Hương vị Tết quê  

13:42, 09/02/2024
.

(Baoquangngai.vn)- Dù Tết đã mặc nhiên hiện diện trong tâm thức của mỗi người Việt Nam nhưng tôi tin chắc một điều rằng, tất cả chúng ta đều đang ở trạng thái nôn nao, khi những ngày tháng cuối cùng của năm cũ dần trôi qua. Chờ đợi điều gì không rõ, chỉ biết ai cũng nghe thoang thoảng đâu đây, trong cái tiết trời cuối đông se lạnh của miền Trung, vị nồng nàn của hương vị Tết quê.

Sự sôi động của cuộc sống công nghiệp đô thị hiện tại chưa bao giờ khiến tôi quên đi nỗi nhớ Tết quê. Tháng Chạp, khắp làng trên xóm dưới đều xôn xao tiếng chày quết chả, mùi thơm của tỏi, của tiêu quện với mùi thịt mới tỏa khắp không gian. Rồi hương gừng, hưởng xả, hương chanh cứ nối nhau trêu ghẹo thính giác con người. Đoạn hấp dẫn nhất và được chờ đợi nhất đối với lũ trẻ con loi choi chúng tôi ngày ấy và với cả người lớn nữa là màn đúc bánh thuẫn, một loại bánh dân dã được làm từ bột, trứng, đường và ít muối. Bột phải được rây mịn, trứng phải chọn trứng gà tươi mới đẻ, đường phải là đường cát trắng tinh và một chút muối hầm cho tăng vị mặn mòi của bánh.

Ảnh minh họa. Internet
Ảnh minh họa. Internet

Chỉ chừng mươi phút, dưới đôi tay đánh bột thoăn thoắt của mẹ, hỗn hợp ấy đã dậy màu vàng ươm. Bột phải đánh kĩ, đều, liên tục trong khoảng ba mươi phút, nếu không bánh sẽ không bung. Đúng độ, mùi thơm vừa ngòn ngọt vừa ngầy ngậy bốc lên từ thau bột bánh khiến vị giác khó mà cưỡng lại được. Bọn trẻ chúng tôi, đứa nào đứa nấy, miệng bắt đầu lóp tóp thèm thuồng. Lửa than đã được chuẩn bị trước, bột dậy màu cũng là lúc bếp than hồng rực. Tô mỡ heo đã chuẩn bị sẵn, từng khuôn bánh làm bằng gang dày cộp và khá nặng được đặt vào một cái xoong có một phần ba cát đã nóng bắc sẵn trên bếp than hồng.

Khi một làn hơi mỏng bay lên, nghe chừng khuôn đủ nóng, đôi tay đã có nhiều đường nhăn của mẹ khéo léo dùng một đoạn cuống tàu lá chuối được cắt vát một đầu, nhúng vào tô mỡ rồi xoa kín lòng từng ô trên khuôn bánh rồi múc bột đổ vào. Xong, mẹ đạy nắp xoong, gương mặt lấm tấm mồ hôi của mẹ lộ rõ vẻ hồi hộp chờ đợi mẻ bánh đầu tiên. Dân gian nói rồi “đầu có xuôi thì đuôi mới lọt”, mẻ bánh đầu mà nở bung ba bốn khía thì có nghĩa là mẹ đã thành công, còn lũ trẻ con chúng tôi thì đứa nào đứa nấy gương mặt tiu nghỉu vì thất bại. Ngồi chầu rìa xem mẹ đúc bánh có cái thú riêng của nó, thứ nhất được thưởng thức phần bột bánh nhễu ra ngoài ô khuôn, thứ hai được ăn hỗn bánh “thầy tu” tức là bánh không nở bung do bột đánh chưa tới hoặc do lửa than chưa đủ nóng, thứ ba chờ đến lúc mẹ tráng thau bột thì được thưởng thức thứ bánh mót dẻo dẻo, ngọt ngọt, thơm thơm cũng lạ miệng kèm nụ cười mãn nguyện.

Vui nhất có lẽ là đêm 30 Tết. Vài ngày trước đó mẹ đã chuẩn bị lá dong, lạt tre, gạo nếp, đậu xanh, thịt vai heo, các loại gia vị như tiêu, củ hành khô... để gói bánh chưng, bánh tét. Sáng 30, cha bắt đầu gói bánh, đôi tay cha khi mềm mại khi rắn rỏi để cho ra đời những chiếc bánh chưng vuông vức, những chiếc bánh tét tròn căng. Anh em tôi ngưỡng mộ cha lắm, trong lòng thầm ước, mai này lớn lên được khéo léo như cha.

Gói bánh xong cũng quá ngọ, cơm nước và nghỉ ngơi một chút, cha chuẩn bị một cái bếp khổng lồ đặt giữa sân bằng ba viên đá tảng to bự, những khúc củi đã được cha chuẩn bị hàng tháng trời khô chắc bắt đầu được nhóm lên. Cha xếp bánh vào một chiếc nồi vừa to vừa cao rồi chèn bánh thật chặt và đổ nước múc từ giếng vào ngập bánh. Bánh vừa xếp xong thì lửa củi cũng đã bắt đầu cháy rực. Nồi bánh được bắc lên bếp, yên vị cho tới giao thừa. Đêm ấy, cả nhà quây quần quanh nồi bánh, thỉnh thoảng cha thêm củi, thêm nước vào, mẹ tranh thủ làm cho xong các thủ tục cúng giao thừa, còn đám trẻ thì ríu ra ríu rít chạy ra chạy vào mong cho trời mau sáng để được mặc quần áo mới. Giao thừa, trong thời khắc giao hòa thiêng liêng của đất trời, những chiếc bánh chưng bánh tét vừa chín tới tỏa khói thơm nồng vị quê trên bàn thờ gia tiên khiến ai nấy đều rưng rưng xúc động.

Bây giờ, sau tất cả những trải nghiệm và đang được sống trong một điều kiện vật chất sẵn có, đủ đầy, thế hệ chúng tôi vẫn chẳng thể nào quên được hương vị Tết quê xưa. Dường như hương vị ấy vẫn thoang thoảng đâu đây, nhắc nhớ về một điều gì đó tưởng đã xa xôi nhưng lại gần gũi vô cùng đối với cuộc đời mỗi con người.

TRẦN THU HÀ

TIN, BÀI LIÊN QUAN:

 

Xuất bản lúc: 13:42, 09/02/2024

Ý kiến bạn đọc


.