(Báo Quảng Ngãi)- Nhà thơ Thanh Thảo đã ra mắt tác phẩm “Những chân dung muôn màu” (NXB Văn học, 2022). Qua tác phẩm, nhà thơ phác họa hình ảnh của những văn nghệ sĩ mà anh có dịp tiếp xúc.
Hồi ở Quy Nhơn khoảng năm 1984, tôi tình cờ thấy nhà thơ Thanh Thảo với vóc dáng lỏng khỏng đạp chiếc xe đạp cà tàng, chở một ông già nhỏ thó ngồi lệch một bên. Một hình ảnh có phần hơi hài hước, nhưng để lại ấn tượng không quên trong tôi. Tôi nhận ra người ngồi sau là nhạc sĩ Văn Cao, tác giả Quốc ca Việt Nam. Vậy là chiếc xe cà tàng của anh chở cả một “di sản quốc gia”! Nhà thơ Thanh Thảo là người quảng giao, tình cảm luôn rộng mở, từ thời chiến ở Trung ương Cục miền Nam đã tiếp xúc với nhiều văn nghệ sĩ, đến hòa bình thì “nối vòng tay lớn” với biết bao văn nghệ sĩ trong Nam ngoài Bắc, thời đổi mới, mở cửa và hội nhập còn có những kết nối trên cơ sở tình đất nước và tình nghệ sĩ với văn nghệ sĩ Việt Nam ở nước ngoài. Anh đã viết về từng người trong họ, và mới đây anh ra mắt tác phẩm “Những chân dung muôn màu” (NXB Văn học, 2022).
Ở “Những chân dung muôn màu”, anh trân trọng đặt lên đầu tác phẩm bài “Câu chuyện về một người khách tự do” viết về lãnh tụ Hồ Chí Minh (với bài thơ “Nhập Tĩnh Tây huyện ngục” trong tập “Ngục trung nhật ký”). Bạn đọc dễ dàng nhận ra những gương mặt thân quen trong làng văn nghệ Việt Nam, từ thời trước Cách mạng Tháng Tám như Văn Cao, Xuân Diệu, Tế Hanh, Vũ Đình Liên, Yến Lan, Nguyễn Viết Lãm, thời kháng chiến chống Pháp như Nguyễn Đình Thi, Vũ Cao, Hữu Loan, Nguyễn Thế Vinh, Phạm Tuyên, thế hệ chống Mỹ cùng thời với tác giả như Nguyễn Trung Đức, Nguyễn Trọng Tạo, Ngô Thế Oanh, Thái Bá Lợi, Trúc Thông, Ý Nhi, ở vùng đô thị miền Nam thời chiến tranh thì có Trịnh Công Sơn, Hữu Đạo, Ngô Kha... Anh viết về người ra chỉ thị “Ăn một củ mì luộc cũng nhớ tới người sau” để nói lên phẩm chất bình dị, cao quý của nhà cách mạng tiền bối Trần Kiên. Sách cũng có bài về “mãi võ Sơn Đông Hàn Phi Quang”, về thầy giáo Đỗ Đình Truật đi tìm mộ Hồ Quý Ly, giáo sư Ngô Bảo Châu với thành tựu toán học, ca sĩ nghiệp dư Hoàng Trang “người hát nhạc Trịnh Công Sơn ở thời đại mới”. Có lẽ đó là những trường hợp đặc biệt, ngoại lệ, còn phần nhiều là tập hợp các bài viết về các văn nghệ sĩ.
Tại sao Thanh Thảo đặt tựa cho tác phẩm của mình là “Những chân dung muôn màu”? Thiển nghĩ anh muốn nhấn mạnh đến cá tính riêng của mỗi người, và những cá tính ấy khiến văn nghệ không đơn điệu, trở nên phong phú, đa sắc. Tôi nhớ có lần một nhà giáo khá nổi tiếng ở nước ta từng nói rằng thật là chán nếu trên đời này ai cũng giống ai. Xã hội là sự hợp thành của những cá nhân “mỗi người mỗi vẻ”. Văn nghệ sĩ càng cần phải có nét riêng, không nên lặp lại nhau. Như Khánh Ly hát nhạc Trịnh Công Sơn, nếu các ca sĩ khác cũng hát nhạc Trịnh, chất giọng giống hệt Khánh Ly, thì chỉ cần một Khánh Ly là đủ. Viện sĩ Liên Xô M. B. Khrapchenko năm 1970 có tác phẩm khá nổi tiếng mang tiêu đề “Cá tính sáng tạo của nhà văn và sự phát triển văn học”. GS Nguyễn Đăng Mạnh có tác phẩm: “Nhà văn, tư tưởng và phong cách”. Cá tính, phong cách riêng không chỉ tất yếu mà còn cần thiết, đó là sự khẳng định, cũng là đóng góp của từng cá nhân văn nghệ sĩ trong thế giới văn học nghệ thuật.
Trong cuốn sách của mình, đôi khi nhà thơ Thanh Thảo không đề cập đến tác phẩm khi viết về một văn nghệ sĩ, mà chú ý đến một nét, một khoảnh khắc nào đó trong tính cách, lối cư xử, thói quen sinh hoạt của người nghệ sĩ trong một cảnh huống cụ thể. Như nhà thơ Hữu Thỉnh luôn giữ được điềm tĩnh. Nhà thơ Xuân Diệu thích ẩm thực và ăn ngon để đáp lại thịnh tình của người làm bếp. Thi sĩ trí thức Ngô Thế Oanh lại thích đi bộ và “dị ứng” với điện thoại di động lẫn máy vi tính...
Toàn bộ tác phẩm toát lên một điều, điểm chung của các văn nghệ sĩ đích thực là tuy nghèo nhưng đều giàu lòng thương người, yêu quê hương, đất nước một cách nồng nàn, và cũng chính vì thế mà họ dễ cảm thông, chia sẻ với nhân dân và chia sẻ với nhau. Đọc “Những chân dung muôn màu”, bạn đọc sẽ thấy nhạc sĩ Trịnh Công Sơn ở Huế và nhóm nhà văn ở trại viết Đà Nẵng từng đi tàu chợ, đi xe “hành... khách”, vượt đèo Hải Vân để đến với nhau, chén tạc chén thù bằng rượu đế… Một ông Nay Nô người Ê Đê, “nhà văn của một bút ký” sau kháng chiến trở về Đắk Lắk, đãi anh em xa đến rất thịnh tình bằng món gà ngon, tưởng khá giả lắm ai dè đều là ký nợ. Từ những gian khó như vậy sáng lên tình yêu người, yêu đất nước. Cảm động hơn là những bài viết về Trần Quang Long, Hoàng Phủ Ngọc Tường đã ra sức sáng tạo trong trạng thái vô cùng khó khăn, nguy khốn.
Trong văn học Việt Nam trước Cách mạng Tháng Tám 1945 có tác phẩm “Thi nhân Việt Nam” (xuất bản 1942) của Hoài Thanh - Hoài Chân, có “Nhà văn hiện đại” (xuất bản 1942 - 1945) của nhà văn Vũ Ngọc Phan, thời chiến tranh ở miền Nam có “Văn thi sĩ tiền chiến” (xuất bản 1969) của nhà thơ Nguyễn Vỹ, sau năm 1975 thì có “Nhà văn Việt Nam” (xuất bản 1979) của hai giáo sư văn học Phan Cự Đệ - Hà Minh Đức. Người ta gọi đó là loại sách chân dung văn học. Mỗi quyển sách có cách viết khác nhau. Với “Những chân dung muôn màu”, không thấy tác giả ghi thể tài gì, nhưng rõ ràng Thanh Thảo có cách viết của riêng anh. Có lẽ anh không mấy quan tâm về thể tài, bởi cái cuối cùng của tác phẩm văn học vẫn là sức sáng tạo và sức hấp dẫn, chinh phục bạn đọc.
Với bút pháp khá phóng khoáng linh hoạt, có khi gần với ngôn ngữ đời thường, anh phác họa hình ảnh những văn nghệ sĩ mà anh có dịp tiếp xúc. Có hình ảnh của khoảng 50 nhân vật là văn nghệ sĩ được gói ghém trong 220 trang sách, tác giả “tóm” cái nét riêng hay cái khoảnh khắc bất chợt nào đó của từng người, như những bức ký họa. Nhưng nội dung ở nhiều bài viết xem ra không đơn sơ mà là sự dồn nén. Ở đây không chỉ có nội dung đối tượng được nói đến mà còn có mối quan hệ giữa đối tượng với tác giả, lại là dịp để Thanh Thảo ngẫm nghiệm về nhân sinh, về văn chương nghệ thuật và thổ lộ nó trong lời văn. Tác phẩm thật hấp dẫn cho bạn đọc bình thường, mà cũng là văn liệu quý cho các nhà nghiên cứu, giảng dạy văn học nước ta.
CAO CHƯ