Sơn Tịnh: Nhiều mô hình kinh tế hiệu quả

16:34, 22/11/2023
.

(Báo Quảng Ngãi)- Nhiều hộ gia đình ở huyện Sơn Tịnh đã thực hiện hiệu quả các mô hình phát triển kinh tế, góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống. 

Nuôi ốc bươu đen cho thu nhập khá

Sau một thời gian làm việc ở TP.Hồ Chí Minh, năm 2019, Nguyễn Văn Trường (35 tuổi), ở thôn Khánh Mỹ, xã Tịnh Trà, về quê làm cơ khí. Dù có mức lương ổn định nhưng với sức trẻ, anh Trường ấp ủ nhiều ý tưởng, mô hình kinh tế để vươn lên làm giàu.

“Tôi xuất thân từ gia đình nông dân nên luôn mong muốn phát triển các mô hình nông nghiệp có hiệu quả kinh tế cao. Sau thời gian dài tìm hiểu, nghiên cứu, giữa năm 2022, tôi quyết tâm đầu tư nuôi ốc bươu đen. Đây là mô hình không tốn nhiều chi phí đầu tư, ít công chăm sóc, đầu ra ổn định”, anh Trường cho biết.

Anh Nguyễn Văn Trường, ở thôn Khánh Mỹ, xã Tịnh Trà (Sơn Tịnh), có nguồn thu nhập khá từ mô hình nuôi ốc bươu đen.
Anh Nguyễn Văn Trường, ở thôn Khánh Mỹ, xã Tịnh Trà (Sơn Tịnh), có nguồn thu nhập khá từ mô hình nuôi ốc bươu đen.

Thời gian đầu mới nuôi, anh Trường tìm mua giống ốc ở tỉnh Bình Định và chỉ nuôi khoảng 10m2 mặt nước. Ngay từ vụ nuôi đầu tiên, anh Trường đã thất bại khi ốc chết hàng loạt. Không nản lòng, anh vẫn kiên trì thực hiện mô hình nuôi ốc. Sau một thời gian hiểu rõ đặc tính của ốc và cách vệ sinh ao, xử lý nguồn nước, hạn chế dịch bệnh, đầu năm 2023, anh Trường tự tin mở rộng diện tích nuôi trên 500m2.

Anh Trường chia sẻ, ốc dễ nuôi nhưng phải nắm rõ kỹ thuật, quá trình phát triển của chúng thì mới nuôi thành công. Ốc bươu đen thường sẽ phát triển nhanh hơn khi nuôi ở ao đất. Tôi làm cả hai loại ao, ao xây xi măng lót bạt dành để nuôi ốc bươu đen sinh sản, dễ kiểm soát hơn, còn ốc thịt sẽ nuôi ở ao đất. Ao đất được nạo vét, bổ sung khoáng, rải vôi cẩn thận, sau đó mới cho nước vào. Tầng mặt nước nuôi ốc, thả bèo, trồng hoa súng để tạo môi trường sinh thái tốt cho ốc phát triển. Mật độ nuôi không nên quá dày và phải đảm bảo nguồn nước ổn định, không ô nhiễm. 

Trung bình mỗi lứa ốc nuôi từ 3 - 4 tháng sẽ thu hoạch. Nuôi ốc bươu đen không tốn nhiều chi phí thức ăn, chủ yếu là thức ăn sẵn có, dễ kiếm như rau, cỏ, mướp, bí... nên lợi nhuận nuôi ốc khá cao. Ngoài việc tập trung nuôi ốc bươu đen thương phẩm, anh Trường còn bán ốc giống và trứng ốc. Trung bình mỗi tháng, anh xuất bán ra thị trường hơn 100kg ốc thịt, với giá bán từ 80 - 100 nghìn đồng/kg. Với hiệu quả kinh tế mà mô hình nuôi ốc bươu đen mang lại, anh Trường dự tính sẽ mở rộng quy mô, nâng diện tích nuôi thêm 500m2 mặt nước.

Bí thư Đoàn xã Tịnh Trà Lê Khánh Hòa cho biết, mô hình nuôi ốc bươu đen của anh Trường là mô hình mới, mang lại hiệu quả kinh tế cao ở địa phương. Không chỉ thanh niên ở địa phương mà nhiều thanh niên ở các xã lân cận cũng đến tham quan, học hỏi mô hình. Anh Trường nhiệt tình hướng dẫn kỹ thuật để đoàn viên, thanh niên nhân rộng mô hình này.

Phát triển kinh tế từ nuôi heo ky

Từng chăn nuôi heo, bò truyền thống như nhiều người dân ở địa phương, thế nhưng vào năm 2020, biết đến giống heo ky có sức đề kháng cao, thịt chắc, thơm ngon và ít tốn công chăm sóc lại được thị trường rất ưa chuộng nên bà Võ Thị Mai, ở thôn Vĩnh Tuy, xã Tịnh Hiệp, đã mạnh dạn chuyển đổi vật nuôi.

Bà Mai cho biết, heo ky có nguồn gốc từ heo rừng, thích sống trong môi trường hoang dã, rộng rãi nên gia đình tôi đầu tư xây trụ, rào lưới gần cây cối để thả nuôi. Thức ăn nuôi heo ky chủ yếu là nguồn thức ăn xanh, hữu cơ như bắp, chuối cây, các loại rau xanh... “Ban đầu, tôi mua gần 10 con heo ky, trong đó có 4 con nái. Trung bình mỗi năm, heo ky nái đẻ 2 lứa, với tổng số hơn 50 con. Tôi nuôi theo kiểu gối đầu, nên mỗi năm tôi xuất bán hơn 40 con heo ky thịt”, bà Mai cho biết thêm.

Đàn heo ky của bà Võ Thị Mai, ở thôn Vĩnh Tuy, xã Tịnh Hiệp (Sơn Tịnh).
Đàn heo ky của bà Võ Thị Mai, ở thôn Vĩnh Tuy, xã Tịnh Hiệp (Sơn Tịnh).

Với ưu điểm thịt heo ky thơm ngon, săn chắc, ít mỡ và được chăn nuôi theo hướng hữu cơ nên bà Mai không lo đầu ra. Trọng lượng bình quân khi heo xuất bán tầm 20 - 25kg/con, với giá bán từ 130 - 140 nghìn đồng/kg, sau khi trừ chi phí, lợi nhuận bà Mai thu về mỗi năm gần 100 triệu đồng. Với hiệu quả kinh tế từ mô hình heo ky mang lại, bà Mai dự kiến thời gian đến sẽ mở rộng thêm chuồng trại, tiếp tục nhân giống, tăng đàn để phát triển chăn nuôi, nâng cao thu nhập cho gia đình.

Triển vọng từ cây dừa xiêm lùn

Năm 2020, ông Đinh Quang Sơn, ở thôn Trà Bình, xã Tịnh Trà, mạnh dạn đầu tư số tiền lớn để cải tạo đất, chuyển đổi cây trồng không hiệu quả sang trồng dừa xiêm lùn. Ông Sơn cho biết, chăn nuôi bò thịt hơn chục con, trồng lúa, hoa màu, thu nhập cũng khá, nhưng tôi muốn phát triển các loại cây trồng mới, cho hiệu quả kinh tế cao, bền vững. Đi tham quan nhiều nơi, tôi thấy nhiều tỉnh trồng dừa xiêm lùn, loại dừa này dễ hái trái, nước và cơm dừa ngon ngọt hơn dừa thường. Đặc biệt, giống dừa này chịu được thời tiết khắc nghiệt, mưa bão ở miền Trung và phù hợp với thổ nhưỡng ở đây nên tôi tiến hành cải tạo hơn 1,2ha đất để trồng hơn 350 gốc dừa. 

Ông Đinh Quang Sơn, ở thôn Trà Bình, xã Tịnh Trà (Sơn Tịnh), thực hiện hiệu quả mô hình trồng dừa xiêm lùn.

Sau hơn 2 năm trồng, chăm sóc, đầu năm 2023, vườn dừa của gia đình ông Sơn bắt đầu cho trái. Cây dừa xiêm lùn cho trái quanh năm. Trung bình mỗi cây cho từ 200 - 250 trái/năm. Là năm đầu tiên cây ra trái nên ông Sơn chỉ để khoảng 50 trái/cây nhằm dưỡng sức cho cây phát triển. Với giá bán tại vườn dao động từ 7.000 - 10 nghìn đồng/trái, khoảng 2 năm nữa, vườn dừa phát triển ổn định, mỗi cây dừa có thể mang về lợi nhuận gần 2 triệu đồng/năm.

Chủ tịch Hội Nông dân xã Tịnh Trà Lộ Ngọc Chung cho biết, hiện nay, ở địa phương đang phát triển mô hình trồng dừa xiêm lùn với hơn 50 hộ tham gia. Cây dừa xiêm lùn dễ trồng, ít tốn công chăm sóc và cho hiệu quả kinh tế cao. Hộ ông Sơn là một trong những hộ dân tiên phong trồng dừa xiêm lùn và có vườn dừa lớn nhất ở địa phương.

Bài, ảnh: HIỀN THU

TIN, BÀI LIÊN QUAN:

 

Xuất bản lúc: 16:34, 22/11/2023

Ý kiến bạn đọc


.