Bệnh viện Đa khoa tỉnh: Thực hiện nhiều kỹ thuật mới, hiện đại

16:30, 19/03/2024
.
(Báo Quảng Ngãi)- Bệnh viện (BV) Đa khoa tỉnh đã triển khai phương pháp phẫu thuật Stripping kết hợp phẫu thuật Muller để điều trị suy giãn tĩnh mạch chi dưới; thực hiện phẫu thuật tán sỏi thận qua da đường hầm nhỏ (MiniPCNL) mang lại hiệu quả cao cho bệnh nhân.

Điều trị suy giãn tĩnh mạch chi dưới

Tháng 12/2023, bệnh nhân L.V.T (28 tuổi), quê ở TX.Hoài Nhơn (Bình Định), nhập viện BV Đa khoa Quảng Ngãi với triệu chứng đau tức hai chân, nặng chân kèm phù chân khi đứng lâu. Bệnh nhân bị tình trạng này kéo dài đã nhiều năm. Tại BV Đa khoa tỉnh, bệnh nhân L.V.T được siêu âm mạch máu hai chân. Bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị suy giãn tĩnh mạch hiển lớn hai chân mức độ nặng và phẫu thuật lấy toàn bộ tĩnh mạch hiển bị suy của bệnh nhân. Sau phẫu thuật, bệnh nhân hết các triệu chứng đau tức, nặng chân.

Phẫu thuật điều trị suy giãn tĩnh mạch chi dưới cho bệnh nhân tại Bệnh viện 
Đa khoa tỉnh. 					         Ảnh: BVĐK
Phẫu thuật điều trị suy giãn tĩnh mạch chi dưới cho bệnh nhân tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh. Ảnh: BVĐK

Mới đây, bệnh nhân N.T.H (40 tuổi, ở huyện Ba Tơ) đến BV Đa khoa tỉnh khám và điều trị, do bị đau tức, nặng chân khi đứng lâu để bán hàng, chân nổi nhiều tĩnh mạch. Bệnh nhân N.T.H cho biết, tôi bị tình trạng này đã hai năm, gây bất tiện trong công việc, ảnh hưởng đến cuộc sống. Các bác sĩ BV Đa khoa tỉnh chẩn đoán bệnh nhân suy tĩnh mạch nông hai chân ở mức độ nặng, phẫu thuật lấy toàn bộ tĩnh mạch bị suy.

Theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), bệnh suy giãn tĩnh mạch chi dưới thường gặp ở khoảng 35% người đang làm việc, khoảng 50% người đã nghỉ hưu; tỷ lệ nữ giới mắc bệnh cao gấp 3 lần nam giới. Để đáp ứng nhu cầu điều trị bệnh suy giãn tĩnh mạch chi dưới, từ cuối năm 2023, BV Đa khoa tỉnh triển khai phương pháp phẫu thuật Stripping kết hợp Muller.

Bác sĩ Chuyên khoa I Nguyễn Thanh Huy, Khoa Ngoại tổng hợp (BV Đa khoa tỉnh) cho hay, ưu điểm của hai kỹ thuật này giúp loại bỏ toàn bộ các tĩnh mạch bị giãn, các tĩnh mạch bị tổn thương biến mất hoàn toàn, tỷ lệ tái phát thấp. Thời gian bệnh nhân nằm viện điều trị ngắn, có thể xuất viện sau phẫu thuật từ 3 - 4 ngày. Chi phí phẫu thuật, điều trị thấp, phù hợp với mức sống của đa số bệnh nhân. Năm 2024, BV Đa khoa tỉnh sẽ triển khai thêm kỹ thuật đốt Laser nội mạch giúp bệnh nhân có thêm cơ hội lựa chọn điều trị bệnh suy giãn tĩnh mạch chi dưới.

Phẫu thuật tán sỏi thận

Từ cuối năm 2022, các bác sĩ Khoa Ngoại tổng hợp đã thực hiện thành công phẫu thuật tán sỏi thận qua da đường hầm nhỏ (MiniPCNL) lần đầu tiên tại Quảng Ngãi. Từ cuối năm 2023, BV đã triển khai thường quy kỹ thuật này trong điều trị sỏi thận.

Bác sĩ Chuyên khoa II Nguyễn Thái Chấn - Trưởng khoa Ngoại tổng hợp cho biết, các bác sĩ sử dụng siêu âm là phương tiện chính để định vị sỏi, kích thước đường hầm nhỏ vào thận là 18Fr (khoảng 6mm) và tán sỏi bằng máy Holmium Laser công suất cao 90W. Vì đường rạch da nhỏ (dưới 1cm) nên sau mổ người bệnh rất ít đau. Tùy vào tình trạng ổn định của người bệnh, ống dẫn lưu thận thường được rút sau 3 - 5 ngày, sau đó người bệnh có thể xuất viện, cắt chỉ tại BV hoặc tại địa phương.

Tán sỏi thận qua da đường hầm nhỏ là phương pháp phẫu thuật nội soi hiện đại điều trị sỏi thận ít xâm lấn, ít đau sau mổ, thời gian nằm viện ngắn; vết mổ nhỏ rất thẩm mỹ, hiệu quả và an toàn. Từ khi triển khai phẫu thuật đến nay, tất cả các trường hợp tán sỏi thận qua da đường hầm nhỏ tại BV Đa khoa tỉnh đều ổn định, không có tai biến trong mổ và biến chứng sau mổ. Đa số trường hợp đều sạch sỏi lúc tái khám.

BẢO HÒA

TIN, BÀI LIÊN QUAN:

 

Xuất bản lúc: 16:30, 19/03/2024

Ý kiến bạn đọc


.