Mẹo 'tái chế' đồ ăn ngày Tết thành món khoái khẩu

10:01, 25/01/2023
.
Sau Tết, nhà bạn vẫn còn nhiều đồ ăn, làm sao để "giải quyết" hết mà không gây ngán ngẩm?
 
Chuẩn bị cho Tết Nguyên đán, các gia đình thường mua rất nhiều thực phẩm để dự trữ. Sau kỳ nghỉ lễ dài ngày cũng là lúc không ít gia đình phải "khổ sở" ngao ngán nhìn đống thức ăn thừa.
 
Để không phải ăn đi ăn lại các món nhàm chám nhưng vẫn tận dụng được đồ thừa, bạn có thể tham khảo một số gợi ý dưới đây.
 
Bánh chưng
 
Bánh chưng thừa là một vấn đề đối với nhiều bà nội trợ sau dịp Tết Nguyên đán. Có những gia đình thừa đến cả chục chiếc trong khi mọi người đều đã ngán đồ nếp. Có nhiều giải pháp để bạn tiêu thụ hết chỗ bánh này một cách ngon lành. Hãy thử làm các món sau.
 
Bánh chưng rán
 
Đây là món thông dụng, phổ biến nhất. Cũng là bánh chưng nhưng nếu đem rán thì sẽ hấp dẫn, lượng tiêu thụ sẽ tốt hơn rất nhiều.
 
Cách làm: Bánh chưng cắt miếng vừa ăn, dày mỏng tùy ý. Làm nóng chút xíu dầu ăn trong chảo chống dính, cho bánh chưng vào rán ở mức lửa vừa, lật bánh khi mặt dưới vàng giòn. 
 
Bánh chưng chiên rất dễ ăn.
Bánh chưng chiên rất dễ ăn.
Một cách rán bánh chưng khác: Đổ nước lọc vào chảo (llượng nước xâm xấp bánh) rồi cho bánh chưng đã cắt miếng vào, đun lửa vừa; khi nước sôi cạn còn một nửa thì giảm lửa, dằm nhỏ bánh, dàn mỏng, đều. Khi nước đã cạn gần hết, bánh chưng đã thành một lớp kết dính thì lật mặt, chiên đến khi vàng giòn đều 2 mặt là được. Lấy bánh ra đĩa, cắt miếng vừa ăn.
 
Bánh chưng rán ăn cùng tương ớt hoặc nước mắm ớt, các loại dưa muối. 
 
Bánh chưng nướng
 
Nguyên liệu: Bánh chưng nửa cái cắt khoanh, trứng gà 2 quả, giò lụa 250 gr thái chỉ, bột mỳ 50 gr, bơ 10 gr, nước mắm, hạt nêm, tiêu vừa đủ.
 
Đập 1 quả trứng, nêm nước mắm, hạt nêm, đánh đều. Lấy từng khoanh bánh chưng lăn qua bột mỳ rồi nhúng vào trứng. Làm tương tự với giò lụa. Đặt miếng giò lụa lên bánh chưng, rắc hạt tiêu lên, cho vào lò nướng ở mức 200 độ C, sau khoảng 25 phút thì lấy ra phết bơ rồi nướng 15 phút nữa. 
 
Lấy bánh chưng ra đĩa, ăn cùng tương ớt, nước tương hoặc nước mắm củ kiệu.
 
Bánh chưng bọc khoai lang
 
Nguyên liệu: Bánh chưng 1 cái, khoai lang vàng 1 củ, nước cốt dừa 150ml, nước lọc 50ml, bột năng 10gr, đường 20gr, lạc rang 40 gr; hành lá, gia vị vừa đủ.
 
Cách làm: Trộn hỗn hợp nước cốt dừa, nước lọc, bột năng, đường, đun nhỏ lửa và khuấy đều cho đến khi sôi và sền sệt.
 
Đun dầu ăn cho nóng già rồi cho hành lá thái nhỏ vào đảo để làm mỡ hành.
 
Khoai bỏ vỏ, thái nhỏ, luộc chín, để ráo rồi cho vào 1/2 thìa cafe muối, 1 thìa cafe đường, 1 thìa cafe mỡ hành, đánh đều nhuyễn. 
 
Bánh chưng hấp cách thuỷ hoặc vi sóng cho mềm, sau đó nhồi nhuyễn thành một khối mịn dẻo. Dàn chỗ nếp này lên tấm nylon sạch thành hình chữ nhật, cho khoai lên trên bề mặt rồi cuộn lại, chiên ngập dầu cho đến khi vàng giòn thì vớt ra. Dùng kéo cắt bánh, rưới nước cốt dừa và mỡ hành, lạc rang giã nhỏ lên, ăn nóng.
 
Pizza bánh chưng
 
Bánh chưng tách phần nhân thịt và vỏ bánh. Ớt chuông vàng, đỏ thái sợi; hành lá thái nhỏ; cà rốt, đậu Hà Lan, ngô ngọt luộc sơ.
 
Cho phần vỏ vào âu cùng 1 quả trứng gà và hành lá, dằm, trộn đều. Cho chút dầu vào chảo, láng đều, khi dầu nóng thì cho phần vỏ bánh vào, tiếp tục dằm và dàn đều, để khoảng 2 phút với lửa nhỏ, sau đó cho phần nhân bánh cùng các loại rau củ, phô mai vào. Khoét một lỗ tròn ở giữa, đổ vào 1 quả trứng gà. Đậy vung, chiên với lửa nhỏ cho đến khi bánh vàng giòn mặt dưới, phần trên chín đều thì cho ra đĩa, rắc thêm chút hành lá.
 
Thịt gà
 
Thịt gà cũng là món hay thừa mỗi dịp Tết. Nhất là món thịt gà luộc, nếu còn thừa bạn có thể tận dụng xé nhỏ để làm các món bún, phở, nấu cháo...
 
Món ăn chống ngán sau Tết: Miến/phở gà trộn.
Món ăn chống ngán sau Tết: Miến/phở gà trộn.
Cách làm như sau:
 
- Gỏi gà: Hành tây thái mỏng ngâm dấm đường, gà rắc chút gia vị, rau răm rửa sạch thái nhỏ. Trộn đều tất cả, vắt thêm chút chanh cho thơm, thêm lát ớt nếu thích ăn cay, vậy là được món gỏi đơn giản và dễ bay 1/2 con gà.
 
- Phở gà: Nước gà có sẵn, gà có sẵn, thêm chút bánh phở, hành mùi là có phở gà ăn sáng. Lưu ý, nước gà cần được bỏ thêm chút rễ mùi, hạt mùi già, hành gừng nướng và hạt tiêu vỡ để có mùi thơm đặc biệt đúng vị.
 
- Bún gà: Nước luộc gà. Măng nứa khô xào và om kỹ cho mềm, thêm gà và mọc (nên cho nấm, mộc nhĩ, tiêu và chút nước mắm vào mọc sẽ ngon hơn).
 
- Phở/miến gà trộn: Nguyên liệu của món phở gà trộn gồm có gà, bánh phở/miến, rau thơm mùi, hành phi, lạc rang và nước trộn chua mặn ngọt vừa miệng là được bát phở trộn cho bữa tối nhẹ bụng. 
Giò lụa
 
Với phần giò lụa còn thừa từ Tết, các bà nội trờ có thể tận dụng lấy ra thái chỉ, cùng với thịt gà xé nhỏ để cho vào các món bún, miến, phở dùng trong bữa sáng, rất tiện lợi mà vẫn đảm bảo có món ăn sáng thơm ngon cho cả gia đình.
 
Bạn có thể tận dụng giò để đổi bữa cho cả nhà với món nem/phở cuốn cực kỳ nhẹ nhàng, thanh mát sau những ngày Tết nhiều đồ chiên, xào.
 
Cách làm: Giò lụa, trứng rán, thịt luộc, dưa chuột, cà rốt thái sợi. Dùng bánh phở hoặc bánh đa nem cuốn cùng rau sống tổng hợp và chấm nước mắm chua ngọt rất dễ ăn.
 
Một cách tận dụng giò khác đó là thái giò thành các miếng mỏng vừa ăn và đem rim nước mắm, cho chút hạt tiêu. Món này thích hợp ăn với cơm nóng.
 
Thịt bò
 
Thịt bò cũng là một trong những thực phẩm có thể bị dư sau Tết. Bạn có thể kết hợp thịt bò thừa với các nguyên liệu như cà rốt, rượu vang, cà chua, rau củ để tạo nên nhiều món bò hầm lạ miệng, thơm ngon.
 
Cách làm bò sốt vang chuẩn vị.
Cách làm bò sốt vang chuẩn vị.
Cách làm:
 
Thịt bò rửa sạch, thái thành miếng vuông vừa ăn, chần qua với nước sôi có đập nhánh gừng rồi vớt ra. Ướp thịt trong khoảng 15 phút với gia vị, ngũ vị hương, quế, hồi, bột điều, gừng băm, tỏi băm và rượu vang.
 
Cà chua lột vỏ, thái hạt lựu. Phi tỏi, cho cà chua vào đảo nhừ rồi lấy thìa dầm nát.
 
Khoai tây, cà rốt thái hộp diêm; hành tây thái mỏng ngâm vào nước đun sôi 3 phút cho bớt hăng; hành, rau mùi, cần tây thái nhỏ.
 
Hoà bột sắn dây với nước để sẵn.
 
Cho thịt bò đã ướp vào nồi áp suất rồi lần lượt cho khoai tây, cà rốt và cà chua vừa đảo vào. Sau đó, đổ nước vào xâm xấp thịt, hầm nhiệt độ cao nhất trong 30 phút.
 
Khi thịt nhừ thì đổ nước bột sắn dây vào, khuấy đều, đun sôi thêm 3 phút là được.
 
Múc sốt vang ra bát, cho hành, mùi, cần tây, hành tây đã thái vào. Ăn nóng với bánh mỳ là ngon nhất.
 
Các loại trái cây
 
Trái cây mua về dùng trong dịp Tết khá nhiều. Tuy nhiên, các loại trái cây tươi không ăn nhanh thì rất dễ hỏng. Do đó, ngoài bảo quản tủ lạnh, chị em có thể tận dụng các loại trái cây có sẵn trong nhà, biến tấu thành các món thanh mát, dễ ăn.
 
Trái cây khó có thể bảo quản nếu để lâu ngày.
Trái cây khó có thể bảo quản nếu để lâu ngày.
Chẳng hạn, có thể cắt nhỏ các loại trái cây như táo, thanh long, dưa hấu, lê, chuối… và trộn với sữa chua để có món sữa chua hoa quả thơm ngon và giàu chất dinh dưỡng.
 
Bạn cũng có thể làm thành các loại sinh tố xoài, dưa hấu… sinh tố thập cẩm. Một cách tận dụng trái cây nữa là làm thành các loại trái cây sấy, mứt, ô mai để tủ lạnh dùng dần…
 
Theo Hạ Vy/VTC.vn
 

.