Các sắc phong ở đình Ngọc Án 

23:12, 29/05/2023
.

(Báo Quảng Ngãi)- Mới đây, có dịp về thăm đình Ngọc Án, ở phường Nghĩa Chánh (TP.Quảng Ngãi), chúng tôi mới hiểu hết những giá trị đặc biệt của các sắc phong được gìn giữ hàng thế kỷ tại đây.

Dấu xưa

Các bậc cao niên cho biết, đình Ngọc Án được xây dựng vào thời Lê Trung hưng, bên cạnh bờ nam sông Trà Khúc, giữa hai làng Ngọc Án và Đức Yên. Đến năm Thành Thái nguyên niên (1889), ngôi đình bị sạt lở và được xây mới bằng gỗ với kiến trúc truyền thống ba gian hai chái. Trải qua thời gian và chiến tranh, ngôi đình bị phá hủy hoàn toàn, chỉ còn một am thờ nhỏ. Từ trên nền ngôi đình cũ, năm 1954, người dân trong làng đã góp công, góp của dựng nên một nghĩa từ nhưng vẫn mang tên ngôi đình cổ xưa: Đình Ngọc Án.

Sắc phong ở đình Ngọc Án.    ẢNH: TẠ HÀ
Sắc phong ở đình Ngọc Án.    ẢNH: TẠ HÀ

Đình Ngọc Án gồm gian thờ chính thờ Thành Hoàng làng Trấn Quốc công Bùi Tá Hán, cùng phối thờ Bạch Mã Thái Giám, Cao Các, Đại Càn Quốc gia Nam Hải, Tả ban, Hữu ban, Đông hiến, Tây hiến, âm hồn cô hồn và ban thờ Hội đồng. Đặc biệt, có 16 sắc phong từ Triều Lê Trung hưng đến Triều Nguyễn trải qua các đời Vua Cảnh Hưng (Lê Hiển Tông), Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức, Đồng Khánh, Thành Thái, Duy Tân, Khải Định đang được lưu giữ và thờ tại đình. Điều này góp phần khẳng định uy tín, địa vị của làng trong cộng đồng làng xã và triều đình lúc bấy giờ.

Di sản quý của làng 

Ông Lê Chinh Nhân (76 tuổi), ở phường Nghĩa Chánh (TP.Quảng Ngãi), Trưởng ban Tế tự làng Ngọc Án, là người đã dành nhiều thời gian, công sức để tìm ra giá trị của những sắc phong sau hàng chục năm bị quên lãng. Vốn đam mê lịch sử, văn hóa, nhất là các câu chuyện xưa của làng, ông Nhân đã mày mò đọc, dịch những con chữ cổ xưa. Sau gần 6 tháng, bản dịch được hoàn chỉnh. Các sắc phong là tài sản quý, phản ánh một giai đoạn lịch sử Việt Nam với những điển lệ thờ thần, ban tước, truy phong của các triều đại phong kiến từ Nhà Hậu Lê đến Triều Nguyễn cho các vị thần được thờ tự tại đình Ngọc Án.

Đây là nhóm sắc phong cấp cho các vị nhân thần (Dương thần). Trong đó, chiếm số lượng, niên hiệu sớm nhất truy phong cho Bắc quân đô đốc Phủ chưởng phủ sự Bùi Tá Hán, với 8 sắc phong vào các năm 1767, 1822, 1843, 1849, 1879, 1886, 1924. Ông là người có công đầu trong việc khai phá vùng đất Quảng Ngãi vào thế kỷ XVI. Năm Cảnh Hưng thứ 28 (1767), Vua Lê Hiển Tông ghi rõ công đức của Trấn Quốc công Bùi Tá Hán: “Thường làm phước cho nước, nhân ái với dân. Đến nơi tiền sở, cầu đặng mở mang nghề nông, linh ứng khắp phương. Xin theo trông giữ, mở rộng địa đồ nơi cõi mới, ân đức lớn lao được tặng Tôn thần”. 

Đến năm Khải Định thứ 9 (1924), ngài được vua ban mỹ tự Trác vĩ, bậc Thượng đẳng thần. Cùng được xếp vào loại Dương thần là Kỷ Mùi Khoa Tiến sĩ Phi Vận tướng quân Tùng Giang Văn Trung (Nguyễn Phục), được Vua Thành Thái ban cho mỹ tự Quang ý, bậc Trung đẳng thần vào năm Thành Thái thứ 2 (1890). Cùng năm này, Triều Nguyễn gia phong cho Bổn xứ Thành Hoàng và các thần khác được phối thờ tại đình bậc Thượng đẳng thần và các mỹ tự khác nhau như: Thần Bạch Mã Thái Giám (ngựa thần dùng cho thần đi lại) mỹ tự Hàm quang; thần Cao Các (thần Núi) mỹ tự Trác vĩ; Đại Càn quốc gia Nam Hải mỹ tự Trang huy.

Ngoài đối tượng thờ chính là Thành Hoàng làng, tiền hiền, hậu hiền, đình Ngọc Án còn thờ Sơn thần, Thủy thần, tạo nên một hệ thống tín ngưỡng đa dạng gắn với môi trường sống người dân khu vực ven sông Trà Khúc.

Cần được xếp hạng di tích cấp tỉnh
 
Đình Ngọc Án là ngôi đình cổ với những giá trị lịch sử gắn với sự hình thành của vùng đất Quảng Ngãi. Những sắc phong được lưu giữ ở đình rất có giá trị về mặt tư liệu lịch sử, tư liệu Hán Nôm. Những nghi lễ ở đình đến nay vẫn còn tiếp nối qua nhiều thế kỷ. Các cơ quan chức năng cần đưa đình Ngọc Án vào danh mục kiểm kê và xếp hạng di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh để kịp thời gìn giữ các giá trị di sản ở đình làng.  

 

TẠ HÀ

 


 


Ý kiến bạn đọc


.