(Baoquangngai.vn)- Dự kiến, trong tháng 10/2023, Đoàn Thanh tra của Ủy ban Châu Âu (EC) sẽ sang Việt Nam kiểm tra lần thứ 4 về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định (IUU). Đợt kiểm tra lần này có ý nghĩa rất quan trọng trong việc sớm gỡ cảnh báo “thẻ vàng” đối với ngành thủy sản Việt Nam.
Sau gần 6 năm bị EC cảnh báo “thẻ vàng”, tình hình chống khai thác IUU của Việt Nam đã có những chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, theo đánh giá của của Ban Chỉ đạo Quốc gia về chống khai thác IUU tại Hội nghị trực tuyến với 28 tỉnh, thành phố ven biển để thúc đẩy các giải pháp chống khai thác IUU vừa được tổ chức, thì đến nay vẫn còn không ít tồn tại, hạn chế chậm khắc phục một số nội dung đã được Đoàn Thanh tra của EC chỉ ra tại đợt kiểm tra lần thứ 3.
Trong đó có việc tổ chức triển khai Luật Thủy sản, các quy định chống khai thác IUU còn chưa đồng bộ; kết quả chống khai thác IUU vẫn còn chưa đồng đều giữa các tỉnh, thành phố. Nguyên nhân của hạn chế này là do người đứng đầu chính quyền các cấp tại một số địa phương vẫn còn chủ quan, chưa quan tâm đúng mức nhiệm vụ chống khai thác IUU.
Cũng như ở lần kiểm tra trước đây, dự kiến Đoàn Thanh tra của EC cũng sẽ kiểm tra ngẫu nhiên một vài địa phương, chứ không phải ở cả 28 tỉnh, thành phố ven biển. Nhưng nếu địa phương bị kiểm tra ngẫu nhiên ấy vẫn chưa khắc phục những khuyến nghị mà EC đã chỉ ra thì nỗ lực trong nhiều năm, của nhiều ngành, nhiều địa phương sẽ không mang lại kết quả như mong muốn và cơ hội để gỡ “thẻ vàng” càng thêm xa vời, hậu quả tác động sẽ rất lớn không chỉ đối với ngành thủy sản Việt Nam.
Rõ ràng, khi cả nước cùng chạy đua với thời gian để giải quyết các kiến nghị của EC, nếu một vài địa phương vẫn chưa quan tâm đúng mức đến nhiệm vụ chống khai thác IUU thì sẽ ảnh hưởng đến nỗ lực chung của Chính phủ, các bộ, ngành trung ương và các tỉnh, thành ven biển.
Đơn cử như nếu nhiều địa phương làm tốt các giải pháp không để xảy ra bất cứ trường hợp tàu cá Việt Nam khai thác hải sản bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài, mà một vài địa phương có ngư dân vi phạm điều này thì đừng mong EC gỡ cảnh báo “thẻ vàng”.
Thời gian qua, việc EC cảnh báo "thẻ vàng" không chỉ làm cho ngành thủy sản bị thiệt hại mà khiến uy tín của Việt Nam bị giảm sút. Do đó, việc chống khai thác IUU không chỉ hướng đến gỡ “thẻ vàng” thủy sản, đảm bảo để ngành thủy sản Việt Nam phát triển bền vững, mà còn góp phần khôi phục uy tín và hình ảnh của Việt Nam trên trường quốc tế.
Vì thế, trong giai đoạn cao điểm của đợt chạy nước rút lần này, các địa phương ven biển trong cả nước phải quyết liệt hơn nữa trong thực hiện công tác chống khai thác IUU. Các địa phương cần huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, để làm tốt công tác này. Song, sự quyết liệt phải đi cùng với sự đồng bộ, nhịp nhàng giữa các địa phương, việc vỗ tay phải “đồng thanh, tương ứng” để tạo nên hiệu ứng cao nhất.
HOÀNG HÀ
TIN, BÀI LIÊN QUAN: