(Báo Quảng Ngãi)- Ông Võ Duy Chúc, quê làng Đại An, nay là thôn Đại An Đông 1, xã Hành Thuận (Nghĩa Hành). Ông sinh năm 1936, đến nay đã gần tuổi 90, nhưng trí tuệ của ông vẫn còn minh mẫn và say mê sáng tác nghệ thuật.
Tôi may mắn biết được Võ Duy Chúc là khi nhìn pho tượng Hộ đốc Gia Định thành Võ Duy Ninh được dựng ở sân nhà thờ, cũng là Di tích Võ Duy Ninh ở quê ông. Ông là hậu duệ của dòng họ Võ nổi tiếng thông minh của làng Đại An, vì cảm phục khí tiết tổ tiên đã tử tiết vì đất nước mà ông không tiếc công sức sáng tác bức tượng để dựng ở nhà thờ. Nhưng không chỉ có bức tượng Võ Duy Ninh.
Cách không xa là ngôi nhà giản dị và có hơi hướng cổ xưa của ông, có một khu vườn tượng nho nhỏ. Tượng như người sống cùng cỏ cây. Đây cô gái với cởi chiếc áo dài ngồi trước ao sen (thật). Kia dưới tán cây thật là bức “Đối tượng và đối tác” với hình tượng người săn và chú sư tử bên nhau đầy tính triết lý. Và một số tượng khác nữa. Chừng như Võ Duy Chúc rất ngẫu hứng trong sáng tác, và không chịu tự bó buộc trong đề tài gì.
Pho tượng Hộ đốc Gia Định thành Võ Duy Ninh do ông Võ Duy Chúc thực hiện. |
Vốn là giáo viên lâu năm, Võ Duy Chúc đọc nhiều cổ văn và thuộc nhiều điển cố, điển tích hay. Ông cũng nắm vững nhiều thể loại văn học cổ. Có lẽ nhờ vậy mà ông làm nhiều thơ với bút danh Vũ Nguyên, đặc biệt viết cả văn tế như: Văn tế xuân kỳ thu lệ từ đường Võ tộc Đại An, Văn tế Tổng đốc Võ Duy Ninh, Văn tế giỗ Tổ Hùng Vương, Văn tế đại thi hào Nguyễn Du. Ông có bài thơ "Vui cùng thơ phú", dẫu biết rằng: Thơ phú là tội trời đày/ Say sưa cái chữ loay hoay đồng tiền". Nhưng không vì thế mà ông suy giảm niềm say mê văn chương: "Ví dầu dạ xót túi vơi/ Vần điệu, đối ngẫu... mà vui kiếp nghèo!".
Ông Võ Duy Chúc trong vườn nhà. |
Tôi đặc biệt ấn tượng những ghi chép chân thực của Võ Duy Chúc về quê hương ông. Là người tuổi cao, ông đã chứng kiến, nghe biết rất nhiều người, nhiều việc. Ông ghi chép rất kỹ cuộc sống của người dân quê Đại An xưa. Đặc biệt đình làng Đại An đã khắc sâu trong tâm khảm của ông, với ghi chép khá sinh động, từ cảnh quan của đình đến các sinh hoạt lễ hội ở đó, cũng như sự kiện thanh niên cắm trại tại vườn đình trong kháng chiến chống Pháp và đình bị đổ do máy bay Pháp bắn phá ra sao.
Bên cạnh viết lách, tạc tượng, Võ Duy Chúc còn vẽ khá nhiều tranh. Trong số các bức tranh ấy, tôi cũng lại chú ý đến bức quan cảnh ngôi đình Đại An mà ông gọi là “hồi họa” (vẽ phục hồi theo trí nhớ). Ông nhớ đến từng chi tiết ngôi đình, với cổng đình, chánh điện, nhà hội, nhà tự ở hai bên. Những bức vẽ cũng như ghi chép bằng văn tự như vậy của ông thật đáng quý, bởi nó giúp ta tìm hiểu cặn kẽ cuộc sống cũng như sinh hoạt văn hóa xưa kia của một làng quê.
Trở lại với bức tượng Võ Duy Ninh, theo như anh em văn nghệ sĩ nhận xét, ông sáng tác tượng khá chuẩn, khá điêu luyện. Hỏi ông học vẽ, học điêu khắc ở đâu, ông bảo tự học. Tự học mà làm được đến như vậy kể cũng đáng khâm phục. Ông có một thiên tư nghệ thuật bẩm sinh từ nhỏ và đến tuổi “U90” vẫn giữ niềm say mê như thời tuổi trẻ.
Bài, ảnh: CAO CHƯ