Học hỏi và cảm thấu

16:22, 27/10/2023
.

(Báo Quảng Ngãi)- Tôi vừa đón một vị khách trẻ tuổi khá đặc biệt. Cháu nói là đã đến Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh để hỏi nhà tôi. Khi gặp tôi, động tác đầu tiên của cháu là chìa ra một tập thơ, xin chữ ký. Đó là tập thơ "Chờ mãi cơn mưa rào rất lạ" của tôi. Cháu nói là mua ở một nhà sách tại TP.Hồ Chí Minh. Tôi rất vui được ký tặng cháu. Hỏi thăm mới biết cháu đi phượt bằng xe đạp từ TP.Hồ Chí Minh ra đây, nhưng không đi theo Quốc lộ 1, mà từ TP.Hồ Chí Minh ngược lên TP.Đà Lạt (Lâm Đồng), rồi theo đường Hồ Chí Minh ra miền Trung. Cháu nói rằng muốn thử đi con đường khó một chút, qua nhiều địa phương có màu sắc rừng núi thì thú vị hơn và hiểu biết thêm nhiều điều. 

Cháu quê ở huyện Trà Ôn, tỉnh Vĩnh Long, quê hương của trùm cải lương, nghệ sĩ nhân dân Út Trà Ôn. Tôi thích lắm, nói cháu nên tự hào vì quê hương cháu có một nghệ sĩ cải lương tài năng đến như vậy. Mời cháu ngồi uống nước, tôi hỏi cách đi phượt của cháu. "Phượt thủ xe đạp" này thưa, cháu đạp xe đi từng chặng, tới những vùng lần đầu mới được tới thì cháu dừng lâu hơn, tìm hiểu những địa danh nổi tiếng đã đi vào lịch sử hoặc là những nơi có phong cảnh đẹp. "Chỉ để biết và cảm nhận vẻ đẹp của đất nước mình thôi bác ạ! Càng đi cháu càng thấy đất nước mình đẹp và nhiều địa danh anh hùng quá. Khi cháu từ Kon Tum đạp xe theo Quốc lộ 24 xuống đèo Viôlắc, rồi vượt qua con đèo quá đẹp này, cháu cảm thấy tràn đầy năng lượng và cảm xúc". Tôi thú nhận với cháu là tôi đã hơn 5 lần qua đèo Viôlắc, nhưng tôi đi bằng ô tô nên chưa có được cảm xúc mà người đi xe đạp cảm nhận. Đi phượt bằng xe đạp thì hơn hẳn đi xe ô tô về cảm xúc là vậy.

Cháu kể tôi nghe, khi xuống Ba Tơ, cháu đã vào tham quan Bảo tàng Khởi nghĩa Ba Tơ, rồi khi xuống Mộ Đức, cháu lại vào viếng hương tại Khu lưu niệm Thủ tướng Phạm Văn Đồng. Ra TP.Quảng Ngãi, cháu đến Khu Chứng tích Sơn Mỹ, rồi đến Đền thờ Anh hùng dân tộc Trương Định thắp hương cho vị anh hùng khởi nghĩa chống thực dân Pháp. Tôi nói, khi nào về lại TP.Hồ Chí Minh, cháu nên đạp xe qua Cần Giuộc, xuống Vàm Láng, nơi ngày xưa gọi là "đám lá tối trời" - nơi người anh hùng Trương Định lập chiến khu đánh Pháp, và ông đã hy sinh tại rừng dừa nước ấy. Cháu hứa chắc với tôi là sẽ đi Vàm Láng, sau khi đã viếng Đền thờ Trương Định ở Quảng Ngãi.

Nói xong, cháu lặng lẽ rút một chiếc phong bì và thưa với tôi: "Cháu biết bác có một Quỹ học bổng dành cho học sinh nghèo của Trường THPT Sơn Mỹ, cháu cũng vừa đi ngang qua ngôi trường đó khi về thăm Sơn Mỹ, cháu xin phép bác cho cháu góp một chút lòng thành cho Quỹ học bổng". Tôi nhận phong bì và rất cảm động.
Đã gần trưa, tôi mời cháu ở lại ăn bữa cơm đạm bạc với gia đình tôi rồi hãy lên đường. Cháu vui vẻ nhận lời, và đã ăn một bữa trưa rất thật bụng và chắc dạ, điều mà sinh thời vợ tôi hài lòng nhất với những vị khách nhận lời ăn cơm với gia đình. Là người nội trợ, vợ tôi quý cái "nết ăn" thật thà như vậy.

Trước khi chia tay, tôi mới hỏi tên và nghề nghiệp của cháu. Cháu thưa, họ tên là Hồ Thành Đỉnh, cháu làm việc cho một công ty nước ngoài chuyên về lĩnh vực bán dẫn ở TP.Hồ Chí Minh. Tôi ồ lên thích thú: "Cháu không chỉ cùng họ Hồ với bác, lại cùng chữ lót với bác nữa. Và cháu làm về công nghệ bán dẫn, là nghề "hot" nhất bây giờ và sắp tới đấy". Cháu cười rồi nói hài hước: "Cháu với bác cùng "Hồ Thành", nhưng cháu hơn bác là "Thành Đỉnh", trong khi bác là "Thành Công". Tôi quá vui: "Thì hậu sinh khả úy mà cháu! Cháu nói sinh năm 1994, năm nay tròn 29 tuổi. Bác sinh năm 1946, năm 1975 mới hòa bình thống nhất đất nước, lúc ấy bác cũng tròn 29 tuổi. Nhưng bác hơn cháu một chút, là đã "phượt đi bộ" qua Trường Sơn 2.000km, "phượt bằng xuồng và lội nước" qua đồng Tháp Mười mất một tháng rưỡi. Hồi xưa toàn "phượt bộ" như vậy, vì lúc ấy đang chiến tranh. Cháu bây giờ phượt xe đạp, là đã hơn "thế hệ phượt bộ" của bác nhiều lắm rồi!

THANH THẢO

 

Xuất bản lúc: 16:22, 27/10/2023

Ý kiến bạn đọc


.