Chăm lo cho giáo viên mầm non

09:17, 03/08/2023
.

(Báo Quảng Ngãi)- Tại Diễn đàn người lao động năm 2023, do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và Văn phòng Quốc hội vừa phối hợp tổ chức, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn cung cấp thông tin đáng chú ý: Bộ GD&ĐT đang phối hợp với Bộ LĐ-TB&XH xem xét đưa nghề giáo viên mầm non vào ngành nghề nặng nhọc, độc hại.

Tất nhiên, để xếp giáo viên mầm non vào nhóm ngành nghề nặng nhọc, độc hại thì các bộ, ngành liên quan còn phải tiếp tục phối hợp nghiên cứu, đánh giá thêm các yếu tố đặc trưng về điều kiện lao động của nghề giáo viên mầm non. Nhưng qua phát biểu của Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cũng cho thấy, giáo viên mầm non cần nhận nhiều hơn sự quan tâm, động viên, sẻ chia của các cấp, ngành và toàn xã hội.

Trên thực tế, thời gian qua, Đảng, Nhà nước ta đã có nhiều chính sách quan tâm đến nhà giáo nói chung và giáo viên mầm non nói riêng. Đơn cử như, đại dịch Covid-19 xảy ra, các trường mầm non ngoài công lập bị ảnh hưởng, Chính phủ, Quốc hội đã có chính sách hỗ trợ giáo viên mầm non ngoài công lập. Qua đó, đã chi trả cho hơn 50 nghìn người với số tiền là 158 tỷ đồng...

Tại Quảng Ngãi, với điều kiện tự nhiên có núi, biển, hải đảo, nhiều điểm trường ở vị trí xa xôi, hẻo lánh. Cuộc sống người dân còn khó khăn, nên giáo viên mầm non vừa là cô, vừa là mẹ, chăm lo từ bữa ăn, giấc ngủ cho các em. Nhiều cô phải đi xin từng bộ quần áo, hộp sữa để mang đến tặng học sinh. Điển hình như cô giáo Trần Thị Minh Hiền - Hiệu trưởng Trường Mầm non xã Trà Thanh (Trà Bồng). Hơn 20 năm qua, cô đã huy động nguồn xã hội hóa được khoảng 2 tỷ đồng để xây dựng các điểm trường, góp phần cải thiện cơ sở vật chất, nâng cao chất lượng dạy và học. Hằng tuần, cô Hiền và các cô giáo trong trường còn thay phiên nhau nấu ăn cho trẻ, khi thì mì, bún, cháo, lúc thì hủ tiếu... 

Còn rất nhiều cô giáo mầm non tận tụy gắn bó với sự nghiệp “trồng người” khắp các địa phương trong tỉnh. Với mức lương khá thấp, nếu không có tình yêu với con trẻ, giáo viên mầm non khó mà gắn bó lâu dài với nghề này được. Đó là chưa kể, giáo viên mầm non phải luôn năng động, nhanh nhẹn và có sức khỏe để đảm bảo tốt việc chăm sóc, dạy trẻ múa, hát. Hơn nữa, các cô phải tự làm các mô hình, học cụ để phục vụ việc dạy học cho các cháu.

Theo thống kê, Quảng Ngãi hiện có hơn 4.000 giáo viên mầm non. Trong đó, có rất nhiều cô giáo công tác ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, hải đảo. Đời sống của phần lớn giáo viên mầm non còn thiếu thốn, nên để chăm lo cho từng học sinh, các cô không ngại vất vả, hy sinh. Chưa có thống kê chính xác trên địa bàn tỉnh có bao nhiêu cô giáo ở các nhóm trẻ độc lập chưa được đóng BHXH, nhưng như Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn thông tin, thì cả nước có đến 16 nghìn nhóm trẻ độc lập, trong đó có nhiều giáo viên làm việc chưa được tham gia BHXH. Vì vậy, các cô rất cần được quan tâm để bảo đảm quyền lợi.

Tại các cuộc tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội, nhiều cử tri mong Bộ LĐ-TB&XH nghiên cứu, quan tâm bổ sung giáo viên mầm non vào đối tượng các ngành nghề đặc biệt. Nhiều cử tri cũng băn khoăn, việc tăng tuổi nghỉ hưu đối với giáo viên mầm non lên 60 tuổi là chưa phù hợp.

Chăm lo cho nhà giáo nói chung và giáo viên mầm non nói riêng là nhiệm vụ chính trị quan trọng, thường xuyên của các cấp, ngành, qua đó góp phần nâng cao chất lượng giáo dục, nguồn nhân lực cho đất nước. Khi chưa thể xếp giáo viên mầm non vào nhóm ngành nghề nặng nhọc, độc hại, thì việc cần làm ngay là xem xét nâng phụ cấp ưu đãi cho các cô giáo, ưu tiên xây nhà công vụ cho giáo viên ở vùng khó khăn... Cùng với đó, phụ huynh và xã hội cần có những hành động thiết thực để sẻ chia với nỗi vất vả của “cô giáo như mẹ hiền”.

UYÊN ANH
 

TIN, BÀI LIÊN QUAN:

 

Xuất bản lúc: 09:17, 03/08/2023

Ý kiến bạn đọc


.