Trước đây, bà Lê Thị Cúc (68 tuổi), ở thôn An Mô, xã Đức Lợi (Mộ Đức), cùng chồng vượt sông để chăn nuôi, trồng trọt ở “ốc đảo” xóm A. Những năm gần đây, do tuổi cao, bà Cúc lựa chọn cây trồng phù hợp trong vườn nhà để thuận tiện đi lại, thu hoạch. Bà Cúc cho hay, với cây rau má, tôi không phải tốn nhiều công sức làm giàn trại, chăm sóc như các loại rau màu khác. Hơn nữa, rau má được khách hàng ưa chuộng nên đầu ra và giá cả cũng ổn định hơn.
Tháng 8/2023, bà Cúc cùng với 11 hộ dân ở thôn An Mô và 5 hộ ở thôn An Tỉnh, xã Đức Thắng (Mộ Đức) tham gia lớp tập huấn về kỹ thuật trồng rau má đạt chuẩn VietGAP do Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện Mộ Đức tổ chức, đồng thời được hỗ trợ giống, phân bón. Sau khi được tập huấn, bà Cúc áp dụng kỹ thuật chăm sóc rau má đạt hiệu quả hơn so với trước đây.
Bà Lê Thị Cúc, ở thôn An Mô, xã Đức Lợi (Mộ Đức), thu hoạch rau má. |
Năm 2023, ngoài mô hình trồng rau má đạt chuẩn VietGAP, Trung tâm còn triển khai mô hình trồng dưa hấu đạt chuẩn VietGAP tại các xã Đức Minh, Đức Phong quy mô 3ha, với hai hộ dân tham gia. Nhờ thực hiện tốt quy trình kỹ thuật sản xuất dưa hấu, nên năng suất đạt từ 33 - 34 tấn/ha, cao hơn so với mục tiêu đề ra.
Đối với mô hình hỗ trợ thuốc bảo vệ thực vật áp dụng công nghệ thiết bị bay không người lái (DRONE) thực hiện tại hai xã Đức Hòa và Đức Thắng có quy mô 40ha, trong đó nhà nước hỗ trợ hơn 60 triệu đồng, người dân đóng góp gần 70 triệu đồng. Mô hình áp dụng công nghệ DRONE không chỉ giúp tiết kiệm tiền công phun 35 nghìn đồng/sào/lần phun so với ruộng ngoài mô hình mà còn giúp người trồng lúa thay đổi tập quán sản xuất, tiếp cận và ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ. Qua đó, giảm công lao động, nâng cao hiệu quả kinh tế, đảm bảo sức khỏe cho con người, môi trường và hệ sinh thái.
Hiện nay, nhiều mô hình hiệu quả được nhân rộng trên địa bàn huyện Mộ Đức như mô hình trồng cây mãng cầu, ổi ở thôn Tây An Thượng, xã Đức Lân; mô hình trồng ổi, bưởi, mít ở thôn 4, xã Đức Chánh; mô hình trồng rau an toàn ở các xã Đức Minh, Đức Thạnh; mô hình nuôi trùn sản xuất phân hữu cơ ở xã Đức Minh; mô hình trồng khoai sọ quy mô 3ha ở xã Đức Minh... Đây là các mô hình phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, nhu cầu và khả năng sản xuất của người dân, có đầu ra ổn định.
Trong thời gian đến, để phát huy và nhân rộng các mô hình hiệu quả, Trung tâm tiếp tục phối hợp cùng các cơ quan chuyên môn của tỉnh, huyện đẩy mạnh chuyển giao nhanh các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, nhất là đẩy mạnh tập huấn, nâng cao năng lực sản xuất cho nông dân, các tổ hợp tác, hợp tác xã nông nghiệp. Đồng thời, chủ động phối hợp với các địa phương, hội đoàn thể lựa chọn các mô hình phù hợp, có thị trường tiềm năng, tạo được chuỗi liên kết sản xuất để thực hiện. Tiếp tục xây dựng các mô hình trình diễn sản xuất mang tính chất đa canh và bền vững, theo tiêu chuẩn VietGAP, tăng quy mô gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp.
Bài, ảnh: HUỲNH THẢO
TIN, BÀI LIÊN QUAN: