(Báo Quảng Ngãi)- Theo lộ trình, đến ngày 1/7/2022, tất cả các tổ chức, cá nhân kinh doanh đều phải thực hiện hóa đơn điện tử (HĐĐT) theo Nghị định 123/2020/NĐ-CP của Chính phủ. Thời gian còn lại không nhiều, công tác triển khai cần thực hiện gấp rút, tránh bị động, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp (DN)...
[links()]
Trước đây, việc áp dụng HĐĐT được thực hiện theo Thông tư 32/2011/TT-BTC của Bộ Tài chính theo hướng khởi tạo, phát hành và sử dụng để bán hàng, cung ứng dịch vụ. Theo quy định này, nhà nước chỉ khuyến khích, không bắt buộc các DN thực hiện. Tuy nhiên, theo Nghị định số 123/2020/NĐ-CP của Chính phủ về hóa đơn, chứng từ, bắt đầu từ ngày 1/7/2022, các DN, tổ chức kinh tế, cá nhân kinh doanh bắt buộc phải chuyển sang sử dụng HĐĐT trong giao dịch mua bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ.
Tại Quảng Ngãi, để triển khai, thực hiện tốt quy định về HĐĐT trên địa bàn tỉnh, đảm bảo theo đúng lộ trình của Chính phủ, UBND tỉnh đã ban hành Chỉ thị số 01/2021. Nhờ chủ động thực hiện, đến nay, toàn tỉnh đã có 2.853/5.633 tổ chức thực hiện, chiếm 50,6%.
Ngành thuế đang tập trung hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện hóa đơn điện tử. |
Theo lộ trình, đến ngày 1/4/2022, Quảng Ngãi sẽ được Tổng cục Thuế triển khai thực hiện HĐĐT theo Nghị định 123 của Chính phủ. Vì vậy, ngành thuế tỉnh đang tập trung kiểm tra lại hạ tầng kỹ thuật, cũng như chuẩn hóa lại dữ liệu hóa đơn hiện có, để phục vụ cho việc nhập dữ liệu HĐĐT mới. Bên cạnh đó, tổ chức các lớp tập huấn về HĐĐT, hướng dẫn chế độ kế toán cho các DN. Đồng thời, ban hành hàng nghìn thông báo, hướng dẫn quy trình thủ tục áp dụng HĐĐT đến các tổ chức, DN trên địa bàn tỉnh bằng nhiều hình thức trên website và các mạng xã hội (Zalo, Facebook) của Cục Thuế tỉnh.
Phó Cục trưởng Cục Thuế tỉnh Nguyễn Văn Tiếp cho biết, khi đăng ký sử dụng HĐĐT, DN cần lưu ý trong việc lựa chọn các nhà cung cấp dịch vụ HĐĐT. Cần lựa chọn ký hợp đồng với các đơn vị dịch vụ đáp ứng đầy đủ tiêu chí quy định đã được Tổng cục Thuế công nhận (đăng tải trên trang thông tin Tổng cục Thuế) để thực hiện các dịch vụ cung cấp giải pháp, truyền nhận dữ liệu HĐĐT...
Tuy không phức tạp, nhưng để việc triển khai thực hiện HĐĐT được thông suốt, không chỉ riêng ngành thuế mà các DN cũng cần phải chuẩn bị về mặt hạ tầng công nghệ. Vì vậy, những DN nào chưa thực hiện HĐĐT phải khẩn trương thực hiện ngay. Trong quá trình triển khai “chạy thử”, nếu phát sinh vướng mắc sẽ có thời gian để ngành thuế, đơn vị cung cấp dịch vụ hỗ trợ tháo gỡ, tránh trường hợp đến cận ngày mới chuyển đổi, dẫn đến bị động.
Không chỉ có DN, hộ kinh doanh nộp thuế theo phương pháp kê khai cũng phải thực hiện HĐĐT. “Với DN thì việc áp dụng HĐĐT có thể thực hiện dễ dàng. Tuy nhiên, với các hộ nộp thuế theo phương pháp kê khai, việc chuyển sang sử dụng HĐĐT sẽ khó khăn hơn. Cục Thuế tỉnh sẽ có kế hoạch riêng đối với đối tượng này, để đảm bảo đạt mục tiêu đề ra”, ông Tiếp cho biết.
Bài, ảnh:
HỒNG HOA