Sau Tết, người lao động lại lên đường mưu sinh. Ảnh: INTERNET |
Về quê ăn tết mà. Khi lòng mình hát ca thì nghĩ gì cũng trong veo, thấy gì cũng tươi, nhìn gì cũng đẹp. Biết là “trong gặp gỡ đã có mầm ly biệt” nhưng đâu có ngờ biệt ly nhanh vậy.
Thì vừa mùng một đây mà! Cái rồi xoay đi, xoay lại đã hết mùng hai... Ngày thường, thời gian đã như ngựa chạy tên bay huống chi là Tết, bởi Tết nằm trong “diện” ngày vui ngắn chẳng tày gang. Thế cho nên vèo một cái, Tết đi nhanh như khi đến. Vậy là... hành trang giã từ. Trước Tết là cuộc thiên di trở về. Sau Tết là cuộc thiên di theo chiều ngược lại.
Nhìn những bà mẹ lục đục chuẩn bị cho chuyến hành phương nam của con thấy mà thương. Cặp bánh chưng, hũ củ kiệu, túm bánh thuẫn, hộp thịt kho. Chừng như biết con ăn Tết chưa đã, mẹ âm thầm sắp xếp cho con “mang tết theo”. Mà đâu chỉ mẹ, còn anh chị chú bác nữa. Cân đường, chục quả trứng, ký cá khô, thẩu dưa món, hộp cải muối... cũng gói ghém cho người thân mang đi. Lúc về, quà vài ba túm khiêm tốn, nhưng khi đi túi nào túi nấy căng kè. Tết phát tài, Tết đại lợi là đây.
Năm nay công nhân vô TP.Hồ Chí Minh sớm, mới mùng ba đã từ giã Tết, nói cho đúng là Tết... chủ động giã từ. Tiếc nuối, bịn rịn, quyến luyến kiểu gì rồi cũng leo lên xe Nam tiến. Vô trễ, nhà máy, công ty, cơ sở đuổi việc thì “Tết” đâu có nữa mà về. Nhiều cặp vợ chồng trẻ, chồng/ vợ miền Trung nhưng bạn đời là Dầu Tiếng, Long An, Sa Đéc, Đồng Tháp, Cà Mau... mới sáng mùng hai đã kéo hành lý đón xe về quê “đối tác”, kéo căng mình ra cho đề huề phía vợ, phía chồng, khỏi mang tiếng nhất bên trọng nhất bên khinh, coi như “một tết hai quê”. Mùng bốn tới mùng bảy người trẻ rời quê đông nhất. Phần lớn trong số này là sinh viên.
Nhóm “kiếm chữ” lên đường tíu tít rất vui chứ không mặt mũi buồn xo như nhóm lao động làm ăn bươn chải. Người thân đi tiễn lo lắng, dặn dò đủ thứ, có bà mẹ phải tất tả chạy về tìm vài thứ đứa con lơ đãng bỏ quên. Còn các cô cậu thì miệng dạ tay lướt điện thoại, trêu nhau cười thoải mái. Xe tới thì gọn lỏn “ba má về đi” rồi tót lên ghế nằm. Ít cô cậu nào để ý người thân vẫn đứng dưới đường chờ xe chuyển bánh để gửi cho “núm ruột” của mình cái vẫy tay từ giã. Lứa sinh viên đang ở đoạn cuối tuổi teen hoặc nhô lên chút đỉnh có lẽ chưa ngấm đắng cay nên khá hồn nhiên trong phút giây đưa tiễn. Hay là họ “ém” xúc động vào trong? Không rõ trong “mùa chia ly” này những cô cậu lên đường “kiếm chữ” kia có ai còn nhớ câu thơ đầy xúc động của Tế Hanh: Lòng của người đi réo kẻ về...
TRẦN CAO DUYÊN
TIN, BÀI LIÊN QUAN: