(Báo Quảng Ngãi)- Thời gian gần đây, nhiều vụ tai nạn lao động (TNLĐ) nghiêm trọng, gây thiệt hại nặng về sức khỏe, tính mạng và tài sản liên tiếp xảy ra trên khắp cả nước, cho thấy tính bức thiết của việc bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động (ATVSLĐ) tại các đơn vị, doanh nghiệp.
Ngay trong ngày Quốc tế lao động 1/5, tại Công ty TNHH sản xuất và thương mại gỗ Bình Minh (Đồng Nai) đã xảy ra vụ nổ bình hơi khiến 6 người tử vong, 5 người bị thương nặng. Theo báo cáo, công ty nơi xảy ra vụ tai nạn thương tâm có lắp một nồi hơi dạng ống nước với công suất hơn 1.000kg/giờ. Quá trình sử dụng, công ty phát hiện có trục trặc về mặt kỹ thuật nên đã liên hệ với đơn vị cung cấp thiết bị đến kiểm tra, bảo trì. Sáng 1/5, trong lúc công nhân kỹ thuật của công ty kiểm tra, vận hành thì nồi hơi phát nổ.
Công nhân thi công công trình giao thông trên địa bàn tỉnh. |
Trước đó, vào chiều 22/4, vụ tai nạn thương tâm xảy ra tại Công ty CP Xi măng và khoáng sản Yên Bái (Yên Bái) đã khiến 7 người tử vong, 3 người bị thương. Nguyên nhân vụ tai nạn thảm khốc này là do công nhân bất cẩn, sai sót trong quá trình ngắt/mở điện, khiến động cơ chính máy nghiền bất ngờ hoạt động trong khi đang sửa chữa, dịch chuyển lò nghiền dẫn đến tai nạn. Cũng trong tháng 4, nhiều vụ TNLĐ khác đã xảy ra, điển hình như vụ cháy khí metan trong hầm lò tại Công ty than Thống Nhất (Quảng Ninh) làm 4 công nhân tử vong; hay vụ nổ tại cụm công nghiệp Phú Lâm (Bắc Ninh) làm 1 người tử vong, 2 người bị thương.
Có thể thấy, nơi đâu cũng có thể tiềm ẩn nguy cơ TNLĐ, từ những nhà máy, xí nghiệp lớn đến những xưởng sản xuất nhỏ lẻ. Nguyên nhân dẫn đến TNLĐ cũng rất đa dạng, từ sự chủ quan của người lao động, sự thiếu quan tâm, tắc trách của chủ sử dụng lao động đến những lỗ hổng trong công tác quản lý, kiểm tra an toàn.
Để giảm đến mức thấp nhất các vụ TNLĐ xảy ra cũng như hạn chế thương tổn đối với sức khỏe con người, các đơn vị sử dụng lao động, nhà thầu, chủ đầu tư cần kiểm tra, bảo dưỡng thường xuyên các loại máy móc, trang thiết bị tại cơ sở. Kịp thời sửa chữa những máy móc bị hư hỏng, bảo đảm an toàn cho người lao động trong quá trình làm việc. Doanh nghiệp phải có trách nhiệm xây dựng, ban hành tổ chức thực hiện các nội quy, quy trình bảo đảm an toàn tại nơi làm việc. Trang bị đầy đủ các thiết bị bảo hộ lao động và cải thiện điều kiện làm việc. Ðào tạo chuyên môn, cung cấp đầy đủ kỹ năng vận hành máy móc cho người lao động trước khi sử dụng. Bản thân người lao động cũng cần nâng cao ý thức tự bảo vệ, tuân thủ nội quy an toàn lao động. Các cơ quan chức năng cũng cần tăng cường kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm các vi phạm về an toàn lao động.
Tháng hành động về ATVSLĐ năm 2024 đang được triển khai trên toàn quốc với quyết tâm cải thiện điều kiện lao động, kiểm soát TNLĐ, bảo vệ nguồn nhân lực, hướng tới một nền sản xuất an toàn, có năng suất cao.
Tại lễ phát động Tháng hành động về ATVSLĐ và Tháng công nhân trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi năm 2024, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Trần Hoàng Tuấn nhấn mạnh, các doanh nghiệp, chủ sử dụng lao động cần tăng cường triển khai công tác ATVSLĐ; thường xuyên tổ chức tập huấn, huấn luyện công tác an toàn cho người lao động; chú trọng đến các hoạt động tự kiểm tra, từ đó nhận diện, kiểm soát, phòng ngừa các yếu tố nguy hiểm, có hại tại doanh nghiệp, phòng ngừa TNLĐ.
VŨ YẾN
TIN, BÀI LIÊN QUAN: