Nguồn lực đầu tư còn hạn chế
Giám đốc Công ty TNHH Hương quế Trà Bồng (Trà Bồng) Nguyễn Đức Lương, chủ thể của 8 sản phẩm OCOP 3 - 4 sao cho biết, sản phẩm OCOP 4 sao có sức cạnh tranh lớn hơn rất nhiều so với sản phẩm 3 sao, doanh số bán hàng tốt hơn. Nhưng để nâng hạng sản phẩm OCOP từ 3 sao lên 4 sao phải đầu tư dây chuyền cải tiến quy trình sản xuất, đóng gói sản phẩm cũng như hoàn thiện mẫu mã bao bì... mới đáp ứng đầy đủ các tiêu chí, tiêu chuẩn. Đối với sản phẩm hàng thủ công mỹ nghệ từ vỏ quế, để nâng từ 4 sao lên 5 sao đòi hỏi chủ thể phải là DN sản xuất chuyên nghiệp, xây dựng vùng nguyên liệu ổn định, phát triển hệ thống phân phối quy mô trên toàn quốc và có sản phẩm được thị trường thế giới chấp nhận...
Khâu bảo quản sản phẩm là thách thức trong việc nâng hạng sao OCOP đối với chả mực Kitase, sản phẩm của Công ty TNHH MTV Kita (TP.Quảng Ngãi). |
Ngoài ra, một số chủ thể là DN sản xuất sản phẩm OCOP chưa đáp ứng các tiêu chí về liên kết vùng nguyên liệu, tiêu chuẩn ISO, phát triển website, xúc tiến thương mại hoặc điều kiện về xác minh tài chính 3 năm liên tiếp, hồ sơ đăng ký bảo vệ môi trường... Còn một số chủ thể là cơ sở sản xuất nhỏ hay hộ kinh doanh cá thể thì cho rằng khả năng tiêu thụ giữa sản phẩm OCOP 3 sao và 4 sao cũng không chênh lệch nhiều, nên ngại đầu tư tham gia nâng hạng. Chủ cơ sở sản xuất kinh doanh Trần Đình Tiến, xã Tịnh Kỳ (TP.Quảng Ngãi), chủ thể 2 sản phẩm OCOP 3 sao năm 2021 cho biết, từ khi được gắn sao OCOP, sức tiêu thụ của mặt hàng cá đét rim, cá cơm rim Hồng Tiến có tăng, tôi cũng tính đến chuyện đầu tư nâng hạng sao OCOP cho sản phẩm, nhưng khi tìm hiểu đối chiếu, tôi thấy sản phẩm của mình còn thiếu nhiều tiêu chí, tiêu chuẩn. Với nguồn lực hiện nay thì việc nâng hạng sao OCOP rất khó, nhất là việc mở rộng quy mô sản xuất và thị trường gặp rất nhiều khó khăn.
Các chủ thể cần sự đồng hành
Sản phẩm OCOP cấp tỉnh, ngoài việc buộc phải đánh giá, xếp hạng lại sau 36 tháng (kể từ ngày được công nhận), thì nâng hạng sao OCOP là cơ hội để chủ thể khẳng định thương hiệu và vị thế trên thị trường. Bởi sau gần 4 năm triển khai thực, chương trình OCOP dần “được lòng” người tiêu dùng phần vì đây là các sản phẩm truyền thống, nông sản chính của địa phương; phần do tin tưởng vào chứng nhận sao OCOP.
Phó Chủ tịch UBND huyện Mộ Đức Ngô Văn Thanh
|
Bò khô Thu Ba là một trong số ít sản phẩm OCOP có tiềm năng nâng hạng từ 4 sao lên 5 sao, hướng đến xuất khẩu. Ngoài lợi thế là đặc sản địa phương đã chiếm lĩnh thị trường nội địa, thì bò khô Thu Ba được Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Thu Ba (TP.Quảng Ngãi) tập trung nguồn lực đầu tư. Từ việc cải thiện quy trình sản xuất, cải tiến mẫu bao bì của sản phẩm đảm bảo tiêu chí thân thiện với môi trường, đến tăng cường xúc tiến thương mại trong nước và quốc tế. Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Thu Ba Lê Nhất Vũ cho rằng, với những quy định hiện hành thì việc nâng hạng sản phẩm OCOP từ 4 sao lên 5 sao rất khó. Vì vậy, bên cạnh sự nỗ lực của DN, cần sự hướng dẫn và đồng hành của Nhà nước trong việc hỗ trợ nguồn lực để DN đầu tư máy móc, thiết bị, hoàn thiện quy trình sản xuất, bao bì, nhãn mác và quảng bá sản phẩm...
Giám đốc Sở NN&PTNT Hồ Trọng Phương cho biết, sao OCOP thể hiện chất lượng, sức cạnh tranh của sản phẩm OCOP trên thị trường, cũng như tiềm năng phát triển sản phẩm theo hướng hàng hóa xuất khẩu. Tuy nhiên, nhiều sản phẩm OCOP 3 sao của tỉnh được người tiêu dùng và thị trường chấp nhận, có tiềm năng nâng hạng 4 sao, nhưng chưa đáp ứng các tiêu chí, như: Tổ chức sản xuất, phát triển sản phẩm, khả năng tiếp thị, khả năng xuất khẩu... Khắc phục tình trạng này, ngoài việc hỗ trợ một phần kinh phí giúp chủ thể đầu tư cải tiến nhãn mác, bao bì, tem truy xuất... cho các sản phẩm OCOP, Sở NN&PTNT tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức, chuyển đổi tư duy, tạo cảm hứng cho các cơ sở sản xuất sản phẩm OCOP mạnh dạn, chủ động trong việc nâng sao OCOP.
Bài, ảnh: MỸ HOA