Nơi chân sóng

10:46, 10/02/2024
.

(Báo Quảng Ngãi)- Gắn bó với biển cả, nên từ bao đời nay, ngư dân vùng biển, đảo ở Quảng Ngãi đón Tết cổ truyền với những nét văn hóa đặc trưng.

Gìn giữ nghi lễ truyền thống

Từ lâu việc thờ cúng thần linh đã trở thành một mỹ tục của cư dân các làng chài ven biển, hải đảo. Tết đến là dịp để ngư dân tri ân các bậc thần linh đã phù hộ sau một năm vươn khơi bám biển, cũng như cầu mong năm mới có những chuyến biển bội thu, thông qua nhiều nghi lễ truyền thống. Vào tháng Chạp, cư dân các vạn chài ven biển và đảo Lý Sơn lại tất bật chuẩn bị lễ vật để đến lăng thờ cá Ông, hoặc dinh, miếu của vạn chài dâng lễ cúng thần linh.

Tiết mục hát sắc bùa tại lễ ra quân nghề cá đầu năm ở Sa Huỳnh, phường Phổ Thạnh (TX.Đức Phổ). 
ẢNH: NGỌC VIÊN
Tiết mục hát sắc bùa tại lễ ra quân nghề cá đầu năm ở Sa Huỳnh, phường Phổ Thạnh (TX.Đức Phổ). ẢNH: NGỌC VIÊN

Đầu năm mới, ngư dân tổ chức lễ ra khơi đánh bắt hải sản. Tại vùng cửa biển Sa Huỳnh (TX.Đức Phổ) có lăng Thạch By thờ cá Ông, dinh Bà Thủy Long, dinh Bà Thiên Y A Na, là những nơi mà ngư dân đến dâng lễ cầu an, mong cho mưa thuận gió hòa. Sau đó, ngư dân tổ chức lễ mở cửa biển, ra quân đánh bắt hải sản đầu năm. Từng đoàn thuyền nối nhau tiến ra cửa biển trong niềm tin, khí thế của năm mới. Tại lăng vạn Hải Ninh, xã Bình Thạnh; lăng vạn Thanh Thủy, xã Bình Hải (Bình Sơn) cũng là nơi ngư dân tổ chức lễ ra quân đánh bắt hải sản; đồng thời tổ chức hát bả trạo, một hoạt động văn hóa tinh thần được ngư dân lưu giữ qua bao đời. Hát bả trạo để ca ngợi công đức của thần Nam Hải, các vị thần linh đã bảo vệ ngư dân trong các chuyến biển và động viên tinh thần ngư dân vươn khơi đánh bắt hải sản... Ngư dân ở xã Bình Châu (Bình Sơn), xã Tịnh Kỳ (TP.Quảng Ngãi), hay ngư dân ở các vạn Kỳ Tân, An Chuẩn, xã Đức Lợi (Mộ Đức)... cũng đến lăng thờ cá Ông, miếu Bà trong dịp đầu năm mới để dâng hương, hoa, cầu cho ngư dân được bình an, may mắn, năm mới nghề biển thắng lợi.

Đặc biệt, ở đảo Lý Sơn có đến 7 lăng thờ cá Ông và nhiều miếu thờ thần linh, là nơi ngư dân tổ chức các lễ hội cầu ngư, cầu mùa, mở cửa biển trong dịp đầu năm trước khi vươn khơi bám biển. Từ ngày mùng 4 đến ngày mùng 8 tháng Giêng, đảo Lý Sơn tổ chức lễ hội đua thuyền tứ linh. Đối với ngư dân Lý Sơn, lễ hội đua thuyền không đơn thuần là hoạt động văn hóa - thể thao, kết nối cộng đồng, mà là để thể hiện sự tri ân đối với thần linh đã phù hộ cho ngư dân trong một năm qua và cầu mong phù hộ năm mới bình an, được mùa.

Sau các nghi lễ tại dinh, miếu trong vạn chài, là những nghi lễ cúng ông bà, tổ tiên tại nhà chủ tàu. Thuyền trưởng sẽ đại diện cho các bạn tàu cầu mong tổ tiên phù hộ cho toàn thể bạn tàu được mạnh khỏe, đánh bắt trúng đậm cá, tôm. Trong phiên biển đầu năm mới, ngư dân còn sắm các lễ vật như heo, gà, bánh ngọt, trầu, rượu, vàng mã để cúng thần Thủy Long, Hà Bá, cô hồn biển, cầu mong thuận buồm xuôi gió, mùa biển bội thu.

Lễ hội cầu ngư, mở cửa biển, ra quân đánh bắt hải sản đầu năm ở các vạn chài vùng ven biển, đảo Quảng Ngãi không chỉ là phong tục đón Tết đầu năm của cư dân vùng biển, mà còn là một hoạt động văn hóa cộng đồng. Đây là dịp để ngư dân động viên nhau bám biển, góp phần bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Đón Tết trên biển

Trong khi ngư dân trên đất liền tổ chức các hoạt động tri ân thần linh, tổ chức lễ hội và chuẩn bị cho mùa biển mới, có nhiều ngư dân đánh bắt xa bờ đón Tết trên biển, ở quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa. Vì cuộc sống mưu sinh, các ngư dân đành lỡ hẹn đón Tết cùng gia đình. Thời tiết dịp cuối năm thuận lợi, ngư dân ở các vạn chài tất bật chuẩn bị lương thực, nhiên liệu cho phiên đánh bắt mới, dù biết rằng chuyến biển dài ngày này sẽ xuyên Tết. Mọi người hy vọng phiên biển bội thu, vì sau đợt mưa bão là lúc biển có nhiều cá nhất trong năm. Nếu phiên biển này về bờ vào cuối tháng Giêng, cá đầy khoang, các gia đình bạn tàu có nguồn thu nhập khá để trang trải cuộc sống, đây được xem là lộc biển, báo hiệu một năm mới đánh bắt gặp nhiều may mắn.

Tàu cá vươn khơi.     ẢNH: ĐVQ
Tàu cá vươn khơi. ẢNH: ĐVQ

Với ngư dân, đón Tết giữa trùng khơi không phải là điều xa lạ. Đêm giao thừa, ngư dân trên biển thông qua các phương tiện kết nối đã gọi điện về cho người thân trong gia đình trên đất liền để chúc Tết. Nghe tiếng nói của cha mẹ, vợ con, anh em trên tàu đều cảm thấy ấm lòng. Giữa biển cả mênh mông, họ cùng nhau ăn bữa cơm giao thừa trên tàu và đón năm mới, chúc nhau bình an, hạnh phúc, năm mới đánh bắt được nhiều hải sản để đời sống anh em bạn tàu khá hơn. Anh Nguyễn Lanh (43 tuổi), ở thôn Tây An Vĩnh (Lý Sơn), cùng với các bạn tàu thường đánh bắt hải sản ở đảo Trường Sa, nhiều năm đón Tết trên biển. “Tết mà, ai cũng muốn đoàn tụ cùng gia đình, nhưng biết làm sao được, vì cuộc sống mưu sinh nên đành chấp nhận. Vào thời khắc giao thừa, chủ tàu thắp hương trên bàn thờ quan âm Nam Hải nguyện cầu phù hộ cho anh em trên tàu bình an, đánh bắt được nhiều hải sản. Giữa biển khơi, thời khắc giao thừa cũng rất đỗi thiêng liêng. Phiên biển ngày Tết khí thế làm việc khẩn trương, tích cực hơn với hy vọng tàu về đầy ắp cá tôm”, anh Lanh chia sẻ.

VÕ MINH TUẤN

TIN, BÀI LIÊN QUAN:

 

Xuất bản lúc: 10:46, 10/02/2024

Ý kiến bạn đọc


.