Thận trọng khi mua hải sản trực tuyến

18:08, 05/08/2024
.

(Báo Quảng Ngãi)- Sự phát triển mạnh mẽ của mạng xã hội và các hình thức thương mại trực tuyến, người tiêu dùng chỉ cần ngồi một chỗ vẫn có thể mua được nhiều loại hải sản tươi, ngon khắp mọi miền đất nước. Tuy nhiên, không ít người mua phải hải sản đông lạnh với giá đắt, hoặc không đảm bảo chất lượng...

Tiện lợi, phong phú 

Cuối tháng 5 vừa qua, con gái chị Trần Thị Thu Thủy, ở phường Nghĩa Lộ (TP.Quảng Ngãi), nhờ chị tìm mua con nuốc Huế sau khi xem video trên các trang mạng xã hội. Nuốc là loài nhuyễn thể thường được tìm thấy ở vùng đầm phá nước lợ, xuất hiện nhiều ở khu vực đầm, phá của tỉnh Thừa Thiên Huế. Thường ngày, chị Thủy hay mua các loại hải sản tươi sống qua hình thức trực tuyến, vì vậy chị nhanh chóng tìm được người bán nuốc Huế và đặt mua cho con. Chỉ sau hơn 1 ngày, thùng hàng đã được vận chuyển đến tận nhà.

Hải sản được bán trực tuyến trên các trang thương mại điện tử, mạng xã hội rất đa dạng và phong phú.
Ảnh: PV
Hải sản được bán trực tuyến trên các trang thương mại điện tử, mạng xã hội rất đa dạng và phong phú. Ảnh: PV

“Mặc dù mình ở vùng biển, nhưng có nhiều loại thủy, hải sản ở những tỉnh khác có mà Quảng Ngãi không có. Vì thế, tôi thường hay lên các trang chợ hải sản trực tuyến hay trên các trang mạng xã hội để mua. Mặc dù bán trực tuyến, nhưng các mặt hàng rất đa dạng, phong phú từ tôm, cua, cá, mực bình thường đến các loại khó tìm thấy ở chợ dân sinh như bào ngư, cua huỳnh đế, bọ biển... Giá cả cũng thấp hơn so khi mua ở nhà hàng, quán ăn”, chị Thủy cho biết.

Hiện nay, có nhiều cửa hàng kinh doanh hải sản hoặc người bán hải sản ở chợ dân sinh cũng đăng bán các loại hải sản địa phương để phục vụ nhu cầu hằng ngày của khách hàng. Chị Lê Thị An, ở phường Trương Quang Trọng (TP.Quảng Ngãi), là người gốc Lý Sơn. Trước đây, chị An mở sạp ở chợ Quảng Ngãi để bán hành tỏi và chả cá đỏ củ, cùng các loại hải sản được chồng chị đánh bắt ở vùng đảo Lý Sơn. Nhận thấy nhiều khách hàng muốn đặt mua hải sản trên Zalo, Facebook, chị An quyết định đăng bán các mặt hàng chả cá và hải sản lên trang mạng xã hội cá nhân. “Ngày nào thức đó, cứ sau mỗi chuyến biển của chồng, tôi sẽ chụp và quay video hình ảnh hải sản đang tươi rói rồi đăng liền trong một nhóm Zalo riêng để cập nhật mặt hàng tươi mới mỗi ngày cho mọi người đi chợ”, chị An nói. Không chỉ phục vụ tệp khách hàng trong tỉnh, một số loại hải sản như cá thu, chả cá đỏ củ của chị An cũng thu hút nhiều khách hàng ngoài tỉnh mua.

Thận trọng với nguồn hàng

Bên cạnh sự tiện lợi thì cũng có không ít người thất vọng khi mua phải hải sản không tươi, có dấu hiệu là hàng đông lạnh lâu ngày. Chị Thủy cho biết, mặc dù thường xuyên mua hải sản trên các trang mạng xã hội, nhưng cũng có lần chị mua phải hải sản kém chất lượng. Có lần chị Thủy đặt mua ghẹ tươi để chiêu đãi gia đình, nhưng nhận được là những con ghẹ bị ốp, có con đã chảy nước, bốc mùi. Mặc dù đã điện thoại phản ánh với cửa hàng nhưng chỉ nhận được lời xin lỗi mà không được trả hàng, vì cửa hàng cho rằng lỗi do quá trình vận chuyển.

Mặc dù là mặt hàng bị cấm buôn bán tại Việt Nam, nhưng tôm hùm đất vẫn được rao bán trên mạng. Ảnh: PV
Mặc dù là mặt hàng bị cấm buôn bán tại Việt Nam, nhưng tôm hùm đất vẫn được rao bán trên mạng. Ảnh: PV

Ngoài các loại hải sản nội địa, trên các chợ hải sản trực tuyến cũng buôn bán nhiều loại hải sản ngoại nhập được nhiều khách hàng ưa chuộng. Tuy nhiên, những mặt hàng này tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn vệ sinh thực phẩm, cũng như có loại thuộc danh mục bị cấm nhập khẩu vào Việt Nam. Trong đó, tôm hùm đất (tên tiếng Anh là Crawfish) là loại thủy sản bị cấm nhập khẩu vào Việt Nam từ hơn 10 năm nay. Thế nhưng, trên các chợ hải sản trực tuyến, hoạt động kinh doanh, buôn bán loài tôm này diễn ra công khai, từ loại còn sống đến loại đã được chế biến. Đây là mặt hàng không có giấy tờ, không rõ nguồn gốc xuất xứ và chưa được kiểm dịch.

Tôm hùm đất là nhóm sinh vật ngoại lai, có khả năng sinh sôi rất nhanh, ăn tạp và chứa nhiều mầm bệnh gây hại cho các loài tôm thông thường. Theo Nghị định 37 năm 2024 của Chính phủ, tôm hùm đất không có tên trong danh mục loài thủy sản được phép kinh doanh tại Việt Nam. Bộ NN&PTNT cũng khẳng định, hiện chưa cấp phép nhập khẩu cho lô hàng tôm hùm đất nào. 

Anh Trần Viết Ánh, ở phường Nguyễn Nghiêm (TP.Quảng Ngãi) chia sẻ, thấy quảng cáo trên mạng hấp dẫn nên tôi đã vài lần mua tôm hùm đất về ăn. Biết đây là hàng nhập ngoại nhưng tôi không biết tôm hùm đất bị cấm mua bán ở Việt Nam.

Có thể thấy, việc mua hải sản trực tuyến đem lại nhiều tiện lợi cho người dân. Tuy nhiên, người dân cũng nên lựa chọn các nguồn cung cấp đáng tin cậy, đảm bảo hải sản được nuôi trồng hoặc đánh bắt đúng quy trình, không sử dụng hóa chất độc hại. Đồng thời, lưu ý thời gian giao hàng để đảm bảo sản phẩm tươi ngon và an toàn cho sức khỏe.

PV

TIN, BÀI LIÊN QUAN:

 

 
Xuất bản lúc: 18:08, 05/08/2024

Ý kiến bạn đọc


.