Tiếp nối truyền thống gia đình

14:49, 04/09/2023
.

(Báo Quảng Ngãi)- Tiếp nối truyền thống cách mạng của quê hương, nhiều thế hệ trong một gia đình ở đảo Lý Sơn tình nguyện vào bộ đội, không kể là trai hay gái. Đó là câu chuyện đẹp của gia đình thương binh Nguyễn Đặng, ở thôn Đông An Vĩnh (Lý Sơn).

Ba thế hệ là Bộ đội Cụ Hồ 

Ông Nguyễn Đặng - thương binh loại 1, ở thôn Đông An Vĩnh cho biết, ông sinh ra và lớn lên ở đảo. Từ nhỏ đã thấy cha và các anh mỗi lần ngồi với nhau là nói chuyện chiến trường, chuyện nuôi quân, giúp đỡ cách mạng. Năm 15 tuổi, ông nghỉ học theo tàu đi đánh cá. Ông mong ước mai này lớn lên sẽ đi bộ đội như cha anh mình.

Con trai thương binh Nguyễn Đặng là Trung sĩ, khẩu đội trưởng súng máy phòng không 12,7 ly Nguyễn Văn Lên (cầm cờ) cùng đồng đội tham gia huấn luyện.    Ảnh: Thanh Nhị 
Con trai thương binh Nguyễn Đặng là Trung sĩ, khẩu đội trưởng súng máy phòng không 12,7 ly Nguyễn Văn Lên (cầm cờ) cùng đồng đội tham gia huấn luyện.    Ảnh: Thanh Nhị 

Ước nguyện trở thành Bộ đội Cụ Hồ của ông Đặng đã thành hiện thực. Mùa xuân năm 1983, ông Đặng lên đường tòng quân, theo đơn vị sang Campuchia tình nguyện làm nghĩa vụ quốc tế giúp nước bạn chống lại nạn diệt chủng. Không may trong một lần hành quân vào tháng 7/1984, ông bị thương nặng. Sau đó, được đưa về nước để phẫu thuật, rồi an dưỡng suốt 7 năm từ Đắk Lắk đến Gia Lai, Đồng Nai rồi về Bình Định. Năm 1991, khi vết thương ổn định, ông Đặng xin trở về đảo Lý Sơn sinh sống. Ông lấy vợ, sinh được 5 người con. Vợ chồng ông lo cho các con ăn học chu đáo. Ông Đặng động viên các con học lấy bằng cao đẳng, đại học rồi tình nguyện vào bộ đội.

Hiểu được lòng cha, năm 2017, con gái của ông Đặng là Nguyễn Thị Bình đã viết đơn tình nguyện nhập ngũ sau khi tốt nghiệp đại học chuyên ngành tài chính - kế toán. Bình được biên chế vào Quân khu 7. Sau 3 tháng quân trường, Bình được đơn vị tạo điều kiện chuyển về Quân khu 5, rồi điều về Ban Chỉ huy Quân sự huyện Lý Sơn công tác từ đó đến nay. Tiếp bước chị gái Nguyễn Thị Bình, năm 2022, em trai Nguyễn Văn Lên cũng viết đơn tình nguyện nhập ngũ khi vừa tốt nghiệp Trường Đại học Sư phạm Đà Nẵng. Hiện tại, Lên công tác ở Cơ quan Quân sự huyện Lý Sơn.

Câu chuyện ông Đặng kể với chúng tôi về cuộc đời binh nghiệp của mình sôi nổi hẳn lên khi con gái ông là Thiếu úy Nguyễn Thị Bình vừa từ đơn vị tranh thủ về nhà. Ông Đặng phấn khởi nói: “Chào đồng chí thiếu úy mới về!”. "Cha tôi khi còn sống dạy rằng, đã là người lính thì đều là đồng chí, đồng đội. Gia đình tôi, nếu gọi theo cách thân thương mà cha tôi nói, thì ba thế hệ đều gọi nhau bằng đồng chí”, ông Đặng chia sẻ.

Trái tim bên ngực phải

Nghe có vẻ lạ, nhưng đó là sự thật, và cũng chính nhờ vậy mà ông Đặng thoát chết như một sự kỳ diệu khi trái tim nằm sai... vị trí. Ông Đặng nhớ lại, vào một buổi sáng mùa hè năm 1984, ông cùng đồng đội hành quân qua ngôi làng hẻo lánh của đất nước Campuchia thì bất ngờ bị tập kích. Ông bị trúng đạn và bất tỉnh, được đồng đội sơ cứu và cáng võng băng rừng, lội suối trở lại lán trại. Ông bị đạn ghim vào ngực trái nhưng không trúng tim. “Trái tim lành lặn của tôi vẫn nằm nguyên trong lồng ngực phải, rung từng nhịp đập giữ lại sự sống diệu kỳ cho tôi. Bác sĩ chiến trường trị thương cho tôi hồi ấy bảo rằng, trái tim đặt sai vị trí mà tạo hóa thương tình ấn định, đã cho tôi được sống sót. Nếu tim nằm bên ngực trái thì khi bị hai mảnh đạn găm vào chắc chắn sẽ không qua khỏi”, ông Đặng bồi hồi kể. Nói rồi, ông Đặng đem những giấy tờ chứng thương, những bức phim chụp ngực phải có trái tim hồng của mình ra cho chúng tôi xem. Niềm vui hiện rõ trên khuôn mặt người lính già. 

Vợ chồng thương binh Nguyễn Đặng phấn khởi khi nhận tin con gái từ đơn vị báo về.    Ảnh: Thanh Nhị
Vợ chồng thương binh Nguyễn Đặng phấn khởi khi nhận tin con gái từ đơn vị báo về.    Ảnh: Thanh Nhị

Dù là thương binh loại 1, nhưng với ý chí, nghị lực kiên cường của người lính, ông Đặng nỗ lực vươn lên trong cuộc mưu sinh. Hơn 30 năm qua, người ta thường thấy một ngư dân vạm vỡ, khỏe mạnh Nguyễn Đặng xuống tàu đánh cá thẳng hướng Hoàng Sa, Trường Sa. “Lớn tuổi, sức khỏe không đảm bảo nên những năm gần đây tôi chọn ngư trường gần bờ để đánh bắt hải sản, cũng là để bớt nỗi lo lắng của vợ. Bà ấy lo cho tôi lắm, hễ cứ nghe sóng gió ngoài khơi là đứng ngồi không yên",  ông Đặng tâm sự.

Nghe tôi hỏi về người vợ của ông, ông Đặng bảo rằng, cuộc đời mình quá nhiều may mắn và hạnh phúc khi lấy được người phụ nữ ấy làm vợ. Rồi ông kể, vào năm 1990 khi đang nằm an dưỡng ở Quy Nhơn (Bình Định), nhớ đảo, nhớ nhà nên tôi xin lãnh đạo trại về thăm. Vợ tôi khi ấy là hàng xóm, thấy có một thương binh cùng làng trở về thì theo đám bạn đến thăm chơi. Trước khi tôi trở lại trại an dưỡng có cho cô ấy địa chỉ. Sau đó, tôi nhận thư của cô ấy động viên tôi cố gắng điều trị, để nhanh chóng phục hồi, trở về quê hương. Thư từ qua lại, rồi chúng tôi thương nhau. Tôi có nói với cô ấy tôi là thương binh loại 1, lấy tôi sẽ là gánh nặng cả cuộc đời. “Cảm động nhất là cô ấy bảo rằng em là điều dưỡng riêng đến cuối đời cho anh. Thế là chúng tôi cưới nhau, rồi lần lượt 5 người con ra đời”, ông Đặng nói. 

Nghĩa tình đồng đội

Trái tim nằm lệch chỗ giúp ông Đặng sống sót thần kỳ, đến nỗi các đồng đội và cả chỉ huy đơn vị của ông khi ấy là Đại đội trưởng Nguyễn Long Cáng (nay là Trung tướng, nguyên Tư lệnh Quân khu 5) cũng không ngờ được. Câu chuyện trùng phùng giữa thương binh Nguyễn Đặng và người chỉ huy Nguyễn Long Cáng tại đảo Lý Sơn đã nhiều năm rồi vẫn được các cán bộ, chiến sĩ đảo nhớ mãi. 

Thiếu úy Nguyễn Thị Bình tham gia hiến máu tình nguyện. Ảnh: Thanh Nhị
Thiếu úy Nguyễn Thị Bình tham gia hiến máu tình nguyện. Ảnh: Thanh Nhị

Những ngày cuối năm 2016, Đoàn kiểm tra Quân khu 5 do Trung tướng Nguyễn Long Cáng - Tư lệnh Quân khu làm Trưởng đoàn, đã về kiểm tra tại Ban Chỉ huy Quân sự huyện Lý Sơn. Nhận được thông tin này, ông Đặng đã tìm mọi cách xin phép các anh trong Ban Chỉ huy Quân sự huyện Lý Sơn tạo điều kiện cho mình gặp lại người đại đội trưởng năm xưa. Sáng hôm ấy, ông đến trước cổng doanh trại. “Vừa nhìn thấy anh Năm, tôi đã nhận ra. Đến trưa, tôi được các chú ở Ban Chỉ huy Quân sự huyện sắp xếp, mời vào gặp anh Năm. Anh ôm chầm lấy tôi rồi nói: “Đúng là chú Đặng rồi. Hôm ấy, anh nghĩ chú đã nằm lại ở chiến trường". Bao câu chuyện vui của thời chiến ùa về, không có khoảng cách dù trên vai anh Năm đeo quân hàm Trung tướng, với trọng trách Tư lệnh Quân khu 5. Tôi cũng nói ước nguyện của mình với anh là muốn con trai, con gái vào bộ đội, để viết tiếp ước mơ dang dở ngày nào của tôi. Nghe xong, anh Năm ủng hộ hết mình", ông Đặng kể.  

Trước khi chia tay, thương binh Nguyễn Đặng nói với chúng tôi, mình phải sống thật đẹp để xứng đáng với quê hương, gia đình và đồng đội. Ông còn cho biết, khi xuất ngũ, được cấp đất để làm nhà ở phường Nghĩa Chánh (TP.Quảng Ngãi) nhưng ông từ chối. Bởi lẽ, ông yêu đảo, muốn về đảo xây dựng cuộc sống nơi làng chài quanh năm rì rào sóng vỗ. Nơi ấy, ngày ngày gió khơi xa mang hơi biển mặn mòi gieo đầy ngõ nhỏ, tô thắm cuộc đời giữa đảo xanh tươi.

 

 THANH NHỊ

TIN, BÀI LIÊN QUAN:


 

Xuất bản lúc: 14:49, 04/09/2023

Ý kiến bạn đọc


.