Với trẻ em, ngày Tết mang đến những ý nghĩa thật đặc biệt, được tham gia các hoạt động vui chơi, đi chúc Tết cùng gia đình, nhận lì xì đầu năm... hay thưởng thức những món ăn ngon.
Tư vấn chăm sóc dinh dưỡng cho trẻ tại Khoa Khám tư vấn dinh dưỡng trẻ em (Viện Dinh dưỡng). |
Tuy nhiên, các bác sĩ dinh dưỡng khuyến cáo các bậc cha, mẹ cần chú ý đến chế độ dinh dưỡng cho trẻ em để phòng tránh các vấn đề sức khỏe có thể xảy ra trong dịp này.
Tiến sĩ, bác sĩ Phan Bích Nga, Trưởng khoa Khám tư vấn dinh dưỡng trẻ em (Viện Dinh dưỡng) cho biết, chế độ dinh dưỡng cân đối là “chìa khóa vàng” mở cánh cửa cho sự phát triển toàn diện của trẻ em, nhất là trong những dịp lễ, Tết, thời điểm có đầy ắp món ăn hấp dẫn và thú vị. Chính vì vậy, để bảo đảm trẻ phát triển toàn diện và có một kỳ nghỉ an lành, cha mẹ cần tập trung vào việc cung cấp cho trẻ một chế độ dinh dưỡng cân đối.
Dinh dưỡng cân đối không chỉ là việc cung cấp đủ năng lượng cho cơ thể mà còn bảo đảm cung cấp đầy đủ chất xơ, protein, chất béo, vitamin và khoáng chất.
Các chất xơ và canxi, được tìm thấy nhiều trong rau xanh và sản phẩm từ sữa, là yếu tố quyết định giúp trẻ phát triển chiều cao một cách khỏe mạnh; các vitamin và khoáng chất từ trái cây và rau xanh giúp tăng cường hệ miễn dịch, giúp trẻ chống lại bệnh tật; Omega-3 có trong cá hồi và hạt chia, đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển của não bộ, giúp trẻ tập trung và nâng cao khả năng học tập.
Các bậc cha, mẹ cần hạn chế thực phẩm nguồn năng lượng rỗng bằng cách tránh cho trẻ ăn quá nhiều thực phẩm ngọt, đồ ăn chiên rán, và đồ uống ngọt có gas. Những thực phẩm này chứa nhiều chất béo và đường, có thể làm tăng nguy cơ xảy ra các vấn đề sức khỏe như tăng cân, suy dinh dưỡng và rối loạn tiêu hóa. Thay vào đó, tăng cường ăn rau xanh và hoa quả để bổ sung chất xơ và các dạng dinh dưỡng khác, giúp duy trì sự cân bằng năng lượng và giữ cho trẻ có tinh thần sảng khoái.
Đáng chú ý, trong những dịp lễ, có thể trẻ sẽ có xu hướng ăn nhiều hơn thông thường. Tuy nhiên, cha mẹ cần giữ cho lượng thức ăn phù hợp với nhu cầu dinh dưỡng của trẻ, tránh tình trạng “no dồn, đói góp”. Việc này giúp tránh tình trạng thừa cân và giữ cho hệ tiêu hóa của trẻ ổn định. Nên khuyến khích trẻ ăn từ từ, thưởng thức từng món một để trẻ có thời gian nhận biết tín hiệu no từ cơ thể.
Chia nhỏ bữa ăn là một trong những cách đơn giản nhất để quản lý lượng thức ăn của trẻ. Chia lượng thức ăn thành nhiều bữa nhỏ trong ngày thay vì chỉ có một hoặc hai bữa lớn có thể giúp duy trì mức đường huyết ổn định và ngăn chặn cảm giác đói quá mức. Nên cố gắng sử dụng nhiều loại thực phẩm khác nhau trong mỗi bữa, bảo đảm cung cấp đủ chất dinh dưỡng từ nhiều nguồn. Sự đa dạng này cũng giúp trẻ phát triển khẩu vị đa dạng.
Bên cạnh chế độ dinh dưỡng cân đối, các bác sĩ cũng đưa ra một số khuyến cáo về chăm sóc trẻ trong những ngày Tết. Theo đó, dù là dịp nghỉ thì các gia đình cần giữ đúng nhịp sinh hoạt của trẻ không chênh lệch quá nhiều so với ngày thường. Điều này giúp trẻ không bị sốc khi quay lại thói quen học tập và sinh hoạt hằng ngày sau kỳ nghỉ. Thói quen ngủ cũng nên được duy trì, giúp trẻ có đủ giấc ngủ để phục hồi năng lượng.
Mặt khác cần hạn chế lượng đường trong khẩu phần ăn và giữ cho trẻ uống nước nhiều hơn nước ngọt, giúp duy trì sức khỏe của răng và ngăn chặn tình trạng thừa cân. Cần chú ý đến các thực phẩm chứa đường “ẩn”, như bánh kẹo và thực phẩm chế biến. Tăng cường cho trẻ ăn rau mà chúng thích, cung cấp đủ nước, nếu trẻ không chịu ăn rau, có thể thay thế bằng các loại thực phẩm khác như cà rốt, bí đỏ, hoặc trái cây có hàm lượng nước cao.
Việc tạo môi trường gia đình tích cực trong dịp lễ, Tết cũng là rất cần thiết, không chỉ giúp trẻ phát triển dinh dưỡng mà còn hỗ trợ tâm lý, tạo ra nền tảng cho sự phát triển toàn diện của trẻ. Trong các bữa ăn nên trang trí bàn ăn với các loại hoa, đèn trang trí và những chiếc đĩa đẹp mắt có thể tạo không khí Tết vui vẻ và thú vị cho trẻ. Khi trang trí, có thể bổ sung cả các loại rau củ tươi mầu, tăng sự hiện diện rau củ trong bữa ăn.
Thay vì tập trung vào số lượng thức ăn, hãy chú trọng đến chất lượng và cách chế biến. Món ăn đẹp mắt và hấp dẫn thường khiến trẻ hứng thú hơn và sẵn sàng ăn các loại thực phẩm mới. Có thể mời trẻ tham gia vào quá trình nấu ăn cho những ngày Tết, giúp trẻ có thêm hiểu biết về nguồn gốc và quy trình chế biến thực phẩm.
Các gia đình có thể chia sẻ về những trải nghiệm cá nhân, những niềm vui và thách thức trong việc duy trì một lối sống dinh dưỡng lành mạnh. Những câu chuyện này không chỉ giúp trẻ hiểu về giá trị của việc ăn uống mà còn tạo động lực cho trẻ duy trì chế độ dinh dưỡng và sinh hoạt lành mạnh. Tránh biến thức ăn thành phần thưởng hoặc phạt, điều này có thể gây phản ứng tiêu cực với thức ăn của trẻ…
Như vậy, chăm sóc dinh dưỡng hợp lý trong dịp Tết không chỉ giúp trẻ tránh được các vấn đề sức khỏe mà còn tạo ra môi trường vui vẻ, an lành cho cả gia đình. Sự chủ động và nhất quán trong việc quản lý chế độ dinh dưỡng sẽ là nền tảng cho sự phát triển toàn diện của trẻ em.
Theo PHƯƠNG LINH/Nhandan.vn