(Baoquangngai.vn)- Sáng 15/5, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Đặng Ngọc Huy và Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Võ Thanh An chủ trì Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị số 30 ngày 13/3/2014 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng nhằm ngăn chặn, tiến tới đẩy lùi tệ nạn nghi kỵ "cầm đồ thuốc độc" trên địa bàn các huyện miền núi của tỉnh.
Tham dự hội nghị có lãnh đạo các cơ quan tham mưu, giúp việc Tỉnh ủy; lãnh đạo các sở, ngành và các huyện miền trong tỉnh; đại diện người có uy tín tiêu biểu trong tuyên truyền, vận động, giải quyết các vụ việc nghi kỵ "cầm đồ thuốc độc" trên địa bàn các huyện miền núi.
>> Xem Video: Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Đặng Ngọc Huy phát biểu chỉ đạo.
Tệ nạn nghi kỵ "cầm đồ thuốc độc" là một hủ tục mê tín dị đoan, lạc hậu của một bộ phận đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) ở các huyện miền núi trên địa bàn tỉnh. Trong khoảng thời gian từ năm 2003 đến năm 2013, tệ nạn này có chiều hướng gia tăng ở một số địa phương các huyện miền núi, gây hoang mang, lo lắng trong nhân dân, ảnh hưởng xấu đến trật tự, an toàn xã hội. Cá biệt có trường hợp người có uy tín, cán bộ, đảng viên ở cơ sở dù biết có nghi kỵ "cầm đồ thuốc độc" nhưng chưa tích cực vận động, giải thích, ngăn chặn nên để xảy ra tình trạng đánh nhau gây thương tích, chết người.
Từ năm 2003 - 2014, trên địa bàn các huyện miền núi đã xảy ra 164 vụ nghi kỵ "cầm đồ thuốc độc" làm 7 người chết, 14 người bị thương, khởi tố 4 vụ với 12 bị can.
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Đặng Ngọc Huy và Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Võ Thanh An chủ trì hội nghị. |
Để hạn chế, ngăn chặn, tiến tới xoá bỏ tệ nạn nghi kỵ "cầm đồ thuốc độc" nhằm giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn các huyện miền núi của tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Chỉ thị 30 ngày 13/3/2014 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng nhằm ngăn chặn, tiến tới đẩy lùi tệ nạn nghi kỵ "cầm đồ thuốc độc" trên địa bàn các huyện miền núi của tỉnh.
Qua 10 năm quán triệt sâu rộng, triển khai thực hiện Chỉ thị số 30 đã tạo sự chuyển biến tích cực trong nhận thức và hành động của các cấp ủy đảng, chính quyền, MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội và các tầng lớp nhân dân.
Lãnh đạo các địa phương phát biểu tham luận tại hội nghị. |
Công tác ngăn chặn, đẩy lùi tệ nạn nghi kỵ "cầm đồ thuốc độc" trên địa bàn các huyện miền núi của tỉnh đã có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị; số vụ nghi kỵ "cầm đồ thuốc độc" giảm đáng kể so với trước, đồng thời giảm cả về số người chết, bị thương, số vụ khởi tố hình sự, số bị can và số tài sản bị thiệt hại.
Từ năm 2014 đến nay, trên địa bàn các huyện miền núi xảy ra 57 vụ nghi kỵ "cầm đồ thuốc độc". Đã giải quyết thông qua công tác vận động, hòa giải 55/57 vụ nghi kỵ "cầm đồ thuốc độc", chỉ có 2 vụ khởi tố hình sự với 5 bị can.
Kinh tế - xã hội các huyện miền núi được quan tâm đầu tư, đời sống nhân dân từng bước được cải thiện, tình hình an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn các huyện miền núi của tỉnh được ổn định.
Tại hội nghị, đại diện lãnh đạo các huyện miền núi, Công an tỉnh và người có uy tín đã trình bày các tham luận, nêu ý kiến đề xuất các giải pháp nhằm ngăn chặn, tiến tới đẩy lùi tệ nạn nghi kỵ "cầm đồ thuốc độc" trong thời gian tới.
Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Võ Thanh An điều hành phần thảo luận. |
Ông Phạm Văn Néo, người có uy tín ở huyện Ba Tơ phát biểu ý kiến tại hội nghị. |
Phát biểu kết luận hội nghị, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Đặng Ngọc Huy đánh giá cao và biểu dương các cấp ủy đảng, chính quyền, lực lượng công an, MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội và đội ngũ người có uy tín về những kết quả đã đạt được trong công tác phòng, chống và ngăn chặn tệ nạn nghi kỵ "cầm đồ thuốc độc" trong thời gian qua.
Để tiếp tục thực hiện hiệu quả công tác phòng, chống, ngăn chặn tiến tới đẩy lùi tệ nạn nghi kỵ "cầm đồ thuốc độc" trong thời gian tới, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy đề nghị các cấp ủy đảng, chính quyền và các cơ quan, đơn vị tiếp tục triển khai thực hiện nghiêm túc Chỉ thị 30 gắn với thực hiện hiệu quả 3 Chương trình Mục tiêu Quốc gia về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới; các nghị quyết, chỉ thị của Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy về phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo bền vững ở các huyện miền núi, về công tác dân tộc...
“Phải xác định việc ngăn chặn, hạn chế, tiến tới đẩy lùi tệ nạn nghi kỵ "cầm đồ thuốc độc" là một nhiệm vụ chính trị quan trọng, thường xuyên, liên tục và lâu dài; cần đưa vào chương trình, kế hoạch công tác để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện. Đồng thời, phân công cấp ủy viên phụ trách từng địa bàn để theo dõi, phát hiện, tham mưu cho cấp ủy, chính quyền chỉ đạo giải quyết kịp thời các vụ nghi kỵ "cầm đồ thuốc độc"”, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Đặng Ngọc Huy yêu cầu.
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Đặng Ngọc Huy phát biểu kết luận hội nghị. |
Đồng thời, thực hiện tốt định hướng công tác tuyên truyền, giáo dục phòng, chống mê tín dị đoan, nghi kỵ "cầm đồ thuốc độc" ở các huyện miền núi của tỉnh; phân tích rõ tác hại của tệ nạn nghi kỵ "cầm đồ thuốc độc"; phát huy những phong tục, các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc, xây dựng đời sống tiến bộ, lành mạnh; phòng, chống, tiến tới xóa bỏ tập tục lạc hậu, phản khoa học.
Các cơ quan báo chí, thông tin truyền thông kịp thời phát hiện, biểu dương những điển hình tốt, gương tiêu biểu trong việc bài trừ các hủ tục mê tín dị đoan, nghi kỵ "cầm đồ thuốc độc" trong đồng bào DTTS. MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội tiếp tục phát động các phong trào toàn dân tham gia phòng, chống mê tín dị đoan và tệ nạn nghi kỵ "cầm đồ thuốc độc", gắn với cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh"; các phong trào: "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa", "Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc"; phong trào thi đua "Dân vận khéo".
Các đại biểu là người có uy tín tiêu biểu của 5 huyện miền núi dự hội nghị. |
Phát huy vai trò của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở trong việc nắm tình hình, xác định rõ nguyên nhân các mâu thuẫn, nghị kỵ trong đồng bào DTTS để có biện pháp vận động, thuyết phục không để các vụ việc nghi kỵ "cầm đồ thuốc độc" xảy ra. Cán bộ, đảng viên phải gương mẫu thực hiện nếp sống văn minh, không mê tín dị đoan, nghi kỵ "cầm đồ thuốc độc", tích cực vận động, tuyên truyền để người dân không nghe, không tin theo những lời sai trái của những đối tượng xấu.
Lực lượng công an các cấp, nhất là ở vùng đồng bào DTTS và miền núi tích cực nắm tình hình liên quan đến các vụ việc nghi kỵ "cầm đồ thuốc độc" để kịp thời phối hợp với các cơ quan liên quan ngăn chặn, xử lý không để xảy ra hậu quả nghiêm trọng, gây mất trật tự, an toàn xã hội…
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Đặng Ngọc Huy cũng đề nghị các cấp ủy đảng, chính quyền phát huy tốt vai trò người có uy tín trong đồng bào DTTS phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Thường xuyên tập huấn, bồi dưỡng cho người có uy tín về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; kỹ năng tuyên truyền, vận động và giải quyết những mâu thuẫn ... đẩy lùi, tiến tới xóa bỏ tệ nghi kỵ "cầm đồ thuốc độc" ở địa phương.
Thực hiện: N.ĐỨC
TIN, BÀI LIÊN QUAN: