(Báo Quảng Ngãi)- Phó Thủ tướng Lê Minh Khái vừa chủ trì cuộc họp cho ý kiến về phương án xử lý đối với Công ty TNHH MTV Công nghiệp tàu thủy Dung Quất (DQS). Theo Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), trong xu thế chuyển dịch năng lượng, DQS có khả năng tham gia vào chuỗi giá trị của PVN trong chiến lược phát triển thành tập đoàn công nghiệp năng lượng. Việc tái cơ cấu DQS góp phần khôi phục ngành công nghiệp đóng tàu Việt Nam.
Công ty TNHH MTV Công nghiệp tàu thủy Dung Quất tiền thân là thành viên của Tập đoàn Công nghiệp Tàu thuỷ Việt Nam (Vinashin), được thành lập từ năm 2006. Thực hiện chiến lược tái cơ cấu Vinashin của Chính phủ, ngày 1/7/2010, DQS được chuyển giao về PVN quản lý, khai thác. Đây cũng là đơn vị duy nhất trong PVN có chức năng đóng mới, sửa chữa tàu, phương tiện thủy và có nhiều lợi thế, tiềm năng phát triển. Theo chia sẻ của đại diện PVN, ngay sau khi tiếp nhận tài sản của Vinashin về PVN, DQS đã phá sản vì các khoản nợ đến hạn doanh nghiệp này đều không trả nợ được. Các tài sản nhận chuyển từ Vinashin về không đúng ngành nghề, không nằm trong chiến lược phát triển của PVN...
Trong những năm qua, PVN đã sử dụng các nguồn lực, giải pháp quản trị để duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh của DQS. Theo báo cáo của PVN, nếu tính hạch toán trên các tài sản tham gia vào sản xuất kinh doanh thì từ khi đưa về PVN, DQS đều hoạt động sản xuất kinh doanh có hiệu quả. Việc tái cơ cấu DQS sẽ làm lành mạnh tình hình tài chính, nâng cao năng lực cạnh tranh và năng lực sản xuất. Qua đó, góp phần khôi phục ngành công nghiệp đóng tàu Việt Nam, tham gia vào quá trình thực hiện chiến lược chuyển dịch năng lượng của Chính phủ.
Theo đại diện Văn phòng Chính phủ, Đề án tái cơ cấu DQS đã được đưa vào chương trình công tác năm 2024 của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, trình Bộ Chính trị vào quý II/2024. Hiện tại, phương án đề xuất của PVN là tái cơ cấu doanh nghiệp và để thực hiện được thì cần có cơ chế đặc thù.
Theo nhiều chuyên gia kinh tế, nhìn từ tầm quốc gia, DQS có vị thế rất tốt cho phát triển ngành tàu biển, cảng nước sâu. Mặc dù thời gian qua PVN đã rất tích cực tìm giải pháp phù hợp để xử lý dự án DQS, nhưng đây là việc khó. Bởi tồn tại đã trải qua nhiều năm, quá trình định giá tài sản chưa làm hết, quyết toán tài sản chưa xong, thâm hụt về nguồn vốn, lỗ lũy kế lớn, nên việc cơ cấu lại rất khó khăn. Hiện PVN đang tiếp tục triển khai đánh giá chi tiết, cụ thể hơn để xác định tiềm năng phát triển của DQS để trình các cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định việc tái cơ cấu; đặc biệt là thực hiện theo ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái: "Trường hợp đặc biệt phải có giải pháp đặc biệt, không có giải pháp đặc biệt thì khó vực dậy được".
PHẠM DANH
TIN, BÀI LIÊN QUAN: