Theo Phó Trưởng phòng LĐ-TB&XH huyện Tư Nghĩa Nguyễn Đình Thanh, năm 2022, huyện Tư Nghĩa triển khai thực hiện dự án “Đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo” với nguồn vốn đầu tư trên 1,6 tỷ đồng thực hiện 11 mô hình giao nhiệm vụ là chăn nuôi bò, heo sinh sản và lấy thịt. Đối tượng hưởng lợi từ dự án là 35 hộ nghèo, hộ cận nghèo, phụ nữ, đồng bào dân tộc thiểu số. Năm 2023, huyện Tư Nghĩa tiếp tục phân bổ gần 1,8 tỷ đồng thực hiện dự án “Đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo”. Trong đó, ngân sách trung ương bố trí gần 1,56 tỷ đồng, còn lại là ngân sách tỉnh và huyện. Địa phương thực hiện mô hình giảm nghèo theo chuỗi giá trị là nuôi bò sinh sản. Mô hình đã giúp 30 hộ nghèo, 30 hộ cận nghèo và 8 hộ mới thoát nghèo phát triển kinh tế.
Bà Lê Thị Thu, ở thôn An Nhơn, xã Nghĩa Thắng (Tư Nghĩa) chăm sóc bò giống được hỗ trợ. |
Bà Nguyễn Thị Cúc, ở thôn 1, xã Nghĩa Lâm (Tư Nghĩa) thường xuyên đau ốm và là hộ nghèo. Đầu năm 2023, địa phương đã xét chọn và cấp cho bà 1 con bò giống sinh sản từ dự án “Đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo” để cải thiện sinh kế. Bà Cúc chăm sóc bò giống cẩn thận theo hướng dẫn của ngành thú y. Đến nay, con bò giống của bà đã thụ tinh được 5 tháng. “Giờ đây, con bò là của để dành. Tôi sẽ cố gắng chăm sóc nó để làm vốn liếng sau này”, bà Cúc nói.
Cũng từ dự án “Đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo”, tháng 2/2023, bà Lê Thị Thu, ở thôn An Nhơn, xã Nghĩa Thắng (Tư Nghĩa) được hỗ trợ 1 con bò giống sinh sản. Việc hỗ trợ này nhằm giúp bà Thu chuyển từ hộ nghèo sang hộ cận nghèo và vươn lên thoát nghèo.
Chương trình Mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025 có nhiều thay đổi so với chương trình này của các giai đoạn trước và đặt ra các tiêu chí rất cụ thể. Chính vì vậy, ngoài tập trung tuyên truyền về chế độ chính sách của Đảng và Nhà nước, thì việc hỗ trợ các phương thức sản xuất hoặc tài chính giúp người dân vươn lên thoát nghèo luôn được các địa phương quan tâm. “Xã rà soát hết các hộ nghèo, hộ cận nghèo và nắm bắt nhu cầu để có sự hỗ trợ phù hợp. Những ai còn sức lao động thì địa phương hỗ trợ cây, con giống. Còn hộ già yếu, bệnh tật thì nhận bảo trợ”, Chủ tịch UBND xã Nghĩa Lâm Võ Tấn Bông cho biết.
Thực hiện dự án “Đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo”, huyện Tư Nghĩa đã chọn mô hình nuôi bò sinh sản. Từ nguồn vốn Chương trình Mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững, địa phương đã hỗ trợ cho trên 100 hộ thuộc hộ nghèo, cận nghèo, mới thoát nghèo để chăn nuôi bò sinh sản. Dự án rất phù hợp vì có thể tận dụng thời gian nhàn rỗi, sử dụng nguồn lao động ở các độ tuổi và không đòi hỏi nhiều về kỹ thuật. |
Bài, ảnh: TRỊNH PHƯƠNG
TIN, BÀI LIÊN QUAN: