Đoàn Giám sát của Thường trực HĐND tỉnh gặp gỡ người dân ở Khu tái định cư Cà Ninh. |
Bà Nguyễn Thị Dung, ở xã Bình Thuận (Bình Sơn), thuộc vùng bị ảnh hưởng bởi dự án Khu Liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát Dung Quất 2, nên được TĐC tại khu TĐC Vạn Tường. Bà Dung cho biết, gia đình bà vừa làm nhà xong. Cuối năm nay, gia đình sẽ cưới vợ cho con trai. Con trai bà Dung làm công nhân tại cảng tổng hợp thuộc Công ty CP Thép Hòa Phát Dung Quất. “Ban đầu, khi thực hiện dự án, cuộc sống của người dân bị ảnh hưởng do phải thay đổi chỗ ở. Khi được bố trí TĐC ở khu TĐC Vạn Tường, gia đình tôi thấy nơi đây tốt hơn nơi ở cũ nên rất hài lòng”, bà Dung phấn khởi nói.
Dự án Khu TĐC Vạn Tường có tổng mức đầu tư 350 tỷ đồng, đến nay đã bố trí 250 tỷ đồng, đã giải ngân gần 210 tỷ đồng. Hiện tại, khối lượng thi công đạt 90% giá trị hợp đồng. Dự án chia làm 2 khu, trong đó khu 1 đã hoàn thiện hạ tầng, đủ điều kiện giao đất TĐC cho người dân với 199/204 lô đất. Còn khu 2 đã hoàn thiện hạ tầng, đủ điều kiện giao 124 lô, còn lại 40 lô đất đang tiếp tục triển khai thi công, phấn đấu hoàn thành vào cuối năm 2023. UBND huyện Bình Sơn đã giao tạm 183 lô đất TĐC đối với hộ dân có nguyện vọng giao đất tạm để xây dựng nhà ở. Về giải phóng mặt bằng (GPMB) để thực hiện dự án, hiện đã được phê duyệt 14 phương án bồi thường, hỗ trợ với tổng diện tích thu hồi đất 24,19ha; đã chi trả tiền cho 261/273 hộ dân.
Hạ tầng Khu tái định cư Hải Nam hiện xuống cấp. |
Còn theo báo cáo của Ban Quản lý KKT Dung Quất và các KCN tỉnh, giai đoạn 2018 - 2022, trên địa bàn KKT Dung Quất có 26 dự án đầu tư công và đầu tư ngoài ngân sách có phương án thu hồi đất phải bố trí TĐC. Tổng số lô TĐC theo thiết kế khoảng 5.200 lô. Trong đó, có 3 dự án TĐC tập trung quy mô lớn, với tổng số lô TĐC là 1.288 lô (hiện đã giao đất TĐC 334 lô; chưa giao đất TĐC 954 lô). Theo tính toán của Ban Quản lý KKT Dung Quất và các KCN tỉnh, từ nay đến hết năm 2024, nhu cầu TĐC trong KKT Dung Quất khoảng 1.600 lô, trong đó có 954 lô tồn dư, như vậy số lô TĐC còn thiếu cần tiếp tục đầu tư hơn 600 lô.
Hiện nay, các dự án TĐC do Ban Quản lý KKT Dung Quất và các KCN tỉnh làm chủ đầu tư hầu hết bị chậm tiến độ, do vướng giải phóng mặt bằng. Có dự án vướng mắc về mặt bằng tỷ lệ không cao, nhưng rất khó giải quyết, thậm chí là rơi vào tình trạng bế tắc. Như khu TĐC Cà Ninh, có tổng mức đầu tư lớn nhất về dự án TĐC, thời gian thi công đến nay đã kéo dài hơn 9 năm, nhưng gặp vướng mắc về giải phóng mặt bằng của 60 lô, khả năng sẽ trình UBND tỉnh cho phép điều chỉnh quy mô theo hướng cắt giảm số lô này. Hoặc như khu TĐC Hải Nam, mục tiêu đầu tư là tạo cơ sở hạ tầng phục vụ yêu cầu cấp bách di dời, TĐC cho khoảng 35 hộ bị ảnh hưởng bởi dự án Tuyến đường giao thông trục chính nối trung tâm phía bắc và phía nam Khu đô thị mới Vạn Tường, với diện tích gần 5ha. Hiện khối lượng đã thực hiện 46/61 tỷ đồng, tiến độ đạt khoảng 95%. Mặt bằng gặp vướng mắc khoảng 1.700m2 do 3 hộ dân chưa di dời nhà cửa, làm cho việc kết nối với tuyến đường vào khu dân cư chưa thể thi công và hạng mục bổ sung mở rộng nghĩa địa Bình Hòa chưa thể triển khai.
Hiện nay, trên địa bàn KKT Dung Quất có 350 lô TĐC đã hoàn thành, tiến hành giao cho người dân nhưng người dân không nhận. Phó Trưởng ban Quản lý KKT Dung Quất và các KCN tỉnh Lương Trọng Nguyên lý giải, do dự án thi công kéo dài, khi hoàn thành, bố trí người dân vào ở thì nhiều vị trí xuống cấp. Người dân không nhận đất TĐC mà yêu cầu phải cải tạo, nâng cấp hoặc đổi sang khu TĐC mới. “Không phải là Ban Quản lý thiếu quyết tâm mà do một số vị trí đất tính chất pháp lý không rõ ràng, không có cơ sở để bồi thường giải phóng mặt bằng. Có dự án, người dân đã nhận tiền bồi thường, nhưng không chịu di dời bàn giao mặt bằng để xây dựng”, ông Nguyên cho biết thêm.
Một góc khu tái định cư Bình Đông (Bình Sơn). |
Hơn nữa, tình trạng cấp GCNQSDĐ cho người dân TĐC cũng chậm trễ. Phó Chủ tịch UBND huyện Bình Sơn Ngô Văn Dụng thừa nhận, nhiều dự án đã hoàn thành, đưa người dân vào ở đến nay đã 7, 8 năm nhưng chưa cấp GCNQSDĐ, vì có sai sót trong lập hồ sơ ban đầu. Một số khu TĐC vì yêu cầu cấp bách nên phải tiến hành giao đất tạm cho người dân, làm phát sinh nguy cơ vướng mắc trong cấp GCNQSDĐ sau này. Ngoài ra, thủ tục pháp lý đất đai của một số dự án TĐC chưa hoàn thành, chẳng hạn Khu TĐC Cà Ninh, dù đã thi công hơn 9 năm nhưng hiện chưa hoàn thành thủ tục pháp lý về đất đai. Còn việc người dân không nhận đất TĐC cũng có phần do trước đây nguồn kinh phí hạn hẹp nên suất đầu tư TĐC thấp, chất lượng hạ tầng chưa cao.
Mới đây, Đoàn giám sát của Thường trực HĐND tỉnh đã giám sát tình hình thực hiện công tác TĐC trên địa bàn KKT Dung Quất. Qua giám sát cho thấy, hạ tầng các khu TĐC đều xuống cấp nhưng không được duy tu, bảo dưỡng kịp thời. Hiện tại, toàn KKT Dung Quất mới chỉ có duy nhất Khu TĐC Bình Đông là được bố trí 15 tỷ đồng để duy tu. Ban Quản lý KKT Dung Quất và các KCN tỉnh đã khảo sát, lập dự toán để trình cơ quan có thẩm quyền đưa vào kế hoạch sửa chữa, duy tu 16 khu TĐC, với tổng vốn đầu tư 500 tỷ đồng.
|