Phòng ngừa sự cố môi trường ở các thủy điện
Chúng tôi đã đi thực tế tại một số thủy điện đã đi vào vận hành, thủy điện đang thi công dở dang tìm hiểu về việc chấp hành các yêu cầu của tỉnh về BVMT trong mùa mưa bão. Đại diện Ban điều hành Thủy điện ĐăkBa (Sơn Tây) cho biết, vì mới đi vào vận hành nên đây là mùa mưa bão đầu tiên nhà máy phải ứng phó với tình huống thiên tai. Tất cả các kỹ sư trực 24/24 giờ tại nhà máy và công trình đập. Mấy ngày qua, lượng nước từ sông Nước Bua về hồ tương đối lớn, cuốn theo nhiều gỗ, rác, bùn đất. Ban điều hành nhà máy đã phải cử lực lượng công nhân thu dọn các cây gỗ lớn và rác. Sau khi thời tiết ổn định, sẽ khảo sát lượng bùn đất về hồ để có biện pháp xử lý tiếp theo.
Đơn vị thi công khơi thông dòng chảy tại công trình đập thuộc dự án Thủy điện Sông Liên 1 (Ba Tơ). Ảnh: Thanh nhị |
Còn đại diện đơn vị tổng thầu thi công Thủy điện Sông Liên 1 (Ba Tơ) cho biết, hiện công trình đang trong giai đoạn hoàn thiện nên cơ bản đã đạt điểm dừng kỹ thuật. Một số vị trí đường ống dẫn nước thi công dở dang, đơn vị đã xử lý kịp thời lượng đất đào lên, để hạn chế tình trạng chảy tràn ra đường khi có mưa lớn. Riêng phần cửa ngăn nước ở giữa dòng sông Liên, do chưa tích nước nên đơn vị đã dùng máy xúc toàn bộ đất dưới lòng sông chở đi nơi khác để khơi thông dòng chảy theo chỉ đạo của tỉnh và huyện.
Đến thời điểm hiện tại, Quảng Ngãi mới chỉ đón mưa đầu mùa với lượng mưa không quá lớn nên tình trạng nước về các hồ chứa, đặc biệt là hồ chứa thủy điện chưa nhiều. Tuy nhiên, vì là mưa đầu mùa nên rác, bùn theo dòng nước đổ về hồ chứa, nguy cơ gây ảnh hưởng đến vận hành phát điện bình thường của nhà máy. Vì thế, việc tiếp tục chỉ đạo các thủy điện tập trung ứng phó hiệu quả sự cố môi trường cần quyết liệt hơn, nhằm đảm bảo an toàn vận hành, tránh sự cố môi trường đáng tiếc xảy ra.
Kiểm soát môi trường tại KCN, khu dân cư
Đối với các nhà máy, xí nghiệp trong KKT Dung Quất, các KCN Tịnh Phong, Quảng Phú, VSIP Quảng Ngãi và các CCN trong tỉnh, trước mùa mưa bão, Sở TN&MT đã yêu cầu chủ doanh nghiệp phải triển khai các biện pháp cần thiết BVMT. Đặc biệt lưu ý đối với các khu xử lý chất thải rắn, các hệ thống xử lý nước thải có quy mô lớn, các khu vực lưu giữ chất thải nguy hại, kho chứa xăng dầu, hóa chất. Đồng thời, nghiêm cấm mọi hành vi lợi dụng tình hình mưa bão, lũ lụt để xả chất thải chưa qua xử lý ra môi trường, nếu phát hiện vi phạm sẽ bị xử lý nghiêm theo quy định pháp luật.
Trong trường hợp có sự cố môi trường xảy ra, các địa phương, đơn vị phải sẵn sàng tham gia ứng phó, đảm bảo hiệu quả và theo đúng quy định; không để bị động, bất ngờ nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại, ô nhiễm, suy thoái môi trường. Ngành y tế phải chủ động ứng phó, ngăn chặn, xử lý kịp thời sự cố môi trường do chất thải y tế gây nên; tổ chức phun thuốc khử trùng, diệt bọ gậy, ruồi, muỗi… để phòng, chống các loại dịch bệnh phát sinh sau mưa lũ. Xây dựng phương án dự phòng hóa chất xử lý nước sinh hoạt và hướng dẫn các địa phương xử lý nước giếng bị ô nhiễm do lũ lụt để sử dụng cho sinh hoạt, đảm bảo nhu cầu thiết yếu của người dân vùng lũ...
Ngành NN&PTNT hướng dẫn các địa phương, cơ sở chăn nuôi xử lý, tiêu hủy gia súc, gia cầm, động vật chết do bão, lũ lụt đảm bảo đúng quy định về phòng, chống dịch bệnh. Đặc biệt, các đơn vị cung ứng nước sinh hoạt gồm Công ty CP Cấp thoát nước và Xây dựng, Trung tâm nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn cần tăng cường kiểm tra, giám sát vệ sinh chất lượng nước từ nhà máy nước, trạm cấp nước tập trung trước khi cung cấp cho người dân.
THANH NHỊ
TIN, BÀI LIÊN QUAN: