(Báo Quảng Ngãi)- Huyện Mộ Đức luôn chú trọng công tác đào tạo nghề gắn với nhu cầu, điều kiện thực tế của lao động nông thôn. Đây là một trong những giải pháp thiết thực giúp thực hiện tốt công tác giảm nghèo bền vững.
Học viên thực hành pha chế đồ uống tại lớp dạy nghề do UBND huyện Mộ Đức phối hợp với Trường Cao đẳng Công thương TP.Hồ Chí Minh cơ sở Quảng Ngãi tổ chức. Ảnh: PV |
Hộ gia đình bà Nguyễn Thị Nhanh, ở thôn Tú Sơn 1, xã Đức Lân (Mộ Đức), thuộc diện hộ nghèo. Bà Nhanh một mình nuôi 2 đứa con, thu nhập chủ yếu dựa vào mấy sào ruộng. Năm 2022, bà Nhanh được địa phương tạo điều kiện tham gia lớp học nghề chăn nuôi gia súc, gia cầm và được hỗ trợ 50 con gà giống. Sau lớp học, bà Nhanh nắm kỹ thuật chăm sóc đàn gà, chủ động áp dụng vào việc chăn nuôi của gia đình. Bà còn mạnh dạn mở rộng quy mô chăn nuôi với hơn 100 con gà và 3 con bò. Từ đó, kinh tế gia đình bà Nhanh cải thiện rõ rệt.
Gia đình chị Trần Thị Thúy Lâm, ở thôn 7, xã Đức Nhuận (Mộ Đức), cũng là hộ nghèo. Chồng chị Lâm bị tai nạn, mất sức lao động. Chị Lâm đau ốm thường xuyên, nhưng phải chật vật lo toan cho gia đình. Đầu năm 2023, chị tham gia học lớp dạy nghề pha chế đồ uống do UBND huyện Mộ Đức phối hợp với Trường Cao đẳng Công thương TP.Hồ Chí Minh cơ sở Quảng Ngãi tổ chức.
“Trước đó, tôi được hội LHPN xã, hội LHPN huyện hỗ trợ xe nước mía. Tôi còn được tham gia lớp học nghề pha chế, để mở bán thêm đồ uống như nước ép trái cây, trà sữa, cà phê... mang lại nguồn thu nhập cho gia đình”, chị Lâm chia sẻ.
Mới đây, UBND huyện Mộ Đức phối hợp với Trường Cao đẳng Công thương TP.Hồ Chí Minh cơ sở Quảng Ngãi tiếp tục tổ chức lớp kỹ thuật chế biến món ăn hệ đào tạo thường xuyên tại xã Đức Minh. Sau khi kết thúc khóa học, các học viên có thể tự chế biến món ăn từ thông thường đến nâng cao để tạo việc làm, tăng thu nhập cho gia đình.
Thực hiện Chương trình Mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025, từ năm 2022 đến nay, huyện Mộ Đức đã mở 4 lớp đào tạo nghề cho lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và hộ có mức sống trung bình trên địa bàn huyện. Để các lớp dạy nghề phát huy hiệu quả, ứng dụng phù hợp vào thực tiễn, huyện Mộ Đức chỉ đạo các phòng, ban, ngành, đoàn thể phối hợp với các xã, thị trấn khảo sát nhu cầu học nghề của lao động nông thôn để xây dựng kế hoạch mở các lớp đào tạo.
Trưởng phòng LĐ-TB&XH huyện Mộ Đức Lê Tuấn Tiến cho hay, người lao động được lựa chọn những ngành, nghề phù hợp với điều kiện thực tế của bản thân và gia đình. Các lớp đào tạo nghề đã góp phần nâng cao kiến thức, trình độ tay nghề cho lao động, giúp phát triển ngành nghề, mang lại nguồn thu nhập ổn định, cải thiện đời sống. Dự kiến từ nay đến cuối năm, huyện tổ chức các lớp đào tạo nghề về trồng rau an toàn, trồng bắp sinh khối nhằm phát triển trồng trọt, tiêu thụ nông sản ở địa phương.
H.THẢO - T.SƯƠNG
TIN, BÀI LIÊN QUAN: