Nơi ấy, cuộc sống mới đã về

14:42, 02/09/2023
.
 
(Báo Quảng Ngãi)- Nhiều năm qua, nhờ sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, sự hỗ trợ của chính quyền địa phương, nhiều khu dân cư, ngôi làng ở vùng cao Quảng Ngãi đã có nhiều đổi thay rất lớn. Người dân được an cư, yên tâm lao động sản xuất, phát triển kinh tế, nâng cao chất lượng cuộc sống.
 
An cư lạc nghiệp
Làng Long Vót, thôn Ra Manh, xã Sơn Long (Sơn Tây) có 17 hộ dân, với hơn 70 nhân khẩu. Đây là ngôi làng thường xuyên bị sét đánh mỗi khi đến mùa mưa dông, khiến người dân hoang mang phải bỏ nhà đi dựng lều tránh trú ở nơi khác. Đầu năm 2023, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh đã hỗ trợ mỗi hộ dân làng Long Vót 50 triệu đồng để xây dựng nhà tại nơi ở mới (cách nơi ở cũ khoảng 1km).
 
Theo hướng dẫn của cán bộ xã Sơn Long, thay vì xuất phát từ trung tâm UBND xã Sơn Long đến làng Nước Đốp rồi băng đường rừng khoảng 3km để đến làng Long Vót, chúng tôi lại ngược lên đường Đông Trường Sơn, băng qua một số thôn của xã Ngọc Tem, huyện Kon Plông (Kon Tum) để đến ngôi làng này. Bởi làng Long Vót mới nằm giáp ranh với thôn Mang Nách, xã Ngọc Tem nên đi đường này tuy xa nhưng thuận lợi hơn.
 

Sau khi băng qua chiếc cầu treo, thuộc thôn Mang Nách, xã Ngọc Tem, vượt đường dốc hiểm trở chừng 1km, chúng tôi đến được làng Long Vót mới. Ngôi làng hiện ra với những ngôi nhà sàn mái ngói nằm trên một ngọn đồi. Xung quanh những ngôi nhà được người dân phủ xanh bằng những giàn mướp, cây chuối, rau màu. Phía dưới làng là một con suối, ranh giới giữa xã Sơn Long và xã Ngọc Tem. Đón chúng tôi là già làng Đinh Văn Điềm, một bệnh binh từng tham gia kháng chiến chống Mỹ. Khoác trên mình bộ quần áo cựu chiến binh, ông Điềm nở nụ cười hiền bảo, những người trẻ trong làng đều đi làm cả rồi, ở làng bây giờ chỉ còn người già, mấy đứa trẻ con với vài phụ nữ lo việc giặt giũ, cơm nước.

Dẫn chúng tôi đi dạo quanh làng, ông Điềm niềm nở chia sẻ về cuộc sống tại nơi ở mới. Ông Điềm bảo, từ ngày di dời về nơi ở mới, người lớn an tâm đi làm, trẻ con yên tâm ở nhà. Chính quyền địa phương cũng đã đầu tư công trình nước sạch đưa về tận làng cho người dân sử dụng. Còn người dân chủ động kéo điện từ thôn Mang Nách, xã Ngọc Tem về để thắp sáng, nấu cơm, xem ti vi. Đất đai ở đây nhiều, lại gần khu vực sinh sống nên người dân chăm chỉ lao động, sản xuất. Tuy đường sá đi lại còn khó khăn, nhưng hơn chục đứa trẻ của làng đang trong độ tuổi đi học đều được cha mẹ đưa đến trường, theo đuổi con chữ, không lo thất học.

Hầu hết những hộ di dời về nơi ở mới đều làm lại nhà sàn, đổ trụ bê tông chắc chắn. Riêng gia đình anh Đinh Văn Bên đã đầu tư xây dựng nhà khang trang hơn. Anh Bên chia sẻ, hồi trước tôi ở làng cũ cũng muốn xây dựng nhà ở kiên cố nhưng vì làng liên tục bị sét đánh nên đành dừng lại. Bây giờ di dời về nơi ở mới, yên tâm sinh sống nên vợ chồng tôi quyết định đầu tư làm lại nhà cửa khang trang hơn. An cư rồi, mọi người nỗ lực chăm lo phát triển kinh tế để cuộc sống ngày một tốt hơn.

Chủ tịch UBND xã Sơn Long Đỗ Thanh Vượt cho biết, nơi ở mới là do người dân chọn. Trên cơ sở đó, chính quyền địa phương đã huy động lực lượng hỗ trợ người dân làng Long Vót di dời nhà cửa, vật dụng đến nơi ở mới; đồng thời, giúp người dân san ủi mặt bằng, dựng lại nhà. Hiện đã có thông báo thu hồi đất để chuẩn bị thi công kéo điện lưới quốc gia về làng trong năm nay. Riêng tuyến đường nối từ Nước Đốp về làng Long Vót cũng đã được đưa vào kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn của huyện (2021 - 2025).

Chúng tôi rời làng Long Vót khi trời bắt đầu chuyển dông. Nhìn những giàn mướp sum suê quả, những khóm hoa được người dân chăm sóc thi nhau khoe sắc trong nắng, chúng tôi hiểu rằng người dân làng Long Vót đã an tâm sinh sống tại nơi ở mới.

Khang trang giữa đại ngàn 

Dưới các chân núi huyền thoại, hùng vĩ từ núi Mum (Minh Long), đến Cà Đam (Trà Bồng) là những ngôi làng với vẻ đẹp dung dị, cuốn hút và không kém phần trù phú...

 

Từ Tỉnh lộ 624 Đình Cương - Eo Gió (Nghĩa Hành) rẽ sang Tỉnh lộ 628 qua huyện Minh Long, núi Mum dần hiện ra như một bức tranh hữu tình, nhưng không kém phần hùng vĩ. Nhìn từ đỉnh núi Mum cao vút, nhiều ngôi làng của đồng bào dân tộc Hrê thoắt ẩn thoắt hiện qua màn sương và mây mờ giăng lối, được bao bọc bởi những ngọn đồi bạt ngàn, xanh ngắt.

Già làng Đinh Văn Lương, ở thôn Làng Reng, xã Long Môn bảo, núi Mum với những gốc cây cổ thụ quần tụ bên chân núi được ví như người mẹ che chở và nuôi dưỡng dân, bảo vệ làng. Vào mùa mưa, làng dưới chân núi được bao phủ bởi màu xanh bạt ngàn của rừng. Đến mùa nắng, lúa vàng rực rỡ, cam quýt trĩu quả tỏa hương thơm ngát trên khắp đường làng, triền núi. Nhiều người lấy làm lạ khi vào mùa khô khắc nghiệt, nhưng dưới chân núi Mum, cây cối vẫn tốt tươi. “Chúng tôi nghĩ đó là món quà mà núi Mum đã ban cho dân làng. Vậy nên, dân làng luôn trân trọng, chăm chỉ làm ăn để xây dựng làng ngày càng giàu đẹp”, ông Lương chia sẻ.

Trong không khí của ngày tết Độc lập, người già ở đây đã tỉ mẩn chỉnh lại những chiếc chiêng để chuẩn bị cho mùa lễ hội. Thanh niên rủ nhau sửa sang lại mái nhà sàn. Nhịp sống của người dân dưới chân núi Mum, từ thôn Công Loan (xã Thanh An), đến Cà Xen, Bãi Vẹt, Làng Reng (xã Long Môn) chầm chậm trôi qua trong yên bình.

Chúng tôi men theo tuyến đường tránh lũ cứu hộ, cứu nạn vùng Tây của tỉnh (Ba Tơ - Minh Long - Sơn Hà) để về thị trấn Di Lăng (Sơn Hà), rồi xuôi theo những con đường để đến thôn Quế, xã Trà Bùi (Trà Bồng). Gần 90 nóc nhà của đồng bào dân tộc Cor ở thôn Quế như những nét chấm phá dưới chân núi Cà Đam.

 

Ông Hồ Văn Giang, ở thôn Quế cho biết, ngày xưa núi Cà Đam hoang sơ lắm. Cây cối và thú rừng rất nhiều. Nhà cửa cheo leo trên sườn núi. Ngoài việc trồng mì, khoai lang, người dân trong thôn còn đi săn bắt những con thú nhỏ để cải thiện bữa ăn. Còn bây giờ, đời sống người dân đã sung túc hơn. Điện sáng, đường to, trường học và trạm y tế đầy đủ. Nhờ sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, đặc biệt là sự hỗ trợ của chính quyền địa phương mà người dân từng bước thay đổi tập quán sinh hoạt, sản xuất, biết nuôi trâu, bò, heo; biết chăm bón mảnh vườn, tích cực trồng rừng, rẫy để tạo thu nhập. Tuy vẫn còn nhiều khó khăn nhưng cuộc sống ngày càng khấm khá, người dân không còn bị cái đói đeo bám như trước. Chuyện học hành của con em người đồng bào dân tộc thiểu số nơi đây cũng tiến bộ rõ rệt. “Nếu như trước kia, người dân không viết được tên mình thì nay, chẳng những viết, tính thành thạo, mà không ít người trong thôn đã đỗ đạt ở các trường chuyên nghiệp. Một sự thay đổi đáng để tự hào”, ông Giang nói.

 
Những ngôi làng “hoa thơm quả ngọt”

Dưới chân dãy Đình Cương - Eo Gió (Nghĩa Hành) là Tỉnh lộ 624 uốn lượn như dải lụa, yên bình bên những ruộng lúa xanh, đồng hoa súng màu tím. Phía xa xa, những ngôi nhà mái ngói rêu phong thấp thoáng trong vườn chôm chôm, bưởi da xanh trĩu quả mà người dân các xã Hành Minh, Hành Đức, Hành Thiện (Nghĩa Hành) đã dày công chăm sóc.

Mẹ Việt Nam Anh hùng Trần Thị Lê, ở thôn Ngọc Sơn, xã Hành Thiện bồi hồi bảo, xưa, núi Đình Cương là ống nhòm từ xa của bộ đội, là tấm khiên che mưa bom, lửa đạn bảo vệ dân làng. Nay, núi Đình Cương ngăn mưa chắn gió để rừng xanh bạt ngàn, để hoa thơm quả ngọt cho nhà cửa khang trang và xóm làng no ấm.

Sau bao nỗi nhọc nhằn, người dân các xã Hành Minh, Hành Đức, Hành Thiện đã chọn cho mình sinh kế phát triển bền vững. Mảnh đất “lửa” năm nào giờ nức hương hoa bưởi và sầu riêng. Cánh đồng cằn cỗi năm xưa giờ trở thành vùng sản xuất lúa giống trọng điểm, lúa chất lượng cao. Những sườn đồi từng bị tàn phá bởi bom đạn, giờ đã phủ lên mình màu xanh của keo lá tràm, cỏ voi cùng những trang trại chăn nuôi quy mô lớn. Cuộc sống của người dân dưới chân núi Đình Cương không còn bữa đói bữa no, mà đã tiệm cận đến “ăn ngon mặc đẹp”, với thu nhập bình quân đạt trên 50 triệu đồng/người/năm.

 
Nội dung: HỒNG HOA - MỸ HOA
Trình bày: QUỲNH DUYÊN
 
Xuất bản lúc: 14:42, 02/09/2023

Ý kiến bạn đọc


.