Nghề phụ nhưng thu nhập chính 

17:16, 09/08/2023
.

(Báo Quảng Ngãi)- Hiện nay, bên cạnh nghề nghiệp chính, nhiều người còn làm thêm một số công việc khác (còn gọi là nghề tay trái) để có thêm thu nhập cho gia đình và có thêm kiến thức, trải nghiệm mới cho bản thân.

Bận rộn nhưng vui

Sau giờ làm việc tại Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh trong vai trò dẫn chương trình (MC), sản xuất chương trình thiếu nhi, MC Huỳnh Như Phượng (29 tuổi) mở lớp dạy thêm kỹ năng mềm cho trẻ em. “So với các thành phố lớn, nhiều trẻ em ở vùng quê vẫn còn rụt rè, chưa có nhiều cơ hội thể hiện năng khiếu bản thân. Với kinh nghiệm và đam mê dẫn chương trình, tôi muốn chia sẻ, hỗ trợ các em nhỏ rèn luyện kỹ năng giao tiếp để có thể tự tin giới thiệu, trò chuyện, thuyết trình ở nơi đông người”, chị Phượng chia sẻ. 

Ngoài thời gian làm MC cho Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, Huỳnh Như Phượng còn mở lớp dạy kỹ năng  dẫn chương trình cho các em nhỏ.   Ảnh: NV
Ngoài thời gian làm MC cho Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, Huỳnh Như Phượng còn mở lớp dạy kỹ năng  dẫn chương trình cho các em nhỏ.   Ảnh: NV

Số lượng học viên lớp kỹ năng mềm ngày càng tăng,  giúp chị Phượng có thêm thu nhập, đồng thời mở rộng các mối quan hệ xã hội. Nghề "tay trái" còn bổ trợ rất nhiều cho công việc chính của chị. Qua đó, chị tiếp cận với các gương mặt MC nhí có năng khiếu, có thể tham gia dẫn các chương trình thiếu nhi tại Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh. “Trong lúc chia sẻ, trò chuyện với các em, tôi cũng học hỏi và có thêm những ý tưởng để sản xuất chương trình thiếu nhi. Đồng thời, việc mở rộng các mối quan hệ giúp tôi thuận lợi hơn trong nghề báo. Nhờ gia đình ủng hộ, tạo điều kiện nên tôi có thời gian duy trì, sắp xếp công việc tay trái của mình”, chị Phượng cho hay.

Còn với chị Phan Thị Bích Thu (40 tuổi), công tác tại Nhà Văn hóa Lao động tỉnh, ngoài tập trung thực hiện tốt công việc chuyên môn tại đơn vị nơi công tác, chị cũng sắp xếp làm thêm công việc ngoài giờ. Chị Thu cho biết, cách đây 10 năm, chị dạy yoga vào các khung giờ sáng sớm, trưa và tối. Yêu thích mảng chăm sóc da, sắc đẹp, nên trong thời gian đi học thạc sĩ, chị học thêm các kỹ thuật chăm sóc, làm đẹp cho da. Giờ đây, nghề "tay trái" của chị bao gồm cả việc dạy yoga và quản lý một spa chăm sóc sắc đẹp. Cuộc sống tuy bận rộn, nhưng chị cảm thấy ý nghĩa, thú vị hơn.

Với chị Thu, dù công việc chính và nghề "tay trái" không liên quan với nhau, nhưng cả hai công việc giúp bổ sung các kỹ năng mềm, kinh nghiệm sống cho bản thân. Nhờ các mối quan hệ trong công việc chính giúp chị có khách hàng cho nghề phụ. Đồng thời, chính các kinh nghiệm, kiến thức của nghề phụ, giúp chị có thêm kỹ năng góp phần thực hiện tốt hơn công việc chính. Trong các buổi tọa đàm nhân ngày Quốc tế Phụ nữ (8/3), ngày Phụ nữ Việt Nam (20/10), chị trở thành báo cáo viên chia sẻ cho chị em các chủ đề về tư vấn cách làm đẹp, chăm sóc sức khỏe phụ nữ... "Chọn nghề "tay trái" phải phù hợp với tính cách, sở thích, đam mê của bản thân và sắp xếp thời gian phù hợp để không xao nhãng việc ở cơ quan. Tôi hướng dẫn, đào tạo nhân viên để thay mình làm việc tại spa trong giờ hành chính. Với những khách đặt lịch hẹn chăm sóc da, tôi sắp xếp làm việc ngoài giờ hành chính", chị Thu chia sẻ. 

Có thêm thu nhập cho gia đình

Mười năm trước, khi còn làm kế toán tại một công ty ở KKT Dung Quất, chị Lê Thị Thùy (34 tuổi), ở xã Tịnh Đông (Sơn Tịnh) đầu tư một cửa hàng quần áo công sở trên đường Hùng Vương (TP.Quảng Ngãi). “Với công việc kế toán, tôi chủ yếu làm trên máy tính, ít khi tiếp xúc với nhiều người. Lúc mới mở cửa hàng quần áo, tôi cảm thấy rất căng thẳng vì tiếp xúc với nhiều người và chưa biết cách tư vấn cho khách hàng. Tôi phải thức đến 2, 3 giờ sáng để học các kỹ năng bán hàng, đồng thời tìm hiểu về các chất liệu vải, thông số, kiểu dáng để tư vấn cho khách”, chị Thùy kể. 

Từ một người ít nói, nhờ nghề "tay trái", chị Thùy học hỏi, hoàn thiện bản thân nhiều hơn. Chị mạnh dạn, tự tin tư vấn các sản phẩm phù hợp cho khách hàng. Sau này, khi có con nhỏ, chị quyết định tập trung vào công việc kinh doanh quần áo công sở. Công việc này đã trở thành nghề chính, mang lại thu nhập, niềm vui gắn bó với chị cho đến nay.

Chị Lê Thị Kim Vang làm thêm chả cá thát lát để bán, nhằm cải thiện cuộc sống gia đình.   Ảnh: Gia Hân
Chị Lê Thị Kim Vang làm thêm chả cá thát lát để bán, nhằm cải thiện cuộc sống gia đình.   Ảnh: Gia Hân

Đến bây giờ, chị Lê Thị Kim Vang (38 tuổi), ở phường Nghĩa Lộ (TP.Quảng Ngãi) vẫn nhớ những ngày đầu loay hoay tìm cách trả nợ tiền vay mượn xây dựng nhà. Sau khi ra trường, chị Vang làm kế toán tại một trường cao đẳng nghề. Với ước mơ an cư lập nghiệp, vợ chồng chị vay tiền mua đất xây nhà, dù đồng lương lúc đó còn ít ỏi. Để trả nợ tiền vay ngân hàng, chị quyết định làm thêm công việc ngoài giờ hành chính để có thêm thu nhập. Tình cờ, chị mua chả cá đỏ củ tại một cơ sở ở xã Bình Châu (Bình Sơn), một người hỏi mua lại, chị bán lại với tiền lãi 30 nghìn đồng. Từ đó, chị bắt đầu kinh doanh chả cá đỏ củ với số lượng lớn. 

Sau này, chị Vang muốn có sản phẩm chả cá do chính tay mình làm ra để bán cho khách hàng. Chị đã học cách làm chả cá thát lát. “Để làm chả cá thát lát, tôi thức dậy từ 1, 2 giờ sáng để kịp nạo cá, quết cá thật nhuyễn rồi ướp gia vị. Đến 5 giờ, tôi tranh thủ chở đi bán để kịp về đi làm trước 7 giờ”, chị Vang cho hay. Suốt 10 năm qua, nhờ chịu thương chịu khó, không ngại vất vả làm thêm, mỗi tháng chị Vang tích lũy được một khoản tiền nhất định. “Dù công việc làm chả cá thát lát là phụ nhưng mang lại thu nhập chính cho gia đình tôi. Bây giờ, cuộc sống tuy đã khá hơn, nhưng tôi vẫn duy trì làm chả cá thát lát, như một cách trân trọng nghề tay trái đã giúp gia đình tôi vượt qua khó khăn”, chị Vang bộc bạch.

GIA HÂN

 TIN, BÀI LIÊN QUAN:

 

Xuất bản lúc: 17:16, 09/08/2023

Ý kiến bạn đọc


.