Phát triển mô hình kinh tế tổng hợp

16:52, 06/12/2023
.

(Báo Quảng Ngãi)- Vợ chồng ông Trần Quang Thắng (49 tuổi), ở thôn Chú Tượng, xã Đức Hiệp (Mộ Đức) đã triển khai thực hiện mô hình kinh tế tổng hợp và đã mang lại hiệu quả kinh tế cao. 

Để phát huy hiệu quả đất đai sẵn có, vợ chồng ông Trần Quang Thắng tìm hướng phát triển mô hình kinh tế phù hợp. Cách đây 5 năm, ông Thắng trồng cau để tạo cảnh quan trong khu vườn, nhờ đó gia đình có thêm nguồn thu nhập. Sau khi tìm hiểu qua báo chí và mạng xã hội, ông Thắng nhận thấy mô hình nuôi ốc bươu đen có nhiều tiềm năng phát triển. Vì vậy, đầu năm 2023, vợ chồng ông đào hai hồ nuôi ốc với diện tích 320m2. Ban đầu, vợ chồng ông mua 15 nghìn con ốc giống từ Đà Nẵng về nuôi, nhưng phần lớn ốc bị sốc nước, thiệt hại nhiều. Không ngại khó khăn, thử thách, vợ chồng ông Thắng tìm hiểu, mua ốc giống từ các hồ nuôi trên địa bàn tỉnh về nuôi. Nhờ quen với môi trường, nên số ốc này thích nghi với hồ nuôi, sinh trưởng và phát triển ổn định. “Chúng tôi vừa làm vừa học hỏi, rút kinh nghiệm để xử lý. Khi biết chúng tôi muốn thực hiện mô hình chăn nuôi, trồng trọt, chính quyền địa phương, các hội, đoàn thể, nhất là hội nông dân xã thường xuyên quan tâm, hỗ trợ về kỹ thuật nuôi. Sau 6 tháng nuôi ốc bươu đen, chúng tôi có thể lựa chọn ốc đạt tiêu chuẩn để thu hoạch”, ông Thắng cho hay.

Ông Trần Quang Thắng (giữa) giới thiệu về ốc bươu đen nuôi trong hồ của gia đình.

Ốc bươu đen là loài sống ở vùng nước sạch, nguồn thức ăn chính của ốc gồm bèo tai tượng, các loại bầu, bí, mướp. Thịt ốc bươu đen giòn, ngon, có thể chế biến thành nhiều món ăn nên được khách hàng ưa chuộng. Vừa qua, ông Thắng bán ốc bươu đen với giá 90 nghìn đồng/kg. Lượng ốc do ông Thắng thu hoạch không đủ cung ứng cho người dân và các quán ăn ở địa phương.

Sau một thời gian, vợ chồng ông Thắng đã nắm chắc kỹ thuật, làm chủ được nguồn ốc giống trong hồ nuôi của gia đình. Với diện tích hai hồ nuôi, vợ chồng ông phát triển lượng ốc nuôi lên đến 50 nghìn con. Tận dụng diện tích trống trên mặt hồ, vợ chồng ông làm giàn trồng các loại bầu, bí... để che mát và có nguồn thức ăn cho ốc. Từ khoảnh đất thừa sau khi đào hồ nuôi ốc, vợ chồng ông đắp nền cao để làm chuồng trại nuôi heo, gà, vịt. Hiện nay, vợ chồng ông nuôi 100 con gà, 1.000 con vịt lấy trứng, 8 con heo nái và 25 con heo thịt. Để đảm bảo cho đàn vật nuôi trong mùa mưa lũ, vợ chồng ông làm sàn và cầu thang lắp ráp để chủ động đưa đàn vật nuôi lên cao khi có lũ, làm bể lọc để có nước sạch cho heo uống.

Từ mô hình của vợ chồng ông Thắng, các hộ dân ở địa phương đã học hỏi, nhân rộng để phát triển kinh tế gia đình. Việc phát triển tập trung các mô hình kinh tế nông nghiệp không chỉ giúp hỗ trợ, chia sẻ kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt, mà còn góp phần hình thành khu vực liên kết sản xuất, tiêu thụ ở vùng nông thôn.

Bài, ảnh: HUỲNH THẢO

TIN, BÀI LIÊN QUAN:

 

Xuất bản lúc: 16:52, 06/12/2023

Ý kiến bạn đọc


.