(Báo Quảng Ngãi)- Giảm nghèo bền vững tức là không tái nghèo và có thể giàu lên. Muốn vậy, việc đưa ra các giải pháp giảm nghèo là rất quan trọng. Lâu nay, chúng ta hay nghe các con số như huyện miền núi này giảm mấy nghìn hộ nghèo, xã kia giảm mấy trăm hộ nghèo... nhưng nguy cơ tái nghèo rất cao.
Trồng được dăm hécta keo lai đến kỳ thu hoạch, thậm chí “bán non” cho thương lái, kiếm được dăm bảy chục triệu đồng, thậm chí cả trăm triệu đồng, một số gia đình liền xuống phố “tậu” chiếc xe tay ga, mua thêm cái điện thoại thông minh, hoặc một vài thiết bị dùng trong gia đình. Số tiền ấy nếu không được tính toán, sử dụng khoa học thì chỉ trong một thời gian ngắn là hết sạch, cái nghèo lại tái diễn. Do đó, giảm nghèo phải bền vững thì mới gọi là thoát nghèo thật sự. Đó mới là cái đích hướng đến của các cấp chính quyền hiện nay.
Theo kế hoạch thực hiện Chương trình Mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững năm 2023, Quảng Ngãi đặt mục tiêu phấn đấu giảm hộ nghèo trong toàn tỉnh là 1,13%, riêng tỷ lệ hộ nghèo các huyện miền núi giảm 4,5% theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2022 - 2025.
Vậy cách giảm nghèo bền vững phải như thế nào? Tất nhiên, mỗi huyện vùng cao sẽ có cách đi riêng nhưng tựu trung là phải tìm cách “bày việc cho dân làm”. Nghĩa là, phải chọn một mô hình sản xuất nào đó phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng và mang tính căn cơ thì mới có thể giảm nghèo bền vững được... Ở huyện Sơn Hà, mô hình nuôi gà, nuôi heo sạch hoặc trồng rau... đã được nhân rộng trong những năm qua. Đây là giải pháp giúp đồng bào dân tộc thiểu số giảm nghèo bền vững. Hoặc ở huyện Sơn Tây, nhiều hộ gia đình người Ca Dong đã thực hiện thành công mô hình vườn - rừng, tức là trồng các loại cây ăn quả có giá trị, hoặc trồng cây dược liệu dưới tán rừng bước đầu đã có kết quả khả quan...
Hiện nay, ở các huyện miền núi triển khai nhiều dự án, chủ yếu là đưa ra các giải pháp giảm nghèo bền vững cho người dân. Có những địa phương, trong các đợt luân chuyển, nhiều cán bộ chuyên trách nông nghiệp ở các phòng, ban trên huyện được đưa về các xã làm chủ tịch UBND hoặc bí thư đảng ủy. Số cán bộ này giữ vai trò nòng cốt để “bày việc cho dân” thông qua các mô hình sản xuất. Người dân thấy hiệu quả từ những mô hình này và tích cực tham gia. Chỉ có giảm nghèo bền vững thì cuộc sống của người dân ở vùng cao mới được cải thiện. Sự nghiệp giáo dục, văn hóa, an ninh trật tự trong làng, trong xã chỉ có thể được đảm bảo bền chặt một khi cái nghèo được xóa bỏ hoàn toàn.
TRẦN ĐĂNG
TIN, BÀI LIÊN QUAN: