Sát cánh cùng người nghèo

09:36, 13/05/2024
.
(Báo Quảng Ngãi)- Thực hiện Chương trình Mục tiêu Quốc gia (MTQG) giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025, thời gian qua, huyện Tư Nghĩa tăng cường huy động và lồng ghép các nguồn lực để hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo vay vốn đầu tư trồng trọt, chăn nuôi, phát triển kinh tế gia đình. 

Hỗ trợ sinh kế

Kết thúc vụ đông xuân năm 2023 - 2024, ông Nguyễn Trung (55 tuổi), ở thôn Hải Môn, xã Nghĩa Hiệp (Tư Nghĩa) lo chất rơm rạ dự trữ, trồng cỏ lai chăm sóc bò. Ông Trung cho biết, năm 2023, thông qua Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững, gia đình tôi được xã hỗ trợ một con bò giống sinh sản. Tôi được cán bộ khuyến nông hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi nên bò phát triển tốt.

Ông Nguyễn Trung (55 tuổi) , ở thôn Hải Môn, xã Nghĩa Hiệp (Tư Nghĩa), chăm sóc bò giống sinh sản được Nhà nước hỗ trợ.
Ông Nguyễn Trung (55 tuổi) , ở thôn Hải Môn, xã Nghĩa Hiệp (Tư Nghĩa), chăm sóc bò giống sinh sản được Nhà nước hỗ trợ.

Phó Chủ tịch UBND xã Nghĩa Hiệp Phạm Văn Tân cho biết, đa số người dân trên địa bàn xã sinh sống bằng nghề trồng trọt, chăn nuôi. Làm nông nghiệp có năm được mùa, năm mất mùa nên nhiều hộ rơi vào hoàn cảnh khó khăn. Từ nguồn vốn hơn 200 triệu đồng của Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững, xã xét hỗ trợ 10 con bò giống sinh sản cho những hộ nghèo, cận nghèo và hộ có hoàn cảnh khó khăn. Đến nay, cả 10 con bò sinh sản được hỗ trợ đều phát triển tốt. Năm 2024, xã tiếp tục đề xuất chương trình hỗ trợ bò cho 13 hộ nghèo chăn nuôi, phát triển kinh tế gia đình. 

Còn tại xã Nghĩa Thắng, từ năm 2022 đến nay, địa phương đã hỗ trợ bò giống sinh sản cho 15 hộ nghèo, hộ cận nghèo. Số bò này phát triển tốt, mở ra nhiều triển vọng cho hộ dân thoát nghèo. 

Phát triển mô hình giảm nghèo  

Trưởng phòng LĐ-TB&XH huyện Tư Nghĩa Trần Nam Giang cho biết, toàn huyện có hơn 90% dân số làm nông nghiệp. Đời sống người dân còn nhiều khó khăn. Ngoài đẩy mạnh tuyên truyền về các chế độ chính sách của Đảng và Nhà nước đến với người dân, huyện Tư Nghĩa chú trọng hỗ trợ các phương thức sản xuất giúp người dân vươn lên thoát nghèo, nhất là hỗ trợ kinh phí để người dân có điều kiện sản xuất, chăn nuôi. Trong 2 năm (2022 - 2023), thông qua Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững, huyện đã hỗ trợ hơn 10 tỷ đồng cho hộ nghèo, cận nghèo. Trong đó, vốn Nhà nước hỗ trợ gần 7,5 tỷ đồng, vốn người dân tham gia đóng góp gần 3 tỷ đồng. Kết quả, có hơn 200 hộ nghèo, cận nghèo được hỗ trợ chăn nuôi bò, heo sinh sản, bước đầu mang lại kết quả khả quan.

Từ năm 2022 đến nay, huyện Tư Nghĩa đầu tư trên 10,4 tỷ đồng thực hiện dự án “Đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo”. Nhiều mô hình giảm nghèo theo chuỗi giá trị chăn nuôi bò, heo sinh sản và lấy thịt được triển khai. Qua đó, có 65 hộ nghèo, hộ cận nghèo, phụ nữ, đồng bào dân tộc thiểu số thực hiện mô hình mang lại hiệu quả và có nhiều hộ đã thoát nghèo.

Nhờ huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc chung tay hỗ trợ hộ nghèo, cận nghèo, nên số hộ nghèo trên địa bàn huyện Tư Nghĩa giảm qua từng năm. Đến cuối năm 2023, số hộ nghèo toàn huyện giảm còn 577 hộ (chiếm 1,45% số hộ toàn huyện); hộ cận nghèo giảm còn 1.392 hộ (3,49%). Huyện Tư Nghĩa phấn đấu đến cuối năm 2025, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 1,02%, hộ cận nghèo còn 2,38%. Phó Chủ tịch UBND huyện Tư Nghĩa Đoàn Việt Vân cho biết, thời gian tới, huyện tập trung mọi nguồn lực thực hiện giảm nghèo bền vững, hạn chế tái nghèo. Duy trì và nhân rộng các mô hình giảm nghèo hiệu quả; tập trung nguồn lực hỗ trợ xây dựng nhà ở, công trình nước sạch, vệ sinh... cho các hộ nghèo, cận nghèo. 

Bài, ảnh: A.NGUYỆT

TIN, BÀI LIÊN QUAN:

 

Xuất bản lúc: 09:36, 13/05/2024

Ý kiến bạn đọc


.