản xuất công nghiệp, tỷ lệ nhà máy ứng dụng công nghệ số trong sản xuất và vận hành... là tiêu chí để tỉnh chấm điểm chuyển đổi số các sở, ngành liên quan. Đối với cấp huyện, số DN công nghệ số, tỷ lệ DN nhỏ và vừa sử dụng nền tảng số, tỷ lệ DN nộp thuế điện tử, sử dụng hợp đồng điện tử... là căn cứ để tính điểm chuyển đổi số của địa phương.
 
Bài, ảnh: Ý THU
 

.