(Báo Quảng Ngãi)- Cuốn tiểu thuyết "Điện Biên Phủ - Bản hùng ca chiến thắng" (Nhà xuất bản Hồng Đức ấn hành năm 2022) của nhà sử học, nhà văn Cao Văn Liên là tiểu thuyết lịch sử viết theo thi pháp của thể loại tiểu thuyết phi hư cấu, tái hiện lịch sử nước nhà một cách rõ nét.
Trong tiểu thuyết "Điện Biên Phủ - Bản hùng ca chiến thắng", tác giả tái hiện các sự kiện lịch sử nước nhà từ sau Cách mạng Tháng Tám 1945 đến những ngày kháng chiến chống Pháp, khi “Chủ tịch Hồ Chí Minh kêu gọi toàn dân Việt Nam đứng dậy” để “tiến hành một cuộc chiến tranh toàn dân, toàn diện, lâu dài”. Đó là những chiến công trong các trận chiến đấu mà chính người Pháp đã thú nhận sự thất bại thảm hại của họ như Chiến dịch Việt Bắc, Thu Đông năm 1947: “Chúng ta chủ động mở chiến dịch Việt Bắc nhằm bắt sống đầu não của Việt Minh, nhanh chóng kết thúc chiến tranh, nhưng thất bại trong chiến dịch này làm phá sản chiến lược đánh nhanh, thắng nhanh của chúng ta, buộc ta bị động”.
Hay như Pháp thừa nhận trong Chiến dịch Biên Giới, 1950: “Chúng ta đã tổn thất 8.000 binh lính. Đây là tổn thất chưa từng có trong lịch sử xâm lược thuộc địa của Pháp suốt từ thế kỷ XIX cho đến nay”; rồi đến thất bại trong Chiến dịch Trung Du tháng 12/1950, các chiến dịch Tây Bắc...
Những thất bại liên tiếp đã khiến thực dân Pháp tập trung toàn lực cho việc xây dựng cứ điểm Điện Biên Phủ để chống lại Việt Minh nhằm đặt ách đô hộ lâu dài ở nước ta cũng như các nước Đông Dương. Điều đó đã được thể hiện qua thái độ và ý nghĩ của tướng Navarre, khi ông ta phát hiện ra cứ điểm Điện Biên Phủ: “Navarre vừa bê cốc uống, vừa dùng gậy dò trên bản đồ và dừng lại ở Điện Biên Phủ, giây lát sau Navarre vỗ vào bao súng ngắn đeo bên hông một cách khoái trá: - Tìm ra rồi, Điện Biên Phủ, phải biến Điện Biên Phủ trở thành cứ điểm hầm ngầm kiên cố với những phương tiện vũ khí hiện đại sẽ là cái bẫy để nhử quân đội Việt Minh tới sập bẫy mà tiêu diệt 6 đại đoàn hiện có của họ".
Navarre, vị tướng thường “uống rượu” và ngồi “phòng lạnh”, ít khi lặn lộn gió sương, nơi chốn sa trường như các tướng lĩnh trong quân đội Việt Minh, có ngờ đâu: Cứ điểm Điện Biên Phủ mà ông ngỡ rằng sẽ là căn cứ địa bất khả xâm phạm, không bao lâu đã trở thành “mồ chôn” binh lính Pháp.
Bi kịch “vỡ mộng” ấy đã được Cao Văn Liên thể hiện khá sinh động qua lời kêu gọi đầu hàng của tướng De Castries: “De Castries khuôn mặt phờ phạc, tay run run cầm bộ đàm nói: - Điện Biên Phủ đã thất thủ, tôi - Thiếu tướng De Castries ra lệnh cho binh lính Pháp ở tất cả các cứ điểm ngừng chống cự, buông súng đầu hàng” . Và, khi Tạ Quốc Luật, Quân đội Việt Minh yêu cầu: “Ngài hãy nói với tướng Navarre, Điện Biên Phủ đã thất thủ, ngừng tất cả các cuộc ném bom đi. De Castries nói: - Thưa ngài, tôi đã làm điều đó cách đây 10 ngày rồi. Đó là ngày 7 tháng 5 năm 1954, lá cờ “quyết chiến quyết thắng” đã cắm trên nóc hầm Sở chỉ huy tập đoàn cứ điểm, lá cờ tung bay theo gió mùa hè mang niềm vui chiến thắng”.
Chiến thắng Điện Biên Phủ, dưới nhãn quan của nhà sử học, nhà văn Cao Văn Liên không chỉ có ý nghĩa về mặt lịch sử vì kết thúc cuộc xâm lược của đế quốc Pháp ở Việt Nam và toàn cõi Đông Dương: “là khúc tráng ca chiến thắng chung của các dân tộc thuộc địa Châu Á, Châu Phi”, mà chiến thắng này còn cứu rỗi “bao nhiêu sinh mạng của thanh niên Pháp đã nằm lại nơi viễn xứ xa xôi này. Họ mong muốn sớm được về Pháp gặp lại cha mẹ, anh em, vợ con”. Đây cũng là cái nhìn có tính nhân bản sâu sắc trong "Điện Biên Phủ - Bản hùng ca chiến thắng" của nhà văn, nhà sử học Cao Văn Liên. Chiến tranh là điều nhân loại không ai muốn. Để bảo vệ độc lập, tự do, chủ quyền cho đất nước, chúng ta buộc phải cầm súng chống quân xâm lược. Và, để có được những giá trị thiêng liêng này, dân tộc ta đã hy sinh biết bao xương máu.
Chiến thắng Điện Biên Phủ trong cảm quan của Cao Văn Liên là sự kết tinh của lòng yêu nước, ý chí chiến đấu của biết bao thế hệ người Việt Nam được tổng kết qua cảm thức của vị Đại tướng huyền thoại Võ Nguyên Giáp: “Đêm đã khuya. Mường Phăng rừng núi đêm hè gió đưa xào xạc. Đại tướng vẫn không ngủ được, trận chiến khốc liệt đã im tiếng súng. Trong ký ức của Đại tướng hiện ra những trang lịch sử chống Pháp từ năm 1858 đến nay, biết bao lịch sử anh hùng đã không tiếc thân mình hy sinh để mong bảo vệ và giải phóng đất nước khỏi ách đô hộ của ngoại bang. Chỉ tiêu biểu thôi thì sử sách đã không kể hết.
Từ Nguyễn Trung Trực, Trương Công Định, Tôn Thất Thuyết, vua Hàm Nghi, Nguyễn Tri Phương, Hoàng Diệu, Phan Đình Phùng, Đinh Công Tráng, Phạm Bành, Nguyễn Thiện Thuật, Hoàng Hoa Thám, Nguyễn Thái Học, Trần Phú, Nguyễn Văn Cừ, Lê Hồng Phong, Ngô Gia Tự, Nguyễn Thị Minh Khai, Nguyễn Thị Minh Thái, Hoàng Văn Thụ... Tất cả như đang hội tụ về tạo nên sự thiêng liêng anh hùng của Điện Biên Phủ”. Vì Vậy, trong tâm thức lịch sử của Đại tướng Võ Nguyên Giáp: “Điện Biên Phủ không chỉ là mốc son ghi võ công hiển hách, chói lọi của dân tộc mà còn là trả được mối hận 96 năm nay của các bậc tiên liệt anh hùng, là khúc ca khải hoàn lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu, cổ vũ các dân tộc Á - Phi đứng dậy lật đổ chế độ thuộc địa bạo tàn, giành độc lập cho dân tộc”.
Đọc tác phẩm "Điện Biên Phủ - Bản hùng ca chiến thắng" trong những ngày cả nước kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, chúng ta càng thêm tự hào về chiến công hiển hách của dân tộc trong cuộc chiến chống giặc ngoại xâm, đồng thời nhận thức rõ trách nhiệm trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc ngày nay.
THIỆN MỸ