Chỉ số Xanh cấp tỉnh: Góp phần phát triển bền vững

10:21, 28/04/2023
.

(Báo Quảng Ngãi)- Vừa qua, tại Lễ công bố Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) 2022, lần đầu tiên, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ tại Việt Nam (USAID) công bố Chỉ số Xanh cấp tỉnh (PGI). Theo đó, PGI của Quảng Ngãi đứng thứ 33/63 tỉnh, thành phố trong cả nước, với 14,60 điểm (tính theo thang điểm 40). 

PGI là bộ chỉ số đánh giá và xếp hạng địa phương thân thiện với môi trường dưới góc nhìn từ thực tiễn kinh doanh, như mức độ ứng dụng công nghệ thân thiện môi trường của các doanh nghiệp tại địa phương, trình độ quản trị và ứng xử với môi trường của doanh nghiệp, mức độ quan tâm, sẵn sàng đầu tư về vấn đề môi trường của chính quyền địa phương và nhiều vấn đề môi trường quan trọng khác.

Xuất phát từ thực tiễn

Quảng Ngãi hiện có hơn 7.000 doanh nghiệp (DN) hoạt động trong và ngoài các KCN, KKT. Cả tỉnh có 3 KCN gồm Quảng Phú, Tịnh Phong, VSIP Quảng Ngãi và KKT Dung Quất. Từ thực tiễn cho thấy, Quảng Ngãi đã và đang thực hiện được những tiêu chí phù hợp với chủ trương hiện nay là “phát triển hài hòa, không đánh đổi môi trường lấy kinh tế”. Các KCN, KKT của tỉnh hiện đã được đầu tư hạ tầng xử lý nước thải, trong đó hệ thống xử lý nước thải công nghiệp tập trung của KCN VSIP Quảng Ngãi đảm bảo tiêu chuẩn thân thiện với môi trường. Tại đây, trước khi đi vào hoạt động, hệ thống thoát nước thải của DN được đấu nối vào hệ thống xử lý nước thải tập trung của KCN để tiếp nhận, xử lý đạt tiêu chuẩn loại A trước khi thải ra môi trường.

Một góc KCN VSIP Quảng Ngãi, với những mảng xanh thân thiện với môi trường.
Một góc KCN VSIP Quảng Ngãi, với những mảng xanh thân thiện với môi trường.

Hệ thống xử lý nước thải tập trung KCN VSIP Quảng Ngãi có quy mô lớn nhất tỉnh, được đưa vào vận hành sau khi hạ tầng KCN này được đầu tư và đi vào hoạt động, công suất hiện đạt 12 nghìn mét khối/ngày, đêm. Hệ thống xử lý nước thải này được lắp đặt công nghệ tiên tiến giúp tối ưu hóa hoạt động của các thiết bị, giải quyết cơ bản tình trạng ô nhiễm môi trường do nước thải gây ra. Việc đầu tư hệ thống xử lý nước thải đạt "tiêu chuẩn xanh" này là lợi thế trong thu hút đầu tư, tạo môi trường trong lành, hạn chế tối đa sự ảnh hưởng của hoạt động sản xuất công nghiệp đến đời sống người dân xung quanh. Theo đó, sau 10 năm đi vào hoạt động, KCN VSIP Quảng Ngãi đã thu hút được 33 nhà đầu tư đến từ các quốc gia và vùng lãnh thổ như Mỹ, Philippines, Singapore, Hồng Kông, Nhật Bản, Hàn Quốc, Bỉ, Trung Quốc, Đài Loan... với tổng vốn đầu tư 989 triệu USD. Trong đó, 22 nhà đầu tư đã đi vào hoạt động, tạo hơn 28 nghìn việc làm.

Hiện nay, Công ty TNHH VSIP Quảng Ngãi đang triển khai thủ tục đầu tư dự án KCN VSIP Quảng Ngãi II. Đây sẽ là KCN xanh, sạch, thông minh, được thiết kế quy hoạch theo chuẩn mới, đáp ứng được yêu cầu phát triển của Quảng Ngãi. Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Văn Minh cũng đã yêu cầu Công ty TNHH VSIP Quảng Ngãi phải xây dựng dự án hướng đến sự phát triển bền vững, thông minh, thân thiện với môi trường. Sau khi hình thành, dự án phải tập trung thu hút đầu tư các ngành nghề có công nghệ tiên tiến, giảm thiểu phát thải ô nhiễm ra bên ngoài.

Bên cạnh những điểm sáng, thì tại các KCN như Quảng Phú, Tịnh Phong và KKT Dung Quất, ngân sách tỉnh đầu tư hạ tầng xử lý nước thải hiện nay còn nhiều bất cập, như quy mô nhỏ chưa đáp ứng yêu cầu tiếp nhận, xử lý nước thải của các DN; công nghệ thiết bị lạc hậu không đảm bảo việc xử lý nước thải đạt tiêu chuẩn trước khi thải ra môi trường. Hiện nay, Ban Quản lý KKT Dung Quất và các KCN tỉnh đang lập kế hoạch đề xuất tỉnh đầu tư nâng cấp hệ thống xử lý nước thải đã quá tải; đồng thời đầu tư mới hệ thống xử lý phù hợp với từng phân khu chức năng của KKT Dung Quất. Trưởng ban Quản lý KKT Dung Quất và các KCN tỉnh Hà Hoàng Việt Phương cho rằng, DN cần phải đầu tư hệ thống xử lý nước thải nội bộ, để xử lý bước đầu trước khi đưa về hệ thống xử lý nước thải tập trung để tiếp tục xử lý, thải ra môi trường.

Hướng đến phát triển bền vững

Theo VCCI, mục tiêu của PGI là thúc đẩy các tỉnh, thành phố tại Việt Nam quan tâm hơn tới phát triển kinh tế gắn với bảo vệ môi trường, cung cấp thông tin kịp thời hỗ trợ chính quyền trong hoạch định chính sách. Từ đó thúc đẩy xây dựng hệ sinh thái kinh doanh thân thiện với môi trường, góp phần thu hút các nhà đầu tư có ý thức bảo vệ môi trường và các dự án “xanh”, chất lượng.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Phước Hiền (bên trái) kiểm tra công tác lắp đặt thiết bị tại Nhà máy Bột - Giấy VNT19.    
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Phước Hiền (bên trái) kiểm tra công tác lắp đặt thiết bị tại Nhà máy Bột - Giấy VNT19.    

Trong lần đầu tiên công bố, PGI của Quảng Ngãi đứng 33/63 tỉnh, thành phố trong cả nước. Kết quả này phần nào cho thấy, các DN trên địa bàn tỉnh ngày càng nhận thức rõ hơn về các vấn đề môi trường, gắn kinh doanh với môi trường, đảm bảo tăng trưởng dài hạn của nền kinh tế.

Mặt khác, hiện nay, Quảng Ngãi đang tích cực phòng ngừa và giảm thiểu ô nhiễm môi trường, cũng như những tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu. Đặc biệt là, tăng cường giám sát việc thực thi các quy định pháp luật về môi trường của dự án ngay từ khi hình thành, để đảm bảo tuân thủ nghiêm những cam kết của DN. Đồng thời, để tránh tình trạng gây khó khăn cho DN, Quảng Ngãi cũng đã chỉ đạo cơ quan chuyên môn hướng dẫn, phổ biến đầy đủ về thực hành xanh. Theo đó, công khai quy chuẩn môi trường đối với thiết bị trong một số dự án được đánh giá là có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường. Ngoài ra, đối với các dự án mà việc sản xuất có phát thải cao, tỉnh khuyến khích “xanh hóa” mô hình sản xuất, kinh doanh thông qua các chính sách và chương trình hỗ trợ cụ thể.

Minh chứng cho sự quan tâm của chính quyền tỉnh đối với phòng ngừa ô nhiễm môi trường trong thu hút dự án đầu tư ngoài ngân sách là, trong những năm qua, các dự án như Nhà máy Bột - Giấy VNT19, dự án sản xuất xi măng, luyện thép đã được giám sát chặt chẽ ngay từ đầu vào. Cụ thể như giám sát chặt công nghệ, thiết bị. Trong quá trình thực hiện đầu tư, tổ chức tham vấn nhà khoa học, tham vấn cộng đồng đầy đủ để hoàn thiện dự án theo hướng an toàn cho cuộc sống người dân vùng lân cận.

Đơn cử như đối với dự án Nhà máy Bột - Giấy VNT19, sau khi tổ chức tham vấn ý kiến các nhà khoa học về thiết bị, giải pháp bảo vệ môi trường, tỉnh yêu cầu Công ty CP Bột - Giấy VNT19 tổ chức tham vấn ý kiến người dân trong vùng dự án, nhất là vùng  đặt đường ống xả thải và vùng xả thải ra môi trường. Sở TT&TT cũng đã tổ chức họp báo chuyên để công khai thông tin liên quan đến dự án, thiết bị, công nghệ và những cam kết bảo vệ môi trường của chủ đầu tư để cùng giám sát quá trình thực hiện. Hay như việc đầu tư dự án Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Nghĩa Kỳ (Tư Nghĩa) đã tuân thủ các quy định về việc di dời người dân trong bán kính 1.000m trước khi triển khai dự án. Theo đó, tỉnh đã đầu tư khoảng 500 tỷ đồng xây dựng 3 khu tái định cư, di dời khoảng 300 hộ dân trong phạm vi 1.000m đến nơi ở mới trước khi xây dựng khu xử lý chất thải rắn.

Giám sát chặt chẽ vấn đề môi trường

Tại buổi gặp mặt doanh nghiệp, nhà đầu tư đầu xuân Quý Mão 2023, Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Văn Minh nhấn mạnh, Quảng Ngãi đang trong giai đoạn tăng tốc phát triển, với những thành tựu đạt được trong vòng 2 năm qua là rất đáng được ghi nhận. Song song với tăng trưởng, Quảng Ngãi cam kết sẽ giám sát chặt chẽ vấn đề môi trường. Tất cả các dự án đang và sẽ thu hút đầu tư vào Quảng Ngãi, tỉnh luôn quan tâm đến công nghệ, thiết bị, giải pháp bảo vệ môi trường, nhất là dự án có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao. Nỗ lực này không chỉ nhằm mục đích cải thiện PGI, mà còn là phương châm thực hiện chiến lược phát triển hài hòa, bền vững mà tỉnh đã đề ra và quyết tâm thực hiện.

 

 

Bài, ảnh: THANH NHỊ


    
 


Ý kiến bạn đọc


.