(Báo Quảng Ngãi)- Ngư dân ở các xã khu đông của huyện Bình Sơn mỗi khi đi đánh bắt xa bờ phải di chuyển đến cảng Sa Kỳ (TP.Quảng Ngãi) để làm thủ tục đánh dấu xuất bến. Vì vậy, việc đầu tư cảng cá loại II ở cửa Sa Cần, xã Bình Thạnh (Bình Sơn) sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho ngư dân xuất bến, cập bến, mở ra cơ hội phát triển nghề cá cho các địa phương.
Tốn thời gian, chi phí
Sau khi làm thủ tục tại Trạm Kiểm soát Biên phòng Bình Thạnh, ngư dân Đỗ Thanh Phường, ở thôn Vĩnh Trà, xã Bình Thạnh lại cho tàu chạy về Trạm Kiểm soát Biên phòng Sa Kỳ, ở xã Tịnh Kỳ (TP.Quảng Ngãi) để làm thủ tục xuất bến. Bởi theo quy định, tàu cá có chiều dài từ 15m trở lên phải cập cảng chỉ định để bốc dỡ hải sản, làm thủ tục xuất bến.
“Tàu tôi có chiều dài hơn 18m với công suất 770CV, chuyên đi đánh bắt ở ngư trường Hoàng Sa, Trường Sa và được hỗ trợ dầu theo Quyết định 48 của Chính phủ. Theo quy định, mỗi lần đi đánh bắt về, tôi đều phải cập cảng cá Tịnh Kỳ để bốc dỡ, kê khai. Sau đó, tôi cho tàu về cửa Sa Cần để neo tàu. Trước khi ra khơi, tôi lại chạy ngược lại cảng Sa Kỳ để làm thủ tục xuất bến. Mỗi lần chạy đi và về giữa 2 địa điểm này, tốn thêm 100 lít dầu”, anh Phường bày tỏ.
Tàu cá của ngư dân xã Bình Đông (Bình Sơn) vươn khơi, đánh bắt hải sản. Ảnh: H.HOA |
Tương tự, ngư dân Huỳnh Vương, ở xã Bình Thạnh chia sẻ, tính trung bình từ cửa Sa Cần đến cảng cá Tịnh Kỳ, ngư dân chúng tôi mất thêm 3 - 3,5 giờ. Còn đi từ cảng Tịnh Kỳ về cửa Sa Cần do ngược dòng chảy nên phải mất 6 - 7 giờ. Nếu Nhà nước đầu tư xây dựng cảng cá loại II ở cửa Sa Cần, thì sẽ giúp ngư dân các xã khu đông huyện Bình Sơn tiết kiệm chi phí, thời gian đi lại.
Không chỉ khó khăn trong việc nhập, xuất bến, mà mỗi khi đến mùa mưa bão, việc đưa tàu về neo trú ở cảng Tịnh Hòa hay Tịnh Kỳ, ngư dân cũng gặp không ít khó khăn, vì số lượng tàu nhiều, công suất lớn.
Nhu cầu cấp thiết
Dự án Cầu cảng cá sông Trà Bồng, thuộc xã Bình Đông (Bình Sơn), được đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước từ năm 2009 và hoàn thành, đưa vào sử dụng trong năm 2013, với quy mô khoảng 23ha. Dự án được xây dựng với mục tiêu phục vụ các hộ ngư nghiệp tái định cư và người dân trong vùng dự án, bảo đảm hoạt động nghề cá để ổn định cuộc sống lâu dài; kết hợp làm nơi neo đậu tàu thuyền tránh gió, bão. Tuy nhiên, từ khi đưa vào sử dụng đến nay, do không đảm bảo độ sâu luồng, vùng nước trước cầu cảng không đảm bảo theo quy định, nên tàu cá có chiều dài trên 15m đều không thể ra vào.
Ngư dân trên địa bàn đã kiến nghị nâng cấp cầu cảng cá sông Trà Bồng lên cảng cá loại II, để tạo điều kiện cho ngư dân phát triển nghề cá ở khu đông Bình Sơn. Tuy nhiên, hiện dự án vẫn còn tồn tại nhiều vấn đề bất cập nên việc nâng cấp cầu cảng cá sông Trà Bồng lên cảng cá loại II là không phù hợp. Theo Quyết định số 582/QĐ-TTg ngày 3/7/2024 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt “Quy hoạch hệ thống cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050”, cầu cảng cá sông Trà Bồng được quy hoạch là cảng cá loại III.
Giám đốc Ban Quản lý Các cảng cá tỉnh Nguyễn Đình Trung cho biết, theo quy định của Luật Thủy sản, cảng cá loại III là do địa phương công bố mở, đóng cảng. Vì vậy, đề nghị huyện Bình Sơn cần sớm hoàn thiện hạ tầng, quy mô, thủ tục pháp lý và công bố mở cảng, đưa vào vận hành.
Huyện Bình Sơn có 1.324 tàu cá, trong đó 580 tàu có chiều dài từ 15m trở lên, chủ yếu hành nghề lưới rê, lưới vây, câu mực khơi và nghề lặn... Sản lượng khai thác thủy sản hằng năm trên 34 nghìn tấn. Thượng úy Lưu Thành Luân - Trạm trưởng Trạm Kiểm soát Biên phòng (Đồn Biên phòng Bình Thạnh) cho biết, hiện đơn vị đang quản lý trên 290 tàu có chiều dài từ 15m trở lên. Do không có cảng nên mỗi lần tàu về là chúng tôi chèo thúng ra tàu của ngư dân neo ngoài cửa biển để kiểm tra, rất bất tiện, mất nhiều thời gian. |
Bên cạnh đó, quy hoạch xây dựng cảng cá Sa Cần (kết hợp khu neo đậu tránh trú bão), ở xã Bình Thạnh thuộc cảng cá loại II theo Luật Thủy sản 2017. Theo Sở NN&PTNT, việc đầu tư cảng cá Sa Cần thuộc cảng cá loại II là hết sức cần thiết, đáp ứng nhu cầu của ngư dân Bình Sơn, đặc biệt là neo trú tàu thuyền trong mùa mưa bão. Vì vậy, mong muốn trung ương, tỉnh cần sớm đầu tư cảng cá Sa Cần. Sau khi cảng cá Sa Cần được đầu tư, đưa vào sử dụng cần tích hợp cảng cá sông Trà Bồng vào cảng cá Sa Cần thành cụm cảng vừa đảm bảo neo trú, vừa đảm bảo cập, xuất bến, bốc dỡ hải sản...
HỒNG HOA
TIN, BÀI LIÊN QUAN: