(Báo Quảng Ngãi)- Cứ vào mùa mưa, bão, nhiều khu dân cư ở các huyện miền núi bị sạt lở, ảnh hưởng đến sản xuất, sinh hoạt của người dân.
[links()]
Sau những đợt mưa lớn, các huyện miền núi Sơn Hà, Sơn Tây, Ba Tơ và Trà Bồng đã xảy ra tình trạng sạt lở núi. Hiện tại nhiều diện tích sản xuất lúa, hoa màu bị “sa bồi thủy phá” vẫn chưa khắc phục và hàng chục tuyến đường liên thôn, liên xã bị sạt lở, gây ách tắc giao thông. Tại huyện Ba Tơ, nhiều khu dân cư bị sạt lở ảnh hưởng lớn đến đời sống của người dân. Vừa qua, huyện đã xây dựng một số khu tái định cư, kịp thời di dời hàng chục hộ dân ra khỏi vùng sạt lở. Tuy nhiên, một số xã ở vùng cao như Ba Xa, Ba Trang, Ba Giang... vẫn còn nhiều khu vực có thể bị lũ quét, sạt lở núi, với gần trăm hộ dân bị ảnh hưởng cuộc sống, thậm chí một số gia đình có nguy cơ sập nhà và mất đất sản xuất...
Núi Van Cà Vãi, thị trấn Di Lăng (Sơn Hà) bị sạt lở uy hiếp khu dân cư Làng Dầu. |
“Huyện đã có kế hoạch, phương án xây dựng các khu tái định cư và biện pháp di dời dân ra khỏi vùng bị sạt lở, đảm bảo an toàn tính mạng và ổn định cuộc sống cho người dân. Từ cuối năm 2020, huyện đã lập hồ sơ thiết kế, dự toán đầu tư và có Tờ trình gửi UBND tỉnh xin đầu tư, khắc phục một số nơi bị sạt lở lớn. Tuy nhiên, do khó khăn ngân sách nên đến nay tỉnh vẫn chưa bố trí được nguồn vốn xây dựng các điểm tái định cư cho người dân. Trước mắt, huyện tạm ứng ngân sách địa phương, khẩn trương xây dựng một số khu tái định cư cần thiết, sớm di dời người dân đến nơi ở mới trong mùa mưa, lũ này”, ông Phạm Xuân Vinh nói.
Trong khi đó, tại tổ dân phố Làng Dầu, thị trấn Di Lăng (Sơn Hà), núi Van Cà Vãi có độ dốc lớn, nên chỉ cần một cơn mưa nhỏ cũng đủ làm núi lở, đe dọa nhiều nhà dân dưới chân núi. Mấy ngày gần đây, trời mưa to đã làm dân làng ở đây ngủ không yên giấc. Nhiều người như “ngồi trên đống lửa”, lo sợ núi lở đã vội vàng đưa gia đình chạy sang làng bên trú tạm trong đêm. Bà Đinh Thị Thảo, ở tổ dân phố Làng Dầu, thị trấn Di Lăng lo lắng nói, mấy ngày qua mưa lớn, đất trên núi đổ xuống đã làm vùi lấp chuồng heo, chuồng bò và vườn rau của người dân. Chúng tôi không ngủ yên giấc. Nhất là khi có mưa, gió lớn, dân làng ở đây không dám ở trong nhà.
Theo Chủ tịch UBND huyện Sơn Hà Đinh Thị Trà, núi Van Cà Vãi đã bị rạn nứt trong mùa mưa năm 2020. Mưa bão vừa qua đã xảy ra sạt lở, với hàng chục khối đất tràn xuống khu dân cư, làm ảnh hưởng cuộc sống của người dân. Vừa qua, huyện đã cân đối ngân sách địa phương để đầu tư khẩn cấp công trình chống sạt lở tại núi Van Cà Vãi. Đây là một trong những công trình đầu tư khẩn cấp của huyện trong năm 2021, do Phòng NN&PTNT làm chủ đầu tư, với tổng kinh phí trên 3 tỷ đồng. “Tuy nhiên, hiện nay nhiều hộ dân ở tổ dân phố Làng Dầu chưa được di dời, tái định cư đến nơi ở mới, nên trong quá trình thi công, đất, đá rơi vãi trong khu dân cư đã làm cho người dân bất an. Huyện đang tập trung giải quyết, không để ảnh hưởng đến đời sống của người dân”, bà Trà cho hay.
Hiện nay, trên địa bàn huyện Sơn Tây cũng đã xảy ra nhiều điểm sạt lở núi, ảnh hưởng trực tiếp đến khoảng 150 hộ dân; trong đó, các xã Sơn Dung, Sơn Linh, Sơn Long có điểm sạt lở lớn, nhưng chưa có khu tái định cư để di dời người dân đến ở. Ngoài ra, nhiều hộ dân ở ven đường Trường Sơn Đông bị ảnh hưởng nghiêm trọng do mưa lũ. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến tâm lý, đời sống người dân, mà còn gây khó khăn cho chính quyền địa phương...
Một lãnh đạo huyện Sơn Tây cho biết, huyện đã rà soát tất cả các điểm bị sạt lở để đánh giá cụ thể, kịp thời hỗ trợ người dân di dời ra khỏi vùng nguy hiểm. Về lâu dài phải sắp xếp, bố trí lại các khu dân cư cho phù hợp, đảm bảo phát triển sản xuất, ổn định cuộc sống cho người dân. Thời tiết diễn biến bất thường, trong khi vẫn còn nhiều hộ dân nằm trong vùng sạt lở nguy hiểm chưa được tái định cư. Do đó, huyện lên kế hoạch, phương án sẵn sàng ứng phó trong mùa mưa bão, kịp thời hỗ trợ người dân khi cần thiết nhằm đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản của nhân dân.
Bài, ảnh: KIM CÚC