(Báo Quảng Ngãi)- Những năm trước, khi xảy ra suy thoái kinh tế trên diện rộng, những người trẻ “nhảy việc” khi làm công là chuyện bình thường. Từ ngày suy thoái kinh tế hiện diện, nhiều doanh nghiệp phải đóng cửa, hoặc chỉ sản xuất cầm chừng, thậm chí có nhiều doanh nghiệp thiếu tiền trả lương hằng tháng cho người lao động, thì chuyện “nhảy việc” bây giờ rất ít xảy ra, nhưng chuyện “bỏ việc” vì khó trụ lại chỗ làm cũ lại xảy ra nhiều. Những ai vẫn đang có công việc ổn định là sự may mắn trong thời gian này.
Dẫu vậy, khi người lao động buộc phải tìm chỗ làm mới cho mình, thì “việc cần làm ngay” với họ là phải tự nâng cao tay nghề, để khi sát hạch ở doanh nghiệp mới, có hy vọng trúng tuyển nhiều hơn. Tự nâng cao tay nghề của mình thì phải học, có thể tự học, có thể theo một số lớp học cần thiết để tu nghiệp. Đó là câu chuyện không hề dễ dàng với người lao động, nhưng nếu có quyết tâm cao, có ý chí mạnh mẽ, tìm cách nâng cao trình độ và tay nghề của mình, thì cơ hội có việc làm mới sẽ nhiều hơn. Đáng ngại nhất bây giờ chính là cách suy nghĩ buông xuôi “tới đâu hay tới đó”, cách suy nghĩ khiến người lao động trở nên tiêu cực, không còn ý chí phấn đấu, mà như thế, khi khả năng “tới đâu” cũng không biết được, thì làm gì có chuyện “hay tới đó” để mà quyết định cho sự phát triển của đời mình.
Việc người lao động phải tự nâng cao trình độ tay nghề của mình để kiếm được việc làm trong thời buổi thực sự khó khăn này là câu chuyện bắt buộc. Khi mình tự tin có tay nghề tốt, thì có nhiều khả năng chọn lựa việc làm hơn, từ việc làm công tới chuyện khởi nghiệp. Chưa đủ tự tin về chính khả năng của mình thì cũng chưa thể khởi nghiệp với hy vọng thành công.
Hy vọng trong cái khó sẽ “ló" cái khôn, mà cái khôn lớn nhất với người lao động bây giờ chính là nâng cao trình độ, nâng cao tay nghề của mình.
THANH THẢO
TIN, BÀI LIÊN QUAN: