Để bài chòi mãi ngân vang

22:05, 25/06/2023
.

(Báo Quảng Ngãi)- Quảng Ngãi đang triển khai Ðề án Bảo tồn và phát huy nghệ thuật bài chòi trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2023 - 2025, định hướng đến năm 2030 nhằm phát huy, lan tỏa hơn nữa giá trị của di sản văn hóa phi vật thể bài chòi đến với đông đảo công chúng trong và ngoài tỉnh.

Hiện nay, nhiều địa phương trong tỉnh đã thành lập câu lạc bộ (CLB) dân ca - bài chòi, tạo sân chơi cho những người yêu bài chòi học hỏi, trình diễn bộ môn nghệ thuật này. 

Đam mê bài chòi

Đến Làng du lịch cộng đồng Gò Cỏ, phường Phổ Thạnh (TX.Đức Phổ), du khách có dịp đắm mình vào những làn điệu dân ca bài chòi mượt mà do các nghệ nhân bài chòi trong làng biểu diễn. Câu lạc bộ Bài chòi - hát hố làng Gò Cỏ thành lập vào tháng 5/2020 với 21 thành viên. Bà Huỳnh Thị Thương, nghệ nhân bài chòi ở làng Gò Cỏ chia sẻ, từ thuở bé, tôi lớn lên với những làn điệu bài chòi, nên thuộc lòng nhiều lời bài chòi do cha ông để lại. Bà Thương cũng đã sáng tác gần 20 bài hát mới để phục vụ người dân và du khách. Nói rồi, bà Thương ngâm nga: “Đi về Gò Cỏ mà chơi/ Nghe tiếng chim hót líu lo trên đường/ Khách đi giữa đất quê hương/ Thấm tình nặng nghĩa mến thương cho đồng bào”.

Các nghệ nhân Câu lạc bộ Bài chòi huyện Mộ Đức biểu diễn hô hát bài chòi tại TP.Quảng Ngãi nhân sự kiện Triển lãm - Hội thi - Hội chợ Sinh vật cảnh tỉnh Quảng Ngãi mở rộng năm 2023.                                            Ảnh: B.HÒA
Các nghệ nhân Câu lạc bộ Bài chòi huyện Mộ Đức biểu diễn hô hát bài chòi tại TP.Quảng Ngãi nhân sự kiện Triển lãm - Hội thi - Hội chợ Sinh vật cảnh tỉnh Quảng Ngãi mở rộng năm 2023.                                            Ảnh: B.HÒA

Cùng với bà Thương, bà Bùi Thị Vân cũng là thành viên CLB Bài chòi - hát hố làng Gò Cỏ. “Dù trải qua bao thăng trầm của cuộc sống, nhưng tình yêu với bài chòi vẫn luôn cháy trong trái tim của người dân Gò Cỏ. Chúng tôi cùng nhau  gây dựng phong trào văn nghệ, biểu diễn, sáng tác bài chòi... để phục vụ dân làng và du khách”, bà Vân bộc bạch.

Mặc dù bận rộn với công việc, bà Phạm Thị Lượng (55 tuổi), ở thôn 6, xã Đức Chánh (Mộ Đức) vẫn sắp xếp thời gian để luyện tập, tham gia biểu diễn bài chòi tại các hội diễn, liên hoan, giao lưu... Bà Lượng cùng các thành viên trong CLB Bài chòi huyện Mộ Đức viết kịch bản, lời ca mới phù hợp với chủ đề từng chương trình, sự kiện. “Hình ảnh người cô ruột là nghệ sĩ ưu tú thuộc Đoàn dân ca Liên khu 5 trước đây thường biểu diễn các làn điệu dân ca truyền thống khiến tôi cảm thấy say mê, học hỏi theo. Tôi yêu thích nghệ thuật bài chòi từ năm 16 tuổi. 

Những năm gần đây, nghệ thuật bài chòi dần được quan tâm trở lại. Điều này tạo động lực, niềm vui để chúng tôi tiếp tục gắn bó với nghệ thuật bài chòi”, bà Lượng chia sẻ. Bà Phạm Thị Kim Hạnh (50 tuổi), cũng là thành viên tích cực của CLB Bài chòi huyện Mộ Đức cho hay, khi hát bài chòi cần có độ luyến láy, ngân nga mượt mà, đổ chữ thật nhẹ để lời hát còn đọng lại trong lòng người nghe. Bài chòi khó là vì thế, nhưng khi đã thấu hiểu rồi dễ làm say lòng người vì lời ca nhẹ nhàng, sâu sắc, gần gũi.

Để thực hiện Đề án Bảo tồn và phát huy nghệ thuật bài chòi trên địa bàn tỉnh, UBND tỉnh bố trí hơn 14 tỷ đồng để sưu tầm, kiểm kê và số hóa, lưu trữ trên phương tiện công nghệ hiện đại; xây dựng và tổ chức thí điểm trình diễn nghệ thuật bài chòi phục vụ người dân và du khách tại một điểm du lịch. Cùng với đó, phục dựng thí điểm một điểm trò chơi dân gian hô hát bài chòi tại TP.Quảng Ngãi. Phấn đấu đến năm 2025, 100% địa phương trong tỉnh thành lập CLB bài chòi trực thuộc cấp huyện... Đến năm 2030, tiến tới nhân rộng mô hình tổ chức trình diễn nghệ thuật bài chòi phục vụ người dân và khách du lịch tại các điểm du lịch, phục dựng các điểm trò chơi dân gian hô hát bài chòi tại các huyện, thị xã, thành phố. Phấn đấu có 50% xã, phường, thị trấn đồng bằng và hải đảo thành lập CLB bài chòi cấp xã.
 
Bảo tồn, phát huy nghệ thuật bài chòi

Trưởng phòng VHTT huyện Mộ Đức Võ Việt Cường cho biết, huyện đã tổ chức lớp truyền dạy dân ca, hô hát bài chòi cho các cộng tác viên, giáo viên dạy nhạc và một số học sinh. Để tiếp tục phát huy, truyền dạy nghệ thuật truyền thống bài chòi, thời gian tới, ngành văn hóa tiếp tục mở lớp truyền dạy bài chòi; thành lập CLB bài chòi cấp xã, nhất là các địa phương có điểm du lịch cộng đồng.

Hiện nay, các huyện Mộ Đức, Bình Sơn, Tư Nghĩa, Nghĩa Hành, Lý Sơn và TX.Đức Phổ đã thành lập CLB dân ca bài chòi. Nhiều nghệ nhân tâm huyết đã và đang “giữ lửa” bài chòi trong đời sống đương đại.

Trên địa bàn tỉnh hiện có 1 nghệ nhân được công nhận danh hiệu “Nghệ nhân nhân dân” và 9 “Nghệ nhân ưu tú” trong lĩnh vực nghệ thuật bài chòi. Số lượng nghệ nhân, diễn viên bài chòi khoảng 150 người. Thời gian qua, ngành văn hóa và các địa phương đã có nhiều nỗ lực để gìn giữ và phát huy giá trị nghệ thuật bài chòi. Tuy nhiên, khó khăn hiện nay là số người hiểu căn bản về dân ca - bài chòi trên địa bàn tỉnh còn ít; nghệ nhân truyền dạy cơ bản về hô hát, các làn điệu dân ca bài chòi nguyên gốc, ít có sáng tác mới. Nhiều địa phương chưa khai thác hết tiềm năng của nghệ thuật bài chòi trong hoạt động phát triển du lịch. 

Giám đốc Sở VH-TT&DL Nguyễn Tiến Dũng cho biết, để giữ gìn, phát huy nghệ thuật bài chòi, sở đã xây dựng Ðề án Bảo tồn và phát huy nghệ thuật bài chòi trên địa bàn tỉnh và đã được UBND tỉnh phê duyệt. Đề án tập trung nghiên cứu, sưu tầm, đánh giá tổng thể giá trị di sản bài chòi để phát hành rộng rãi đến công chúng; đào tạo giáo viên dạy âm nhạc, người có năng khiếu ca hát thành hạt nhân hát bài chòi; hình thành và phát triển thêm các đội, nhóm, CLB hát bài chòi ở các địa phương, gắn kết nghệ thuật này với phát triển du lịch. Quảng Ngãi sẽ tổ chức truyền dạy bài chòi trong trường học thông qua việc lồng ghép vào chương trình dạy âm nhạc...

KIM NGÂN - BẢO HÒA

     

TIN, BÀI LIÊN QUAN:


 


Ý kiến bạn đọc


.