Tết đoàn viên

10:44, 10/02/2024
.

(Báo Quảng Ngãi)- Giáp Tết, nhiều người ở phương xa trở về quê sum vầy cùng gia đình. Tiếng cười lan từ nhà này sang nhà kia làm cho mùa xuân thêm ấm áp.

Những ngày cuối tháng Chạp, nhiều người dân ở xã Phổ Cường (TX.Đức Phổ) đứng đợi ở ven Quốc lộ 1 để đón người thân mưu sinh ở các tỉnh phía nam về quê đón Tết. Chốc lát lại có chuyến xe khách dừng bánh sau chặng đường dài gió bụi. Hành khách tay xách nách mang bước xuống xe gặp người thân, gương mặt rạng ngời niềm vui. Đường làng những ngày cuối năm đông vui. Chợ Cung, chợ Đàn chật kín người, rộn ràng tiếng nói cười, chào hỏi nhau sau một năm xa cách. Mọi người mua sắm để sửa soạn mâm cỗ cúng tổ tiên và chung vui gia đình trong những ngày Tết.

Tết là dịp để mọi người sum vầy, bày tỏ lòng thành kính và tạ ơn thần linh.                 		             Ảnh: PV
Tết là dịp để mọi người sum vầy, bày tỏ lòng thành kính và tạ ơn thần linh. Ảnh: PV

Bà Võ Thị Liên, ở thôn Mỹ Trang, xã Phổ Cường cười tươi, dang đôi tay ôm cháu nội vào lòng. Vợ chồng anh Nguyễn Văn Thái - con trai của bà Liên, trở về quê đón Tết sau một năm mưu sinh ở TP.Hồ Chí Minh. Sau khi mang đồ đạc vào nhà, vợ chồng anh Thái cùng người thân trong gia đình sửa soạn mâm cỗ cúng tất niên. Bà Liên không rời cháu nội, bởi lâu rồi không gặp nên nhớ lắm. Thi thoảng bà quay lại nhắc các con lo hương hoa, bánh trái... và sang mời bà con họ hàng đến chung vui. Tiếng trẻ con bi bô nói cười như mang đến hơi ấm mùa xuân trong căn nhà nhỏ. “Tôi có 5 đứa con thì 4 đứa đi làm ăn xa. Tết đến, con cháu trở về, tôi vui lắm”, bà Liên cười nói. “Vợ chồng tôi vào TP.Hồ Chí Minh bán hủ tiếu. Bận rộn cả năm, Tết mới có dịp về quê”, anh Thái góp chuyện.

Năm nào cũng vậy, anh Bùi Nhật Thuật, ở thôn Thanh Sơn, xã Phổ Cường đều thu xếp công việc để về quê đón Tết. Vừa về đến quê, anh Thuật lăng xăng dọn dẹp nhà cửa, thắp nén hương lên bàn thờ tổ tiên. Tạm xong việc nhà, anh dạo quanh thăm bà con láng giềng, gặp lại những người bạn từ thuở thiếu thời tay bắt mặt mừng, hể hả nói cười giữa ngày xuân ấm áp. Bữa cơm tất niên gia đình ấm cúng, tình yêu thương tràn đầy sau một năm xa cách. “Tết ở quê rất vui, nên không chỉ riêng tôi mà nhiều người đều về quê đón Tết. Đi làm ăn xa cả năm, Tết mới có dịp gặp gỡ, chuyện trò cùng người thân trong gia đình ở quê và bà con trong dòng tộc, láng giềng”, anh Thuật chia sẻ.

Đi để trở về.  
           ẢNH: Phương Jeep Bu
Đi để trở về. ẢNH: Phương Jeep Bu

Tôi có dịp vào TP.Hồ Chí Minh, gặp anh Bùi Nhật Thuật cùng những người con quê hương Phổ Cường mưu sinh bên xe hủ tiếu. Đêm về. Đường Hoàng Sa nằm bên kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè lung linh dưới ánh đèn vàng. Xe cộ ngược xuôi nườm nượp. Trên vỉa hè, anh Bùi Nhật Thuật luôn tay nấu hủ tiếu phục vụ khách. Chị Hà - vợ anh Thuật, bưng hủ tiếu đến bàn cho thực khách với nụ cười thân thiện. “Thức khuya riết rồi thành quen. Công việc vất vả nhưng bù lại có nguồn thu nhập lo cho gia đình, vậy nên vợ chồng tôi động viên nhau cố gắng làm việc”, anh Thuật chia sẻ.

Anh Nguyễn Văn Thái, người cùng quê xã Phổ Cường, cũng làm nghề bán hủ tiếu. Cứ 4 giờ chiều, anh Thái đẩy xe hủ tiếu ra phía trước phòng trọ để bán cho khách, đến tận 1 giờ sáng hôm sau mới nghỉ. Khi phố xá vắng bóng người, anh lọ mọ rửa tô, dĩa, thu dọn dụng cụ rồi vào phòng trọ nghỉ ngơi. Sáng sớm, anh đến chợ mua thực phẩm mang về chế biến, để buổi chiều lại tiếp tục công việc bên xe hủ tiếu. “Mỗi ngày tôi kiếm được 500 nghìn đồng. Nhờ bán hủ tiếu mà tôi có tiền chữa bệnh cho mẹ, xây dựng nhà cửa, lo cho em gái út ăn học và sắm sửa mỗi khi Tết đến Xuân về”, anh Thái tâm sự...

Mưu sinh ở phương xa vất vả, song trong lòng mỗi người luôn hướng về quê hương. Tết đến, họ lại trở về dưới mái nhà thân yêu, vui Tết đoàn viên cùng gia đình sau một năm xa cách. Tất cả đều ước nguyện sang năm mới cuộc sống đủ đầy hơn.

TRANG THY

TIN, BÀI LIÊN QUAN:

 

 

Xuất bản lúc: 10:44, 10/02/2024

Ý kiến bạn đọc


.