Truyện ngắn: “Đồ lồi...”

17:09, 06/07/2024
.

(Báo Quảng Ngãi)- 1. Mẹ đi qua đi lại trước sân nhà, tay cầm chiếc nón cũ đã bung nửa vành, miệng lẩm nhẩm: “Đồ lồi...”. Hân nhìn quanh, không thấy ai. Cô chào mẹ rồi dắt chiếc xe đạp để ngay ngắn dưới gốc mai bên hiên nhà. Vừa bước chân lên bậc thềm vào nhà, cô lại nghe văng vẳng phía đầu hồi: “Đồ lồi...”, rồi tiếng đuổi mấy con gà đang bươi phá đám rau cải vừa nhú lên mơn mởn. Thú thật, ban đầu khi nghe không rõ cái từ mẹ nói, cô tự vấn: “Kỳ quá ta, sao mẹ lại nói đi nói lại cái từ đó hoài vậy? Tục muốn chết...”. Dần dà, nghe quen cô mới ngộ ra không phải cái âm như mình nghĩ.

Cô là người vùng trung du đất võ, ngày đó mới về làm dâu xứ Quảng. Vốn sinh ra trong một gia đình viên chức, từ nhỏ đến khi lấy chồng chỉ biết ăn học, thỉnh thoảng làm màu theo chúng bạn con nhà nông đi lượm củi khô trên đồi hoặc cắt rau dền ngoài đồng về cho mẹ nấu cám heo. Việc đồng áng, cấy cày mà nói, với cô hoàn toàn xa lạ. Khi anh đưa cha vào xin hỏi cưới, mẹ cô không giấu sự vụng về, ngu ngơ của con gái với sui gia. Cha anh cười xòa: “Học chữ mới khó, ba cái việc chân tay có là gì...”. Nghe vậy, mẹ cô yên tâm.

Những ngày cưới thời bao cấp đi qua nhanh vì làm gì có điều kiện mà hưởng tuần trăng mật. Cô học sư phạm mới ra trường, chưa có việc làm. Anh làm nghề viết lách, mà thời ấy nhuận bút còm nên chật vật vô cùng. Anh lao vào làm như con thiêu thân để bù lại phần “ăn bám” của cô. Mỗi ngày, cô quanh quẩn trong nhà làm mấy việc lặt vặt, mong thời gian mau đến tối để được gặp anh. Thỉnh thoảng, cô đạp xe ra chợ mua mớ rau con cá về tập nấu ăn cho nhanh hết ngày.

Chiều, cô ra đầu ngõ ngóng, hễ thấy cái bóng gầy guộc của anh trên chiếc xe đạp đã cũ, cô thở phào nhẹ nhõm. Câu đầu tiên khi anh vừa chạm mặt cô bao giờ cũng là: “Mẹ, cha đâu rồi em?”. Cô nhìn vào nhà đáp khẽ: “Dạ, mẹ đang ở dưới bếp. Còn cha, chắc ra ngoài ruộng...”. Cùng lúc, cha quần xắn, vác cây cuốc còn bám đầy bùn đất về tới. “Lúa gieo thế nào rồi cha?”. Cha chép miệng: “Không ra sao con, sâu rầy nhiều quá!”. Anh im lặng, nhìn dáng cha lam lũ, cô thấy rõ nỗi xót xa trong ánh mắt anh.

Bữa cơm chiều muộn được dọn ra, chỉ có đĩa rau sống, chén mắm nêm và lát cá hố kho nước. Nồi cơm nghi ngút khói, nhìn vào củ nhiều hơn cơm. “Ăn đi con!”, mẹ nhắc khi thấy cô còn ngập ngừng chưa cầm đũa. Anh liếc qua tôi ý nói: “Cố lên Hân!”. Thú thật, cô có thể ăn củ nhưng không thể ăn cơm độn củ. Thời bao cấp, cán bộ nhà nước chỉ được cấp hai mươi phần trăm gạo, còn tám mươi phần trăm là hạt bo bo, mì sợi hoặc bột mì nhưng cô toàn được ăn cơm trắng. Vì, mẹ cô thường đem mì sợi hoặc bột về nhà ngoại đổi lấy gạo quê cho nên cô được ăn cơm trắng.

Song, nhìn thấy cha mẹ và anh ăn ngon lành cô có động lực, cố gắng ăn hết chén cơm. Cơm xong, cô dọn dẹp, đem bát đĩa ra ảng nước sau bếp rửa. Cha mẹ với anh ngồi trước thềm nhà uống nước và hỏi han nhau những việc trong ngày. Cô giật bắn mình khi thấy bóng một con mèo vọt qua trước mặt mình, cái tô canh bằng sứ tuột khỏi tay, rơi đánh choang xuống nền xi măng vỡ làm đôi, cô há hốc miệng thảng thốt: “Chết rồi!”. Và, cô nghe loáng thoáng tiếng mẹ với câu nói quen thuộc, vọng đến từ phía trước nhà: “Đồ lồi...”.

MH: VÕ VĂN
Minh họa: VÕ VĂN

2. Ở quê, mới thấy hết nỗi vất vả của người nông dân và rõ hơn cảm giác mình như bị thừa ra, vô tích sự. Sáng nào cũng vậy, khi mà cô còn cuộn tròn trong chiếc chăn mỏng thì mẹ đã lục đục dậy bắc nồi cơm cho cả nhà, còn cha thì nói với sang nhà hàng xóm với câu hỏi quen thuộc: “Nay đổi công đám nào anh Ba?”. Quê anh vừa làm mía vừa làm ruộng, mùa nào việc nấy, xoay vần quanh năm suốt tháng. Cô về nhà anh đúng mùa thu hoạch mía, mùi mật mía thơm lừng cả xóm.

Hồi đó, một xóm có vài ba cái lò nấu đường, hết nhà đến nhà, tùy vào mía nhà ai “chín” trước, mọi việc diễn ra tuần tự đúng “luật quê”. Đường nấu xong được đổ vào các thùng phuy lớn, tùy theo giá cả lên xuống, mỗi phuy đường như thế ước chừng một chỉ vàng. Thường thì nhà anh mỗi mùa làm được năm, sáu phuy đường nhưng tính ra cũng chẳng lời lãi được bao nhiêu, chủ yếu lấy công làm lời. Những ngày mọi người bận rộn như thế, cô cũng tham gia mấy việc vụn vặt như nấu nước uống, đem nửa buổi cho người làm công, sắp xếp ngọn lá mía.

Thấy cô lóng ngóng, vụng về ai cũng ái ngại. Mà, người quê cũng hay chuyện lắm, họ vừa làm vừa thì thào to nhỏ: “Vợ thằng Tư nhuộm tóc chứ tóc gì mà đen thui dậy?”, “Chú Năm có cô con dâu đỏng đảnh quá!”, “Bà mà thấy vợ chú Tư quây lúa mắc cừ lắm luôn!”. Cô lại nghe tiếng mẹ lẩm nhẩm giữa những lời bàn tán: “Đồ lồi...”. Những lúc như thế, chắc cha chạnh lòng nên có hôm cha bảo cô: “Thôi con vào nhà nấu nướng gì đi, việc này con không làm được đâu”. Giọng nói của cha thì nhẹ nhưng ánh mắt cha có phần thất vọng. Cô đọc được điều đó và cảm thấy tủi thân. Nhiều lần định nói gì đó với anh nhưng thấy anh cả ngày vất vả đi lấy tư liệu, họp hành, tối về cặm cụi gõ chiếc máy chữ lọc cọc để có bài kịp in số báo tới, cô lại im lặng.

Vợ chồng cô sống với cha mẹ chừng nửa năm thì mua được cái nhà nhỏ xíu trong hẻm dưới thị xã nhờ bao năm anh làm lụng chắt chiu gửi mẹ và cha mẹ cho thêm một ít từ việc bán những phuy đường tích trữ được sau bao mùa mía, cô cũng xin được việc làm đúng ngành mình đã học. Bây giờ cha mẹ đều đã về với ông bà tổ tiên, ngẫm lại thấy nửa năm ấy thật đáng giá vì nó đã giúp cô hiểu hơn và thấm thía giá trị của hạt gạo, củ khoai, hạt đường mà có lúc cuộc sống hiện đại khiến nhiều người không mấy mặn mà. Cô cũng thấy vui vui khi nhớ lại những lời người quê bàn tán về mình.

Lúc mới ra riêng, chiều thứ Bảy, anh hay chở cô về thăm cha mẹ trên chiếc xe đạp đã mòn lốp mà chưa có tiền thay. Cha mẹ vẫn thế, lúc nào cũng lu bu chuyện đồng mía, ruộng khoai, vạt lúa, miệng nói tay làm, chỉ có nụ cười là nhẹ nhõm hơn những ngày cô còn ở đó. Sau này, có xe máy rồi ô tô, công việc và các mối quan hệ cũng dày hơn nên những cuộc thăm hỏi cũng thưa dần. Lâu không thấy con về, mẹ lại lo lắng, giục cha tuổi ngoài tám mươi đạp xe đạp xuống phố thăm con. Dân gian nói “nước mắt chảy xuôi” là có thật.

3. Lúc mẹ còn sống, mỗi lần vợ chồng cô về đến ngõ, cô đã nghe tiếng bà vọng ra từ nhà bếp: “Ông ơi, thằng Tư về rồi, ông ra bắt con gà cắt tiết đi...”. Mẹ thuộc nằm lòng tiếng xe của từng đứa con trong nhà. Cha mẹ sinh được năm người con, anh Hai hy sinh trước ngày giải phóng, anh Ba có gia đình ở riêng ngoài đầu xóm, cô Năm mất khi còn nhỏ, cô Sáu đang học năm cuối đại học, chú Bảy học hết cấp ba theo chúng bạn đi làm ăn xa, thỉnh thoảng mới về. Cha mẹ ưu ái anh hơn một chút vì anh lận đận nhất nhà nhưng hiếu thảo.

Hồi mới quen nhau, anh hay kể cho cô nghe tuổi thơ vất vả như thế nào, cha mẹ tảo tần khó nhọc ra sao. Nhất là chuyện, anh vừa chăn bò vừa tranh thủ học bài hay muốn đi chơi ba bữa Tết thì ngày ba mươi tháng Chạp phải chuẩn bị đủ ngọn lá mía hoặc cỏ cho bò ăn trong ba ngày đó. Cô lơ ngơ, mắt tròn mắt dẹt chăm chú nghe anh nói nhưng không mảy may có chút sợ hãi xa xôi nào về việc sẽ làm dâu nhà nông chính hiệu.

Những câu chuyện của anh về đất quê nghèo khó, về cha mẹ một thời mưu sinh cơ cực, về tuổi thơ lấm lem bùn đất đó đã giúp cô trưởng thành hơn, biết sống chừng mực, biết yêu thương và chia sẻ với khó khăn của những người dân quê chân lấm tay bùn nhưng lòng dạ thẳng ngay, luôn bao dung vô điều kiện. Cô là một ví dụ cụ thể minh chứng cho sự bao dung ấy. Bao nhiêu vụng về của cô những ngày làm dâu đều được mẹ gói lại trong một câu nói không thể ngắn gọn hơn: “Đồ lồi...”. Và, mãi sau này cô mới hiểu ý nghĩa của nó, khi nghe anh giải thích.

Mẹ mất vào một ngày mưa bão tơi bời, sau ba hôm cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh. Bà bị tai biến bất ngờ. Đời mẹ lam lũ nhọc nhằn không kể hết cho đến khi về với đất. Vì, mưa bão, mẹ được chính quyền địa phương cho phép an táng ngay trong vườn nhà. Cô chứng kiến anh vật vã, đau đớn đến quặn lòng trước gương mặt bất động vẫn như hằn dấu âu lo của mẹ. Cha trầm ngâm, gương mặt khắc khổ đanh lại, nước mắt cô đặc vào tim. Riêng cô, cứ nghe văng vẳng bên tai tiếng mẹ: “Đồ lồi!”. Thì ra, với mẹ, tất cả những lỗi sai hay sự khác biệt của ai đó đều giống như cái mụt bất thường nổi lên trên một thân cây thẳng, nó chỉ hơi khó coi một chút mà không ảnh hưởng gì đến phần lõi bên trong. Câu nói cửa miệng của mẹ như một thói quen cố hữu, nhưng lại chứa đựng bao nhiêu là thâm ý!

***

Tháng Sáu âm lịch trời nắng như chảo lửa, con sông chảy ngang thành phố cạn khô trơ đáy cát, chỉ còn một lạch nước nhỏ phía bờ bắc vẫn lặng lẽ nối sông về phía biển. Cây cầu đầu tiên bắc qua sông mấy mươi năm rồi vẫn thế, nhưng nhẹ gánh hơn vì dọc bờ sông đã mọc thêm ba cây cầu mới hiện đại, bề thế. Cô nhớ mãi lần đầu tiên cũng là lần cuối chở mẹ từ quê xuống phố trên chiếc xe máy mới mua, đến chỗ nối hai nhịp cầu nhô lên, cô không để ý để đi chậm lại khiến bánh xe nảy mạnh, xô tới. Mẹ ngồi sau giật mình, vội luồn ôm ngang bụng cô và bật lên hai tiếng: “Đồ lồi...”!

TRẦN THU HÀ

TIN, BÀI LIÊN QUAN:


 

Xuất bản lúc: 17:09, 06/07/2024

Ý kiến bạn đọc


.