Truyền thông về giảm nghèo bền vững

22:02, 02/12/2023
.

(Báo Quảng Ngãi)- Truyền thông hiệu quả sẽ giúp hộ nghèo, hộ cận nghèo nắm bắt thông tin, mô hình hay, cách làm mới và áp dụng vào thực tế sản xuất để giảm nghèo nhanh, bền vững. 

Nâng cao nhận thức

Chúng tôi đến thăm một số gia đình tiêu biểu ở thôn Đèo Rơn, xã Sơn Hạ (Sơn Hà) đã thoát nghèo nhờ nắm bắt thông tin, tiếp cận chính sách vay vốn ưu đãi và những mô hình kinh tế phù hợp với điều kiện của địa phương. Người đã làm tốt công tác tuyên truyền này chính là Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn thôn Đèo Rơn Đinh Văn Lật. Ông Lật cũng là người có uy tín, một cựu chiến binh, với huy hiệu 50 năm tuổi Đảng.

Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn thôn Đèo Rơn, xã Sơn Hạ (Sơn Hà) Đinh Văn Lật thường xuyên đến các hộ dân trong thôn để hướng dẫn cách vay vốn ưu đãi để đầu tư phát triển các mô hình kinh tế.

Anh Đinh Văn Léo, ở thôn Đèo Rơn cho biết, tôi vừa mới bán cặp trâu thu về 40 triệu đồng. Trước đây, vợ chồng tôi không dám vay vốn vì không biết đầu tư làm gì cho hiệu quả, sợ không có tiền trả nợ. Nhờ ông Lật chia sẻ nhiều mô hình làm kinh tế phù hợp, hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi trâu, heo. Đồng thời, tạo điều kiện để gia đình vay được vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội, giúp tôi thay đổi cách thức làm kinh tế, vươn lên thoát nghèo.

Không chỉ anh Léo, ở thôn Đèo Rơn còn có hàng chục hộ nghèo, cận nghèo và gia đình chính sách được tiếp cận nguồn vốn ưu đãi để phát triển kinh tế và đã thoát được nghèo. Ông Lật làm Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn thôn Đèo Rơn từ năm 2010. Tại thời điểm ông nhận bàn giao từ người làm tổ trưởng trước, dư nợ tín dụng chính sách của thôn Đèo Rơn chỉ hơn 56 triệu đồng, với 8 hộ có dư nợ. Nhờ đẩy mạnh tuyên truyền, đến nay, dư nợ tín dụng chính sách của thôn Đèo Rơn đã tăng lên gần 1,8 tỷ đồng, với 46 hộ còn dư nợ. Không những làm “cầu nối” đưa vốn đến tận tay người dân, ông Lật còn theo sát và hướng dẫn hộ vay sử dụng đồng vốn phát huy hiệu quả cao nhất để nâng cao thu nhập, vươn lên thoát nghèo bền vững.

Ông Lật chia sẻ, cái khó ở hộ nghèo, cận nghèo là bà con thiếu nguồn vốn, lại không có kinh nghiệm sản xuất, nuôi trồng, nên tôi đề xuất Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện bố trí thêm nguồn vốn, đồng thời giới thiệu các cách làm hay, mô hình giảm nghèo phù hợp theo từng hoàn cảnh hộ gia đình. Tôi rất mừng khi thấy mỗi gia đình hộ nghèo, cận nghèo vay vốn ưu đãi đều chí thú làm ăn, phát triển kinh tế gia đình, vươn lên thoát nghèo bền vững.

Đưa thông tin hữu ích đến người dân

Những năm gần đây, trên địa bàn huyện Sơn Hà đã ngày càng có nhiều mô hình kinh tế làm ăn hiệu quả, tỷ lệ hộ nghèo giảm qua từng năm. Việc luân chuyển cán bộ trẻ, có chuyên môn, kiến thức nông nghiệp về làm chủ tịch UBND các xã đã mang lại những kết quả ban đầu. Bên cạnh đó, chính quyền các địa phương cũng đã phát huy vai trò của già làng, người có uy tín, đảng viên trong việc chuyển tải những thông tin về giảm nghèo đến từng hộ dân. Từ đó, từng bước thay đổi được nhận thức của từng hộ dân, nỗ lực vươn lên, không trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước.

Trưởng phòng VH - TT huyện Sơn Hà Nguyễn Văn Thư cho biết, thực hiện dự án “Truyền thông và giảm nghèo về thông tin” trên địa bàn huyện Sơn Hà năm 2023 thuộc Chương trình Mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025, Phòng VH -TT đã phối hợp với các cơ quan báo, đài của tỉnh để đẩy mạnh truyền thông về giảm nghèo. Đặc biệt, chúng tôi đầu tư hệ thống loa truyền thanh ở các xã, hằng ngày thông tin tuyên truyền những chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước cũng như những cách làm hay trong phát triển kinh tế, gương điển hình thoát nghèo. Hoạt động đẩy mạnh tuyên truyền này sẽ giúp người dân kịp thời tiếp cận nhiều hơn các chính sách và những thông tin hữu ích để nâng cao nhận thức, chủ động thực hiện các giải pháp phát triển kinh tế gia đình, góp phần giảm nghèo bền vững.

Bài, ảnh: AN NHIÊN

TIN, BÀI LIÊN QUAN:

 

Xuất bản lúc: 22:02, 02/12/2023

Ý kiến bạn đọc


.