(Báo Quảng Ngãi)- Những thành tựu của chuyển đổi số và đổi mới công nghệ đã góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân nói chung và phụ nữ nói riêng, giúp họ mở rộng cơ hội tiếp cận nguồn thông tin, nâng cao năng lực, trình độ chuyên môn và cơ hội phát triển nghề nghiệp.
Tại sự kiện đối thoại với chủ đề “Bình đẳng giới trong chuyển đổi số ở Việt Nam: Cơ hội và thách thức” vào tháng 3/2023 tại Hà Nội, Điều phối viên thường trú của Liên hợp quốc tại Việt Nam Pauline Fatima Tamesis nhận định, sự đổi mới, sáng tạo và công nghệ đã giúp cải thiện cuộc sống của phụ nữ và trẻ em gái. Các ứng dụng di động cung cấp thông tin đã giúp phụ nữ và trẻ em gái ở vùng sâu, vùng xa có thể dễ dàng tiếp cận giáo dục hơn. Đồng thời, hỗ trợ trao quyền cho các nữ doanh nhân khởi nghiệp và phát triển doanh nghiệp của họ.
Tuy nhiên, chuyển đổi số cũng mang đến nguy cơ bất bình đẳng. Các ngành đổi mới sáng tạo và công nghệ có tỷ lệ mất cân bằng giới tính lớn nhất trong các ngành nghề ở Việt Nam. Theo điều tra mức sống dân cư năm 2021 trên cả nước, tỷ lệ phụ nữ sử dụng internet là 70%, sử dụng điện thoại là 87% vẫn còn thấp so với nam giới (tỷ lệ của nam giới lần lượt là 78% và 93%).
Thêm nữa, phụ nữ và trẻ em gái cũng là nhóm đối tượng dễ bị bạo lực trên môi trường mạng như bị theo dõi, quấy rối... Việc thiếu thông tin, kỹ năng về các biện pháp phòng ngừa, bảo vệ; các quy định sử dụng mạng xã hội chưa được người dùng tuân thủ nghiêm túc… đã đặt ra những thách thức trong bảo vệ quyền riêng tư của người dùng nói chung, của phụ nữ và trẻ em gái nói riêng, cũng như việc xử lý các vi phạm này.
Trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi, thời gian qua đã có nhiều chương trình được triển khai nhằm hướng đến thúc đẩy bình đẳng giới gắn với chuyển đổi số. Đơn cử như các nội dung của dự án 8 “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em”, thuộc chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế- xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Với việc thực hiện truyền thông trên các nền tảng số, cũng như tổ chức các lớp ứng dụng công nghệ 4.0 cho phụ nữ dân tộc thiểu số... đã mang lại những tác động tích cực đối với phụ nữ và trẻ em gái tại khu vực miền núi trong 3 năm trở lại đây.
Vừa qua, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 187 ngày 23/10/2023 triển khai Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới địa bàn tỉnh, diễn ra từ ngày 15/11 đến 15/12/2023, với chủ đề “Đảm bảo an sinh xã hội, tăng quyền năng và tạo cơ hội cho phụ nữ và trẻ em gái nhằm thực hiện bình đẳng giới và xóa bỏ bạo lực trên cơ sở giới”. Trong đó, thực hiện tăng cường số hóa trong truyền thông, ứng dụng công nghệ thông tin trong tuyên truyền cũng là một trong những điểm được nhấn mạnh trong kế hoạch.
Hy vọng, với những nỗ lực trong việc thúc đẩy bình đẳng giới gắn với chuyển đổi số được triển khai ngày càng mạnh mẽ sẽ góp phần bảo đảm an sinh xã hội, tăng quyền năng, cơ hội cho phụ nữ và trẻ em gái trong tỉnh nói riêng và cả nước nói chung.
VŨ YẾN
TIN, BÀI LIÊN QUAN: