(Báo Quảng Ngãi)- Ngày xưa, nói đến nhà ở của người Kinh ở Quảng Ngãi nói riêng, và làng quê Việt Nam nói chung, người ta hay nói đến nhà rường mái ngói, nhưng phổ biến nhất vẫn là mái nhà tranh, vách đất. Làng quê ngày đó gắn liền với hình ảnh những nếp nhà tranh khói lam chiều bảng lảng...
Dựng nếp nhà tranh rất đơn giản. Vật liệu phần lớn là tre, tranh, tre để dựng nhà và tranh để lợp. Xưa ở các làng quê, ở mỗi khu vườn đều trồng tre. Tre vườn chặt làm nhà, không đủ thì hỏi tre hàng xóm. Người xưa có câu: “Có trăm tre mới ngo ngoe làm nhà”. Muốn nhà chắc chắn khỏi mối mọt, người ta đem tre ngâm dưới bùn vài ba năm mới lấy lên làm nhà. Tre có thể không kịp ngâm nhưng nhất thiết phải là tre già, tre khô.
Nhà tranh ở làng du lịch cộng đồng Gò Cỏ, phường Phổ Thạnh (TX.Đức Phổ). ẢNH: CAO CHƯ |
Ngày trước, tìm tranh lợp nhà cũng rất dễ. Tranh mọc ở khắp các đồi núi. Lúc nông nhàn, người ta rủ nhau “đi tranh”, lên tới núi cắt tranh gánh về, mỗi lần một ít, tích cóp lại thành nhiều. Không có sức “đi tranh” thì dùng rạ lợp nhà. Rạ mau hư hơn nhiều so với tranh. Rạ đánh thành tấm để lợp. Muốn đánh tấm lợp, người ta phải chuẩn bị hom tre, gác giàn bếp hun khói cho chắc, không đợi khi dựng nhà mới đem ra đánh, bởi đánh tranh rất mất thời gian.
Khi có đủ tranh, tre rồi, người ta bắt đầu dựng nhà. Ê-kíp thợ dựng nhà tranh đôi khi chỉ cần hai người. Nhà dựng chưa đến một tháng là xong. Khi có người làm nhà, trong xóm không ai bảo ai, đến giúp công. Thợ dựng nhà với các công cụ đơn giản là cưa, đục... Người thợ ngắm nghía từng cây tre, cắt thành các cây cột, kèo, xuyên trính... Những người hàng xóm đến giúp, người chẻ lạt, kẻ vác cây, người đào lỗ cột... Khi xong các vì kèo, người thợ cùng những người giúp việc dựng lên, các cây cột cho vào lỗ, gióng cho đủ độ cao, đủ độ thẳng, rồi cho xuyên trính vào, tất cả được liên kết một cách đơn giản bởi các chốt tre vót tròn dài chừng 40 - 50cm, buộc lại bằng dây mây và nện đất ở chân cột. Người ta dùng dây buộc chặt các vì kèo, các đòn dông, đòn tay, rui mè. Vậy là khung nhà đã xong.
Khóm nhà tranh với khói lam chiều bảng lảng, với hàng cau, lũy tre là những hình ảnh quen thuộc của làng quê Việt Nam thuở trước. Nhà tranh vách đất và cả nền đất biểu hiện cho sự đơn sơ mà ấm cúng.
Chuyện kể ngày xưa, thân phụ của Phó bảng Nguyễn Bá Nghi là ông Nguyễn Hữu Thể đi làm chỉ huy cho đội binh Tây Sơn, đóng ở Chiên Đàn, phía bắc tỉnh Quảng Nam. Ông gặp bà họ Cao, bà từ biệt mẹ về quê chồng Mộ Đức. Lúc nhớ mẹ, bà ngâm câu ca dao: “Mẹ già ở túp lều tranh/ Nắng mưa nào biết chết lành ai hay”, rồi nức nở khóc thầm. Nếp nhà tranh thể hiện sự gần gũi và thân thương là vậy!
|
Với vách nhà, người ta dựng các đoạn tre thẳng từ mặt đất lên tới các đuôi kèo, buộc bằng dây lạt tre hoặc mây. Gióng xong các cây trụ chính trên vách nhà, dựng các cửa bằng tre hoặc gỗ, người thợ gần như xong nhiệm vụ. Những người hàng xóm đến giúp đưa từng tấm tranh lên lợp nhà, số khác chẻ tre buộc ngang dọc để trát vách nhà. Đất trát vách nhà được nhồi với rơm, nước, vách khi còn ướt khá nặng, có thể làm xiên đổ nhà, nên trước khi trát, người ta dùng các đoạn tre chống chéo, giằng giữ vào các điểm chịu lực chính của khung nhà. Ngày trát vách, cả xóm tập trung để làm cho xong chỉ trong một buổi. Người dùng cuốc xới đất ở gần nhà, người đổ nước, người giũ rạ, dùng chân đạp cho nhuyễn.
Số người khác dùng cuốc chỉa kéo từng nùi đất đến các vách, ở đó có người đứng dùng tay đưa các nùi bùn rơm lên trên, rồi dùng tay trát cho phẳng, một người ở trong, một người ở ngoài đối diện nhau. Cứ thế người ta trát hết các bức vách, chỗ nào muốn để cửa sổ có thể chừa lại không trát. Vách bùn phải dăm bữa nửa tháng mới ráo, lúc này người ta có thể dỡ các cây chống, dọn sạch nền nhà đất, vào ở. Khi vách vừa héo, người ta dùng hom tre đập đều chống nứt vách khi khô. Người cẩn thận hơn thì tìm đất mới, hay đất sét trắng, dùng bay và bàn chà tô vách phẳng phiu, có màu trắng đục. Mái tranh thì người ta dùng liềm cắt cho ngay ngắn, đẹp mắt. Khi cùng nhau góp công làm nhà, tình nghĩa xóm làng càng thêm gắn bó.
CAO CHƯ
TIN, BÀI LIÊN QUAN: