(Báo Quảng Ngãi)- Công an quận Cầu Giấy (Hà Nội) vừa có lời đề nghị chính quyền tỉnh Quảng Nam xác nhận thông tin về việc Công ty CP Tập đoàn Mỹ Hạnh, trụ sở đóng tại quận Cầu Giấy, có đầu tư trồng sâm Ngọc Linh tại Quảng Nam không để lực lượng công an có hướng xử lý. Có việc này là do, từ năm 2020, chủ tịch của tập đoàn này có tổ chức hội thảo tại Hà Nội, giới thiệu về dự án trồng sâm Ngọc Linh tại Quảng Nam của tập đoàn. Qua đó, Tập đoàn Mỹ Hạnh kêu gọi các cá nhân góp vốn để cùng thực hiện dự án và sẽ được chi trả lợi nhuận cao. Tuy nhiên, nhiều người đã bị bội tín nên họ kiện lên các cấp chính quyền.
Khi nghe đến “sâm Ngọc Linh”, nhất là có cái clip kèm theo trong buổi “hội thảo” nọ nhằm giới thiệu “tiềm năng” về dự án trồng sâm Ngọc Linh của tập đoàn thì rất nhiều người không ngần ngại mà móc hầu bao để góp vào. Thực chất của phi vụ này là lợi dụng thương hiệu sâm Ngọc Linh để chiếm đoạt tiền của một số người ham lợi nhuận cao mà thiếu hiểu biết về loại dược liệu quý hiếm này với quy trình trồng, chăm sóc nghiêm ngặt như thế nào. Đánh trúng vào tâm lý chuộng các thương hiệu nổi tiếng, nhiều người đã mắc bẫy.
Ở TP.Đà Lạt (Lâm Đồng) từ nhiều năm qua, cứ đến mùa khoai tây thì rộ lên chuyện “khoai tây Trung Quốc giả khoai tây Đà Lạt” để bán cho người tiêu dùng. Đúng là khoai tây được trồng ở xứ sương mù này thì giá cả có đắt nhưng chất lượng hơn khoai tây các nơi, nhất là khoai tây nhập từ Trung Quốc. Cứ đến mùa thu hoạch khoai tây ở Đà Lạt thì những chuyến xe tải chở đầy khoai tây Trung Quốc từ TP.Hồ Chí Minh chạy ngược lên thành phố trên cao. Các thương lái chỉ cần lấy đất đỏ ở Đà Lạt bôi trộn vào củ khoai tây Trung Quốc là trở thành “khoai tây Đà Lạt” chỉ sau một đêm. Khách từ xa đến rất khó phân biệt đâu là khoai tây Đà Lạt, còn đâu là khoai tây Trung Quốc.
Trường hợp tương tự là tỏi Lý Sơn. Cứ đến mùa thu hoạch là tỏi từ Khánh Hòa và Ninh Thuận được chở ngược ra đảo Lý Sơn để bán cho khách. Du khách nào không rành sẽ rất khó phân biệt đâu là tỏi được trồng ở Lý Sơn còn đâu là tỏi nhập từ nơi khác về. Vì tỏi Khánh Hòa hay tỏi Ninh Thuận cũng đều do người Lý Sơn di cư vào đó lập nghiệp và trồng nên quy trình chẳng khác gì trồng ở Lý Sơn. Năm nào cũng xôn xao chuyện “lập lờ đánh lận con đen” này mà vẫn chưa có giải pháp khắc phục.
Khác với mượn danh sâm Ngọc Linh để lừa đảo, giả danh khoai tây Đà Lạt và tỏi Lý Sơn để bán cho khách là khoai tây thật và tỏi thật nhưng xuất xứ lại không thật mà thôi. Rất khó để quy kết tội danh cho những người buôn bán khoai tây và tỏi ở dạng này vì họ cứ bày bán thế thôi chứ họ cũng không nói nguồn gốc xuất xứ.
Đã có Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH&CN) - địa chỉ xác nhận thương hiệu “chính gốc” của mỗi loại mặt hàng thì cứ thế mà đăng ký bản quyền. Khi làm bài bản, có mẫu mã hẳn hoi, khách hàng có thể nhận biết thật - giả qua mã vạch, thì không ai có thể lợi dụng thương hiệu được nữa.
Riêng việc lợi dụng thương hiệu sâm Ngọc Linh để huy động vốn rồi chiếm đoạt thì chỉ có luật pháp mới xử lý được trường hợp này mà thôi.
TRẦN ĐĂNG
TIN, BÀI LIÊN QUAN: