(Baoquangngai.vn)- Đến chiều 23/2, sức khỏe 6 ngư dân sau vụ va chạm giữa tàu cá với tàu hàng đã tạm thời ổn định. Tuy nhiên, giây phút cố sức bơi giữa biển khơi để tìm sự sống trong tình trạng thương tích sẽ còn đọng mãi trong tâm trí của các nạn nhân.
Vụ va chạm giữa tàu cá của ngư dân Tịnh Kỳ (TP.Quảng Ngãi) và tàu chở hàng Trung Thắng 568 của Công ty CP Dịch vụ thương mại và xây dựng Minh Long (Nam Định) đã khiến 1 người tử vong, 2 người mất tích, 6 ngư dân bị thương nặng. Thuyền trưởng Nguyễn Đảm (46 tuổi) được đưa vào viện trong tình trạng gãy xương vai, đa chấn thương.
Ngư dân Nguyễn Đảm kể lại giây phút kinh hoàng của vụ tai nạn. |
Ngư dân Đảm và 8 lao động xuất bến từ chiều 22/2 để hành nghề pha xúc đánh bắt cá cơm. Đến rạng sáng hôm sau, tàu thu lưới với mẻ cá nặng gần 2 tấn và thong dong về bờ. Lúc đó trời đã sáng rõ, thời tiết đẹp.
“Tàu cá cách bờ khoảng 5 hải lý thì tàu bị rung lắc dữ dội. Một chiếc tàu hàng lớn đâm từ phía sau. Tôi bị hất văng ra khỏi tàu rồi chìm xuống nước. Tôi nghĩ, chuyến này mình khó thoát. Nhưng may sao, tôi cố gắng ngoi lên được khỏi mặt nước và bám vào mảnh gỗ. Một lúc sau, những anh em khác cũng ngoi lên, nhưng chờ mãi không thấy đủ người”, thuyền trưởng Nguyễn Đảm kể lại.
Chiếc tàu cá trị giá hơn 1,1 tỷ đồng vỡ nát, rồi chìm hoàn toàn dưới biển. Các ngư dân sau giây phút sinh tử liền kêu cứu và được các tàu ở khu vực gần đó cứu vớt kịp thời. Ngư dân trẻ Nguyễn Đắc Đạt, ở tỉnh Thanh Hóa, là một trong những ngư dân gặp nạn được ứng cứu thành công. Đạt đưa được đến điều trị tại khoa Ngoại (Bệnh viện Đa khoa tỉnh) trong tình trạng chấn thương toàn thân, tinh thần hoảng loạn.
“Ngay trước lúc tàu bị đâm chìm, các anh em trên tàu đều đang ngủ vùi sau một đêm lao động mệt nhọc. Không biết mọi chuyện xảy ra như thế nào, nhưng lúc tôi mở mắt ra đã thấy mình chìm dưới nước, mọi thứ xung quanh hỗn loạn. Cá, các mảnh vỡ của tàu, lưới cứ nhấn tôi xuống sâu hơn. Khoảnh khắc đó rất kinh khủng, tôi chỉ biết cố hết sức ngoi lên phía trên để thở”, ngư dân Đạt kể.
Lãnh đạo TP.Quảng Ngãi thăm hỏi, động viên các ngư dân đang điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh. |
Một trường hợp khác bị thương, ngư dân Lê Nguyên Tuấn (44 tuổi), quê ở Thanh Hóa kể, ông vào Quảng Ngãi cách đây vài ngày để đi làm trên tàu cá của thuyền trưởng Nguyễn Đảm. Khi tàu đang ở trên biển, thì bị tàu hàng đâm chìm, ông Tuấn rơi xuống biển, bị mảnh vỡ của tàu che lấp. Ông phải cố sức vùng vẫy ngoi lên, để tìm sự sống trong tình trạng thương tích.
Những ngư dân khác cũng bắt đầu ngoi lên giữa đống xác tàu. Tuy nhiên, chỉ có 6 người còn sức ngoi lên, bám vào ván tàu trôi nổi chờ được cứu và đưa đi cấp cứu. Một người bị va đập mạnh nên tử vong tại chỗ, 2 người mất tích.
Tàu CSB 2013 đã được điều đến hiện trường vụ tai nạn để tham gia tìm kiếm 2 ngư dân mất tích. |
Cán bộ, chiến sĩ trên tàu CSB 2013 triển khai các phương án tìm kiếm 2 ngư dân mất tích. |
Khoảng 15 phút sau vụ tai nạn, một tàu cá gần đó ứng cứu nhóm ngư dân, vớt thi thể ngư dân tử vong đưa vào đất liền. Bác sĩ Lê Văn Thiều – Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh cho biết, bệnh viện đang tích cực điều trị, chăm sóc cho 6 ngư dân bị nạn. Các ngư dân đều bị đa chấn thương, trong đó có một ngư dân bị viêm phổi do ngạt nước biển. Đến nay, sức khỏe cả 6 ngư dân đều đã qua cơn nguy kịch và tiếp tục được theo dõi điều trị.
Trưa 23/2, Chủ tịch UBND TP.Quảng Ngãi Trà Thanh Danh đã đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh thăm hỏi, động viên 6 ngư dân bị nạn. “Trong số 9 nạn nhân, có 4 người quê Thanh Hóa, 5 người ở xã Tịnh Kỳ (TP.Quảng Ngãi). Ngoài việc phối hợp tìm kiếm 2 ngư dân mất tích, lãnh đạo thành phố đã đến thăm, động viên các ngư dân đang điều trị tại bệnh viện và thăm hỏi gia đình ngư dân tử vong”, ông Trà Thanh Danh cho biết.
Theo Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh, công tác tìm kiếm 2 ngư dân mất tích vẫn đang được tích cực triển khai. Ngoài tàu biên phòng, các tàu vận tải và tàu cá ngư dân, đến chiều 23/2, tàu CSB 2013 của Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 2 và tàu SAR 412 của Trung tâm Phối hợp Tìm kiếm - Cứu nạn hàng hải khu vực 3 đã được điều động đến hiện trường vụ tai nạn để tham gia tìm kiếm.
Chiều cùng ngày, UBND tỉnh Quảng Ngãi đã gửi công văn yêu cầu Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh, Sở NN&PTNT, Sở GTVT và UBND các huyện Lý Sơn, Bình Sơn, Mộ Đức, TX.Đức Phổ, TP.Quảng Ngãi theo chức năng nhiệm vụ được giao chủ động tham gia tìm kiếm, cứu nạn 2 ngư dân mất tích.
Bài, ảnh: T.PHƯƠNG
TIN, BÀI LIÊN QUAN: