Về với yêu thương

05:29, 09/02/2024
.

(Báo Quảng Ngãi)- Mỗi dịp xuân về, trong tiết trời giao mùa dịu ngọt, lòng người bỗng thấy rộn ràng, nôn nao chuẩn bị đi chợ Tết...

Xuân về.     Ảnh: Ý THU
Xuân về. Ảnh: Ý THU

Chợ quê...

Mỗi dịp xuân về, trong tiết trời giao mùa dịu ngọt, lòng người bỗng thấy rộn ràng, nôn nao chuẩn bị đi chợ Tết. Phiên chợ ngày Tết từ lâu đã là nơi lưu giữ những phong tục truyền thống, đặc trưng của làng xã, một phần không thể thiếu trong đời sống văn hóa, để rồi khi đi xa, những điều ngỡ bình thường, mộc mạc ấy luôn vọng về trong tâm thức.

Những ngày giáp Tết, các phiên chợ đều trở nên đông đúc, nhộn nhịp. Đi giữa không gian ấy, cảm xúc của con người trở nên tươi mới, nhiều cung bậc bởi hương vị Tết. Trong không gian thân thuộc ấy, nhìn đâu, chạm đâu cũng thấy kỷ niệm tràn về.

Chợ quê.
Chợ quê.

Phiên chợ vào những ngày cuối tháng Chạp náo nhiệt và tràn ngập không khí Tết. Hàng hóa chợ quê ngày Tết khá phong phú, đa dạng với những sản phẩm đặc trưng, mang đậm tính truyền thống của dân tộc, như dưa kiệu, lá dong, bánh chưng, bánh tét, hay nhiều loại bánh mứt tự làm. Trông đẹp mắt và sang trọng nhất là gian hàng bày bán những giỏ quà xinh xắn đựng bánh mứt, rượu trà hay những bình hoa vải, hoa nhựa sặc sỡ, bắt mắt. Nhưng có lẽ, điều tạo nên linh hồn của một cái Tết cổ truyền thì không thể thiếu sự quyện hòa giữa mùi hương và sắc màu, nét riêng dễ nhận biết. Chính vì thế, chợ quê ngày Tết có những gian hàng với mùi vị của hương trầm, với sắc màu của đèn, của thiếp vàng... Dạo ngang nơi ấy dịp Tết, bao người xa quê trở về đi trong cảm xúc ngập tràn. 

Đi chợ quê ngày Tết là đến với một không gian chan chứa niềm vui và kỷ niệm. Đi để gặp lại, nghe lại những tiếng chào mời thân thiện, chân quê. Đi để nghe âm thanh của cuộc sống đời thường vang vọng. Chợ Tết dĩ nhiên là nơi trao đổi, mua bán, nhưng cũng là nơi neo giữ hương vị của tuổi thơ, của ký ức quê nhà, của nét đẹp văn hóa trong mỗi con người, nhất là người xa quê.  

Đêm giao thừa

Giao thừa là thời khắc thiêng liêng, thời điểm chuyển giao giữa năm cũ sang năm mới. Lúc này trời đất giao hòa, âm dương hợp quyện, vạn vật dường như trỗi dậy, bừng lên sức sống tươi mới và mãnh liệt nhất. Trong thời gian và không gian thật sự ý nghĩa của đêm giao thừa, người ta mong ước những khó khăn của năm cũ sẽ trôi đi như những cánh hoa tàn rơi rụng trong giá lạnh mùa đông và chào đón năm mới với tràn đầy ước mong và hy vọng. Thật vậy, được tận hưởng vẹn nguyên phút giây thiêng liêng ấy với cảm giác của sự trầm mặc, thanh tịnh trong mùi trầm hương quyện ngát, bảng lảng với tiếng chuông khuya vang vọng mà rưng rức, bồi hồi.

 

Tia sáng hướng thiên của pháo hoa, sáng bừng cả không gian. Đất trời náo nức, tâm hồn con người trở nên tĩnh tại, gần gũi, thân thương đến lạ kỳ. Một đêm giao thừa đầy ắp yêu thương, ấm cúng sẽ tiếp thêm động lực cho mỗi người sống và làm việc tốt hơn. Theo phong tục có từ lâu đời, thường khi giao thừa người ta đều sắm một mâm lễ để cúng ngoài trời ở khoảng sân trước nhà và để cúng trong nhà tại bàn thờ gia tiên vào thời điểm bắt đầu ngày mùng Một Tết.

Đêm giao thừa thoang thoảng mùi trầm hương nhẹ bay, cái mùi Tết, mùi đoàn viên không lẫn vào đâu được! Ai đi xa không kịp về  nhà đón giao thừa, chỉ cần thoảng trong làn gió mùi trầm hương thơm thoảng, nhẹ bay đã nặng nhớ, nặng thương, mùi trầm hương tuy nhẹ nhàng nhưng lắng sâu. Giữa giờ khắc giao thừa, trong hương trầm bảng lảng, nhìn bao ánh mắt long lanh, chờ đợi, lòng người bỗng khơi sâu đến tận cùng cảm thức về sự linh thiêng đang ùa về mang tín hiệu của an lành, hạnh phúc!

Mưa xuân

Mùa xuân được gọi là mùa tái sinh của vạn vật sau hành trình dài dặc đi qua tiết đông giá lạnh. Mùa xuân là mùa sinh sôi của cây lá sau ngày tháng âm thầm tích nhựa, sau khoảng thời gian chống chọi với từng cơn mưa dầm, từng đợt gió bấc. Và mùa xuân với từng làn mưa bụi giăng mờ, mỏng manh như một tín hiệu mơ hồ phả vào không gian cho đất trời thêm hương, thêm vị. Và tự bao giờ, thứ “mưa như rây bột” đã thành đặc sản của mùa xuân. Mưa bụi! Đấy là thứ mưa không ầm ào trong chốc lát như mưa rào, không dai dẳng, rả rích như mưa dầm, mà chỉ là làn mưa mỏng nhẹ, trông như hạt bụi, nhẹ như sương mai mà đằm dịu, vấn vương, neo chặt trong tâm hồn của những con người đa cảm, lãng mạn.

 

Mưa bụi mùa xuân gieo vào lòng những kỷ niệm êm đềm. Những kỷ niệm ấy cứ lặng lẽ theo tôi suốt cả quãng đời dài, có lúc khe khẽ, dịu dàng, nhưng cũng có khi da diết, nồng nàn. Tôi đi về phía ngày xưa cùng làn mưa bụi, gặp lại tuổi thơ đầu trần chân đất cùng lũ bạn chơi đùa mặc dấu mưa lành lạnh vương trên áo, đậu trên tóc, gương mặt đẫm nước. Cảm giác được hòa trong mưa, bình yên làm sao. Để rồi khi sống ở phố phường, giữa những ngôi nhà tầng san sát, nhìn mưa bụi giăng giăng ngoài ô cửa kính, tôi lại da diết nhớ về ngày tháng cũ khi chạm hờ ký ức ngọt ngào. Sau thời gian phải chịu đựng rét buốt bởi gió bấc và mưa dầm, tiết trời đã thay đổi, nắng non và mưa bụi đã đồng hành trong sứ mệnh nâng niu để từng nõn xanh, lộc biếc hân hoan thức giấc sau lớp vỏ sần sùi vết tích của thời gian.

Mưa bụi nhạt nhòa khẽ gọi mùa xuân! Tôi đã yêu thiết tha cái thứ mưa thanh nhẹ giăng đầy kỷ niệm này. Cứ mỗi lần xuân đến, tiết trời se lạnh tôi lại nhớ đến nao lòng những cơn mưa bụi. Bởi đây chính là thời điểm tâm hồn được đánh thức, khơi gợi bởi vị mùa rõ rệt qua hương sắc của hoa, qua cái mùi ngai ngái, nồng nồng của đất. Vạn vật căng tràn sức sống, cựa mình thức giấc sau mùa đông rét buốt.

SƠN TRẦN

TIN, BÀI LIÊN QUAN:

 


                                                                      

Xuất bản lúc: 05:29, 09/02/2024

Ý kiến bạn đọc


.