(Báo Quảng Ngãi)- Ngày xưa, trong hương ước các làng xã ở Quảng Ngãi đều có riêng một chương để viết về giáo dục, thi cử. Đó là những quy định, ưu tiên của làng đối với những người mở lớp dạy học, nho sĩ đang theo học, hay đối với những người đi thi, những người đỗ đạt...
Ngày xưa, người cao tuổi vẫn lều chõng đi thi. Ảnh: TL |
Thời nhà Nguyễn (1802 - 1945), nền giáo dục Quảng Ngãi chịu ảnh hưởng của Nho học. Ở các làng xã xưa thường không mở trường công để dạy học, mà thường chỉ có các thầy đồ, các tú tài giỏi chữ mở lớp học tại nhà để dạy cho con em trong làng. Nội dung giảng dạy chủ yếu về lễ, nghĩa, đức, trí, tín lấy trong các sách tứ thư, ngũ kinh của Nho giáo, trước thì học lễ nghĩa, sau học văn chương, thi phú. Người đi học trước tiên là học làm người, sau đó sẽ chọn những người giỏi để tham gia thi đình, thi hương, thi hội.
Sách Địa chí Quảng Ngãi ghi chép: Ở các làng xã thường có trường, lớp học do các nhà nho tự mở. Việc học Nho học đã đạt được sự phổ quát nhất định... Khoa thi đầu tiên được mở dưới Triều Gia Long năm 1807, nhưng phải đến 2 khoa thi sau (khoa Kỷ Mão 1819), tức 12 năm sau, mới có người đầu tiên ở Quảng Ngãi đỗ Hương tiến (cử nhân) là ông Trương Đăng Quế, quê ở làng Mỹ Khê, nay thuộc xã Tịnh Khê (TP.Quảng Ngãi); hay ông Nguyễn Bá Nghi, người làng Lạc Phố (Mộ Đức), đỗ cử nhân năm 1831, rồi Phó bảng khoa thi Hội năm Nhâm Thìn (1832)... đều xuất thân từ trường làng, từ lớp dạy của các thầy đồ xưa. Bởi vậy, các thầy đồ thường được hội đồng hương chức của làng trích công quỹ để hỗ trợ vật chất, được nhiều người nể trọng.
Thời xưa, Quảng Ngãi có những thầy giáo nổi tiếng, có nhiều học trò đỗ đạt như: Phó bảng Võ Duy Thành, làng An Đại (Nghĩa Hành); Tú tài Phan Thanh, làng An Nhơn (Sơn Tịnh); Tú tài Đinh Duy Tự, ở Trà Bình trại (Sơn Tịnh). Các làng có nhiều người đỗ đạt là làng Chánh Lộ, làng Ba La, làng Mỹ Khê (nay thuộc TP.Quảng Ngãi), làng Năng An (Mộ Đức), làng An Ba (Nghĩa Hành).
Sĩ tử Quảng Ngãi một thời gây tiếng vang ở các trường thi Thừa Thiên, Bình Định, với 139 người đỗ cử nhân, tiến sĩ, phó bảng, có 11 người đỗ Giải nguyên (thủ khoa thi Hương), 9 người Á nguyên. Vào năm 1851, dưới thời Vua Tự Đức, khi trường thi Bình Định mở khoa thi đầu tiên, học trò Quảng Ngãi đã đậu thủ khoa, nên dân gian có câu: “Tiếc công Bình Định xây thành/ Để cho Quảng Ngãi vào giành thủ khoa". |
Quang cảnh trường thi thời xưa. Ảnh: TL |
Ngày xưa, các nho sĩ đang đi học sẽ được làng trợ cấp vật chất như tiền, thóc, gạo, bút... Có làng dành cho nho sĩ một số ruộng công gọi là học điền, miễn giảm sưu dịch, tạp dịch của nhà nước phong kiến và của làng. Đơn cử, khoản 37 và khoản 38 trong bản Hương ước làng Phủ Lễ (Bình Sơn) viết về việc cấp tiền công nhu của làng để mua giấy, bút, mực cho sĩ tử và người nào đỗ đạt thì được lãnh thưởng. Có làng, người nào học giỏi và gắng công “dùi mài kinh sử” được miễn cả việc đi lính, nếu nhà nước phong kiến có giấy gọi đi lính thì làng phải tìm người thay thế.
Trong tài liệu lưu giữ tại nhà thờ họ Dương, ở làng An Hải (Lý Sơn) có viết: “Trong làng quy định (chỉ làng An Hải) người nào chăm chỉ học hành đỗ đạt thì được miễn lực dịch binh phần, nhưng đến 30 tuổi mà không có giấy gọi đi thi thì phải gánh vác như người thường”. Họ Dương là dòng họ có người đỗ đại khoa làm quan đến chức Tả hình bộ tên là Dương Công Duyệt.
Có làng cấm cả việc học trò phải lao động chân tay, nếu thấy họ kiếm củi, cầm cày, chăn trâu bò, hay mang vác, gánh, đội, thì bắt trở lại học và chịu phu dịch, lại phạt heo, rượu trị giá 3 quan tiền. Có làng còn quy định không được bạc đãi trẻ nhỏ, những người cùng cố, nếu gia đình nào không lo được thì giao cho tộc biểu, hay bộ phận có chức trách trong làng sắp xếp. Hương ước làng Diên Niên (huyện Sơn Tịnh) trong khoản 55 có nội dung: “Họ nào (tức tộc nào) có người nhỏ tuổi, cùng cố không ai dạy dỗ thì phải giao cho cận phòng hay tộc biểu thâu dưỡng dạy dỗ, chớ không được bạc đãi, cho khỏi lưu tán, sinh hư”...
Đối với người đi thi, làng tổ chức lễ cầu xin trong đình làng và xin trợ cấp tiền giấy, bút, mực. Đối với người đỗ đạt, làng tổ chức lễ rước, các trợ cấp dưới hình thức lễ mừng, các quyền lợi được hưởng như tiền mừng, ruộng được chia, phần biếu, vị trí ngôi thứ trong làng... tùy thuộc vào mức đỗ đạt cử nhân, tiến sĩ. Đáp lại nghĩa vụ của người đỗ đạt phải làm lễ bái tổ vinh quy, yết thần khao dân, góp sức xây dựng nước nhà. Việc khao dân, trong hương ước cũng có quy định cụ thể. Khoản thứ 1, mục thứ III của Hương ước làng Thi Phổ Nhì (Mộ Đức) quy định: “Trong làng, ai được thăng quan hay thi đậu, ai được ân thưởng sắc bằng, hay được ân thưởng thọ viên, thọ dân mà bày tiệc mừng, thời dụng đối liễn hoặc chè rượu đến chúc vui, chủ nhà dọn tiệc đãi đằng, thì không được say sưa nói lớn tiếng có lỗi”, hoặc nếu là việc hiếu sự thì chỉ người trong nhà làm lấy với nhau là đủ lễ, chớ cấm không được dựng tiệc đãi khách ngày kia sang ngày nọ, phí bậy vô ích...
VÕ MINH TUẤN